Trước thời đại phim ảnh, các gia đình trung và thượng lưu ở Anh đã xem “truyền hình” trên màn ảnh rộng nhiều đến nỗi việc đó trở thành một tập quán. Phim ảnh động dĩ nhiên là chưa được phát minh vào thời kỳ Victoria (1837-1901), nhưng những người sống thời đó có cách khác để xem “truyền hình”: một thiết bị hội tụ ánh sáng để chiếu hình ảnh gọi là “đèn lồng ma thuật”. Theo một nghiên cứu mới, các máy chiếu hình đầu tiên trở nên phổ biến và dễ tiếp cận hơn so với quan niệm trước đây. Khán giả đến xem một buổi trình chiếu ở thế kỷ 19. (Tranh của Bill Douglas, bảo tàng điện ảnh thuộc Đại học Exeter, Anh). “Đèn lồng ma thuật” (Magic Lantern) - về cơ bản là đây là tiền thân của máy chiếu phim dương bản ngày nay - có thể hiển thị hình ảnh 3 chiều và thậm chí là ảnh động (giống như ảnh GIF), nhưng khác với phim ở chỗ hình chậm và thay ảnh thủ công. Trong thiết bị, ánh sáng được chiếu qua một tấm kính (hoặc giấy dầu) mỏng vẽ các hình ảnh bằng màu nước trong (sau này là phim dương bản), đến một gương lõm giúp khuếch đại hình ảnh đó lên mặt phẳng phía trước, khoảng cách đặt được tính toán để lấy độ nét cao nhất. Một chiếc “Đèn lồng ma thuật” sản xuất năm 1890, các tấm kính được xếp thành một trục quay để tiện thao tác. (Ảnh: Bonhams.com). Do chi phí đắt đỏ, lâu nay các sử gia hiện đại vẫn cho rằng rất ít người giàu có khả năng mua được những chiếc máy chiếu này. Nhưng nghiên cứu mới lại cho thấy các gia đình trung lưu thường thuê máy chiếu phục vụ cho các bữa tiệc sinh nhật, ngày lễ và các sự kiện xã hội khác mà họ tham gia. Nghiên cứu được công bố ngày 29/8 tại Hội nghị thường niên Hiệp hội nghiên cứu Victoria năm 2018. Phó giáo sư John Plunkett tại đại học Exeter, đã tìm thấy nhiều tờ báo từ thời đại Victoria có mục quảng cáo về “đèn lồng ma thuật”, cho thấy rằng người thời đó thường thuê nhân viên vận hành để trình chiếu hình ảnh mà mình thích, đặc biệt là vào dịp lễ Giáng sinh và sinh nhật của con em họ. Một tấm trượt vẽ bốn loài động vật khác nhau. Người ta trình chiếu bằng cách đẩy từng ảnh một ra trước nguồn sáng mạnh trong máy chiếu. (Ảnh của Bill Douglas, Bảo tàng Điện ảnh, đại học Exeter). “Đèn lồng ma thuật” đã trở nên phổ biến đến mức chẳng khác gì những băng video ngày nay, ai cũng có thể thuê những hình ảnh mới để trình chiếu tại các nhà thờ, hội trường và nhà riêng, Plunkett nói. Những buổi chiếu đó minh họa cho tiểu thuyết hay giới thiệu các bức ảnh chụp từ những vùng đất xa xôi như Ai Cập. "Cũng giống như hệ thống Netflix hoặc cửa hàng thuê video và trò chơi trên máy tính, đây là cách tiếp cận với nhiều phương tiện giải trí hình ảnh hơn, thay vì mua chúng về", Plunkett tuyên bố . Người ta bắt đầu sử dụng “đèn lồng ma thuật” vào những năm 1500, nhưng cho đến đầu những năm 1800 công nghệ này mới trở nên rộng rãi hơn khi các chuyên gia về quang học, nhiếp ảnh gia và người bán hàng (những người bán văn phòng phẩm và thiết bị văn phòng) ở Anh bắt đầu thuê máy chiếu để quảng cáo sản phẩm, Plunkett nói. Phải kể đến công lao của nhà bác học Faraday khi ông phát triển hệ thống có sử dụng thêm thấu kính cùng với bộ lọc màu để lấy ánh sáng chiếu chuẩn. Lúc đầu, nến được sử dụng để tạo nguồn sáng, nhưng rồi người ta tìm cách tạo ra được ánh sáng mạnh hơn bằng cách đốt vôi khoáng với hỗn hợp khí oxy và hydro. Nó sáng đến nỗi về sau được dùng trong đèn hải đăng và đèn chiếu trong các sân khấu lớn. Tuy nhiên việc này có độ rủi ro khá cao, đã có vài báo cáo về tai nạn hay cháy nổ nên đa phần người ta thích thuê máy chiếu ngắn hạn, thường là ở nhà riêng. Chi phí cũng không hề rẻ ngay cả với tầng lớp trung lưu, nhất là khi họ muốn thuê thêm một người vận hành máy, Plunkett cho biết. "Về cuối thế kỷ, giá cả đã trở nên phải chăng hơn nhiều", ông nói. Khi các công nghệ giải trí khác phát triển, đặc biệt là với sự xuất hiện của phim có lời thoại trong những năm 1920, “đèn lồng ma thuật” dần dần chìm vào quên lãng. Mua hàng tại Tin Học Như ÝNguồn KhoaHoc.TV