Thiếu nữ chưa chồng học cách tích tiền

Discussion in 'Tình yêu - Gia đình - Giới tính' started by Robot Siêu Nhân, Apr 6, 2013.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 422)

    "Sau bao ngày cân nhắc, cuối cùng mình quyết định không mua em Galaxy S3, mà lập sổ tiết kiệm. Từ giờ trong khi bạn bè làm để tiêu xài thì mình làm để gửi ngân hàng", Kim Oanh (24 tuổi, Hà Nội) cho biết.


    Việc Oanh "trình làng" quyển sổ tiết kiệm lập tức khiến bạn bè cô sốc. Oanh cho hay: "Một thằng bạn chí cốt bình luận 'Phục mày sát đất'. Mấy cô bạn thân khác buông câu 'Làm sổ tiết kiệm mà vẫn ế chỏng chơ', có bạn còn nói 'Tội quái gì phải làm sổ. Giờ ăn tiêu cho chán, sau đi lấy chồng ông bà già mày cho vài cây vàng là ok chứ mấy'"...

    Cô gái trẻ thừa nhận suy nghĩ của mình có phần hơi "dừ" so với các bạn cùng lứa. Bằng chứng là trong khi các bạn vẫn mải mê lùng sục những bộ cánh, thiết bị số, mỹ phẩm thì Oanh lại nghĩ tới chuyện tích góp tiền.

    Nhiều người trong giới trẻ như Oanh hiện nay thường quan niệm "có thì tiêu, không có không tiêu". Vậy nên tháng nào khi nhận lương là nhóm bạn của cô cũng rủ nhau đi tụ tập, shopping. Công sở nơi nơi Oanh làm việc trở thành "cuộc đua" thời trang. Cô nào cũng cố tỏ ra sành điệu, hợp mốt. Một người luôn cân nhắc chuyện mua sắm như Oanh bị xem là "lạc loài".

    "Mình không phải là người chạy theo mốt nhưng mình biết ăn mặc. Chỉ cần là đồ thích thì sẵn sàng móc hầu bao cả triệu, chuyến du lịch nào mình cũng tham gia. Nhưng mình sẽ chẳng bao giờ mua một món đồ rẻ mà không hợp. Nhiều cô bạn mình thích mua thoải mái như vậy, ham rẻ rồi không mặc đến, mua đồ không mục đích, hết tiền lại kêu la", cô nói.

    Oanh chia sẻ, cô luôn đặt từ "không mua" lên trước từ "mua". Và quả thực sau nhiều lần kiểm nghiệm cô luôn thấy suy nghĩ của mình là đúng. Lần này cũng vậy, cô chọn việc lập sổ tiết kiệm thay vì mua điện thoại thông minh.

    "Thời gian đầu mới đi làm mình còn chưa biết tính toán, được tháng nào tiêu tháng đó. Một lần, cô bạn thân có người nhà đi viện cần tiền gấp, mình chỉ giúp cô ấy được ít. Nhìn cảnh cô ấy phải chạy vạy khắp nơi vay mượn, lại nhìn vào tủ quần áo, giầy dép của mình, trong lòng thấy bức bối. Mình hạ quyết tâm thay đổi lối sống từ đó", Oanh chia sẻ.

    Giờ đây, mỗi tháng ngoài 2 triệu tiền ăn đóng cho bố mẹ, một khoản tiền vừa phải để tiêu cả tháng, Oanh vẫn gửi tiết kiệm được 2 triệu đồng. "Dù chưa biết tích tiền làm gì, chỉ biết là phải để dành thôi", cô gái trẻ gãi đầu nói.

    [​IMG]

    Bên cạnh việc mua sắm, các bạn gái trẻ vẫn nên có một khoản để dành phòng thân. Ảnh minh họa: Phan Dương.


    Nhìn vào những bộ cánh mà Ngọc Lan (27 tuổi, tư vấn luật cho một tập đoàn xây dựng) khoác trên người, nhiều người sẽ nghĩ cô gái này làm không đủ ăn tiêu. Ngược lại, sự thật là Lan rất giỏi tích tiền. 4 năm vừa đi làm, vừa đi học văn bằng 2, học thêm các chứng chỉ luật, Lan mua được xe máy và tích được 1 cây vàng.

    "Tôi thuộc kiểu người thích ăn diện nhưng chưa bao giờ trong một tháng tôi tiêu hết sạch lương. Dù tiêu thế nào thì ngay khi nhận lương tôi sẽ lấy 2 triệu gửi ngân hàng. Số tiền còn lại tôi để chi tiêu cho cả tháng, thực hiện sách lược mua sắm vào cuối tháng khi không còn gì phải tiêu nữa. Trước khi đi mua, tôi cũng lên kế hoạch khá kĩ, mua những cái hữu dụng, hàng đẹp thôi", Oanh nói.

    Phải nuôi em với mức lương gần 5 triệu đồng, Thu Nga (làm việc trong một trường đại học) vẫn tiết kiệm được kha khá.

    Nga chia sẻ, với mức lương này nhiều người còn không đủ tiêu, nói gì là nuôi em và để tiết kiệm. Thế mà, cô đã làm được và thành quả sau một năm cô để ra được 20 triệu đồng.

    Cụ thể, Nga chọn thuê nhà riêng ở ngoại thành, dùng điện, nước sinh hoạt theo giá nhà nước. Mỗi tháng cô mất chưa đến 500.000 đồng tiền nhà, 600.000 đồng tiền ăn, nuôi em gái mất 1,5 triệu và còn lại khoảng 2 triệu để tiêu.

    Nga nói, vì làm ở trường, không phải đi lại trong ngày nên cô lựa đi xe bus, nấu cơm mang đi. Hai tháng cô mới thưởng cho mình một bộ đồ. Vào những ngày lễ, Tết cơ quan đều có tiền thưởng (chỉ vài trăm ngàn), cô lấy đó mua thêm.

    "Tháng dư vài trăm, tháng dư cả triệu. Tôi cứ để vậy trong thẻ, cuối năm ngoái xem dư đươc 9 triệu. Nhận được tiền thu nhập tăng thêm cỡ 12 triệu nữa, tôi rút ra được 20 triệu lập sổ tiết kiệm. Dùng khoản cơ quan thưởng Tết để biếu bố mẹ", Nga cho biết.

    Cô gái này cũng nói thêm, nhắc đến làm nhà nước, lương thấp là mấy bạn cô - những người kinh doanh ngoài, làm tư nhân chê ỏng eo, nghĩ sao sống được. Thực tế là họ làm nhiều, có nhiều chi phí, nhiều nhu cầu phát sinh, còn Nga làm được ít, nhu cầu và chi phí cũng phải ít theo.

    "Tùy vào cuộc sống của mình mà cân đối, có được của để dành mới là cái đích chứ không phải lương thấp, lương cao", Thu Nga bày tỏ.

    Theo chuyên gia Văn Thanh Sĩ - Tổng đài 1088, tiết kiệm là đức tính cần có ở mỗi người và đáng được hoan nghênh. Song trên thực tế, chuyện tiết kiệm tiền dường như chỉ là việc của những người đã gia đình, không có nhiều người độc thân làm việc này.

    "Chúng ta thường nghĩ đàn ông chưa vợ khó giữ tiền, thực ra các bạn gái cũng luôn ca thán không biết giữ tiền. Đó là bởi vì chạy theo lối sống tiêu dùng. Nay được một đồng ăn ngon, mai được một đồng mua sắm. Có cái đẹp rồi lại muốn cái đẹp hơn", ông Sĩ nói.

    Chuyên gia Sĩ cho rằng, những người độc thân chưa vợ, chưa chồng thường không có một kế hoạch chi tiêu, không nghĩ là cần phải để dành. Họ quản lý thu nhập của mình theo kiểu "được chăng hay chớ".

    "Một người biết tiết kiệm là người có kế hoạch cho tương lai. Bất kể ai cũng có thể tiết kiệm, dù luôn có mức lương cao hay thấp", ông Sĩ khẳng định.

    Đồng ý với điều này, chuyên gia tâm lý Trần Thị Hồng Hà, Trung tâm tư vấn tình yêu, hôn nhân, gia đình cho rằng, hiện nay có một bộ phận không nhỏ các cô gái, vừa ra trường đi làm nhưng suốt ngày chạy theo mốt nọ, mốt kia, làm được đồng nào hay đồng đó hoặc luôn biện hộ rằng "đang còn trẻ, tiêu cho sướng sau này lấy chồng không được tiêu".

    "Đây là một lối sống sai lầm. Thu nhập chúng ta thế nào, nên tiêu dùng phù hợp chừng ấy. Không có công thức nào cho việc tiết kiệm bao nhiêu, mà tùy chúng ta phải biết 'liệu cơm gắp mắm'. Cái này khác hoàn toàn với tính hà tiện, bủn xỉn quá đáng", bà Hà nói.

    Chuyên gia tâm lý này phân tích, có rất nhiều cái lợi từ việc bạn gái độc thân tích tiền. Đầu tiên là sẽ có một khoản dự phòng, một tài sản của riêng mình, để bản thân luôn an tâm. Nhờ tiết kiệm mà biết chi tiêu hợp lý, sau này lấy chồng, sinh con cũng là người biết vun vén, tề gia nội trợ, giỏi "tay hòm chìa khóa".

    "Nếu là một người quen thói tiêu xài, sau này lấy chồng mà kinh tế không được vừa ý thì rất dễ nảy sinh xung đột. Có thể họ sẽ nghĩ gia đình là rào cản, có khi còn phân vân giữa hộp sữa cho con và đôi giầy độc... Đường dây tư vấn của chúng tôi nhận được không ít các cuộc gọi của bạn nam, xin ý kiến có nên cưới cô nàng tiêu xài hoang phí làm vợ. Cho nên cần thấy, một cô gái biết tiết kiệm cũng là cô gái đang sở hữu một phẩm chất đẹp mà đàn ông sẽ xem đó như một tiêu chuẩn chọn vợ", bà Hà bày tỏ quan điểm.

    Theo vị này, ngay từ khi làm ra tiền, còn độc thân thì các bạn đã có thể tiết kiệm gửi bố mẹ hoặc ngân hàng. "Điệu và đẹp phải đi liền với cái ví dày chứ không phải mua sắm cho thỏa thuê rồi cuối tháng nhịn đói, hay có việc cần lại phải vay mượn. Cho nên, trong điều kiện cho phép thì dù ít, dù nhiều tôi nghĩ các bạn cũng nên có một khoản để dành, để bất cứ khi nào khó khăn thì đã có nó làm chỗ dựa", chuyên gia tâm lý khuyên.

    Phan Dương

    Nguồn VNExpress
     
  2. Facebook comment - Thiếu nữ chưa chồng học cách tích tiền

Share This Page