Bộ não con người có thể nói giống như một thư viện khổng lồ chứa trong đó là hàng tá ký ức mà ở đó hồi cá ngựa ở não trước, vùng xử lý ký ức, đóng vai trò giống như một người quản thư vậy. Vùng hồi cá ngựa chịu trách nhiệm chính trong việc tạo nên ký ức ngắn hạn trong khi vẫn phân loại thông tin cho việc hình thành ký ức dài hạn. Bộ não của chúng ta có thể lôi lại thông tin một cách ngay lập tức đối với những kí ức mà chúng ta tưởng như đã lãng quên từ vài năm trước đây ví dụ như nụ hôn đầu tiên chẳng hạn. Nhưng cũng có lúc, bộ não lại sắp xếp các thông tin cần lưu trữ một cách nhầm lẫn. Chắc các bạn cũng những lúc không thể nhớ nổi những thông tin khi rất cần. Ngay cả mình đây đôi khi vẫn xục tung mọi xó xỉnh của phòng chỉ để tìm cặp kính trong khi vẫn đang đeo ở mắt hay mất cả tiếng đồng hồ để tìm chìa khóa xe trong khi vừa cho vào trong túi quần. Chính vì thế, bài viết mình chia sẻ ngày hôm nay hi vọng sẽ giúp các bạn có thể phần nào "tối ưu" trí nhớ của mình. Uống rượu bia vừa phải Điều đầu tiên bạn cần nhớ là chất cồn sẽ ảnh hưởng rất xấu tới trí nhớ. Nếu bạn đã từng quá chén một lần thì chắc bạn vẫn còn nhớ mình quay cuồng ra sao khi tỉnh dậy. Một thành phần của phép thử nồng độ cồn cho biết lượng cồn mà chúng ta đưa vào cơ thể là bao nhiêu thì có thể ảnh hưởng đến não bộ một cách tức thời. Dù nhiệm vụ cực kì đơn giản như đếm ngược và đọc lại bảng chữ cái cũng sẽ trở nên cực kỳ khó khăn vì cồn làm ảnh hưởng tới các tế bào não có liên quan tới ký ức. Điều thú vị là phụ nữ có ít cơ bắp hơn nam giới nên bị ảnh hưởng nhanh hơn do cơ bắp giúp làm giảm quá trình hấp thụ cồn vào cơ thể. Nhưng lại có những bằng chứng chỉ ra rằng uống rượu bia ở một mức độ phù hợp có thể cải thiện trí nhớ và khả năng quan sát. Dù cần nhiều hơn các nghiên cứu để hoàn thiện, một số công trình lại cho thấy những người uống rượu vừa phải lại hoàn thành một số bài test nhất định về trí nhớ và suy nghĩ hơn những người không uống và những người uống nhiều. Nguyên nhân có thể là hiệu ứng dài hạn. Một công trình ở nước Pháp đã theo dõi 4000 người ở độ tuổi 65 và kết quả là những người uống ít tức chỉ uống khoảng 2 ly rượu một ngày ít bị mắc chứng Alzheimer hơn những người không uống tới 45%. Các chất như flavanoids và resveratrol trong rượu có tác dụng như chất chống lão hóa cho cơ thể và ngăn ngừa các phân tử hoạt động tự do gây hại đến các tế bào trong cơ thể, có tác dụng tốt cho máu nếu ở mức vừa phải. Tuy nhiên như đã nói ở trên, chúng ta không nên lạm dụng rượu bia nếu đã có những nhân tố rủi ro nhất định chẳng hạn như gia đình có người nghiện rượu. Còn nếu bạn muốn nâng chén tiêu sầu thì hãy đọc phần tiếp theo để xem nỗi buồn ảnh hưởng tới trí nhớ thế nào nhé. Hạn chế căng thẳng kéo dài Bạn cần biết rằng bất kì điều gì khiến bạn trở nên căng thẳng sẽ cực kỳ có hại tới phân khu não bộ có chức năng liên quan tới trí nhớ. Nguy hiểm hơn nếu tác nhân gây stress là những cơn suy sụp. Người bị suy sụp tinh thần do trải qua biến cố nào đó thường bị đánh đồng với người có vấn đề về trí nhớ bởi vì một trong những triệu chứng chính của tình trạng này là nạn nhân mất đi khả năng tập trung. Suy sụp làm gia tăng lượng cortisol trong máu khiến cho lượng cortisol trong máu lên cao. Ngày nay với sự hỗ trợ từ các thiết bị y tế tối tân, các bác sĩ đã có thể theo dõi quá trình cortisol gia tăng phá hủy các phân khu não như thế nào. Một nghiên cứu đã chỉ ra con người đã từng bị suy sụp tinh thần dù đã cách đó vài năm thì vùng hồi cá ngựa ở não giảm đi 12 -15%. Nguyên nhân là vùng hồi cá ngựa là trung tâm xử lý trí nhớ ngắn hạn, suy sụp kéo dài làm phá hủy khả năng ghi nhớ thêm các sự kiện mới. Bên cạnh đó, suy sụp còn gây ảnh hưởng tới các các loại ký ức chúng ta ghi nhớ. Trong khi ở trạng thái bình thường chúng ta có thể lựa chọn những ký ức nào được lưu giữ dài hạn thì những người trải qua suy sụp dường như chỉ có thể ghi nhớ những ký ức tiêu cực mà thôi. Tuy nhiên những ký ức hạnh phúc không phải là thứ duy nhất giúp nạn nhân có thể chống lại chứng suy sụp tinh thần. Một số loại thuốc có thể giúp tái tạo lại vùng hồi cá ngựa bị suy giảm. Vận động nhiều hơn Nếu bạn là người thường xuyên rời khỏi bàn làm việc và đi bộ vài vòng quanh nhà, bạn sẽ hiểu lý do mình nêu ở đây. Thể dục không chỉ là tập luyện cho cơ thể mà còn rèn luyện cho não bộ nữa. Béo phì là nhân tố chính gây ra nhiều bệnh tật cho cơ thể và làm tổn hại đến não bộ như các cơn đau đầu và bệnh Alzheimer. Nếu không luyện tập thường xuyên, các mảng bám sẽ gia tăng trong mạch máu và làm chúng suy giảm khả năng vận chuyển máu đi nuôi cơ thể. Không chỉ làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim mà chúng khiến não không được cung cấp đủ năng lượng từ oxy và chất dinh dưỡng ở trong máu để làm việc. Vì thế sau những phút giây ngồi lỳ trên ghế để lướt facebook hay đọc sách thì bạn nên đứng dậy và vận động một chút để máu bơm lên não nhiều hơn. Liên tưởng hóa Chắc hẳn các bạn đã từng nghe đến phương pháp liên tưởng hóa để ghi nhớ một cách tốt hơn vì bộ não luôn ấn tượng với những điều thú vị hoặc hài hước. Để rõ hơn mình sẽ minh họa ví dụ sau. Nhiệm vụ của bạn là ghi nhớ các từ sau 1. cây bút chì, 2. Máy tính, 3. chứng minh thư và cuối cùng là gói snack. Chúng chẳng có liên quan gì tới nhau nên có thể bạn phải đọc đi đọc lại vài lần mới nhớ được. Nhưng nếu bạn thử nghĩ ra một cảnh tượng thú vị để kết nối các hình ảnh lại với nhau xem có dễ nhớ hơn không: tưởng tượng cây bút của bạn là một con rắn đang cuộn tròn quanh chiếc máy tính bấm số của bạn vì nó rất thích chiếc máy này. Chúng dùng lưỡi để ấn các phím số. Khi nó bấm được 1 trong các phím, chiếc máy tính bỗng dưng biến thành một chiếc máy ảnh và chụp hình con rắn để làm ảnh CMT. Vì cố uốn mình nên nó thấm mệt và muốn ăn một gói snack. Nghe thì có vẻ kỳ cục nhưng câu chuyện đó hay chứ. Quan trọng là Bạn đã nhớ được 4 món đồ đó rồi đúng không? Chú tâm hơn 8 giây tập trung sự chú ý vào một vấn đề là khoảng thời gian đủ để bạn chuyển một ký ức ngắn hạn thành ký ức dài hạn. Dù bạn có cố gắng tạo ra câu chuyện thú vị như phần trước nhưng nếu bạn không dành sự chú tâm vào thứ bạn cần ghi nhớ thì kỹ năng đó cũng trở nên vô dụng. Đôi lúc bạn không thể ghi nhớ được những thứ tưởng như rất đơn giản là vì bạn chưa từng đưa thông tin vào trong ngân hàng ký ức. Giống như những giáo sư lơ đễnh, chúng ta đều đã từng trải qua những lúc vứt chìa khóa hay ví tiền bào một chỗ để rồi tìm mãi mà không ra. Chìa khóa để chúng ta dễ dàng ghi nhớ nhất là luôn luôn để tâm vào những điều sắp xảy ra. Cố gắng giảm tối đa những yếu tố dễ làm bạn mất tập trung như âm nhạc, tivi hay điện thoại. Và hãy thử gọi to những thứ mà bạn đang làm. Giả sử khi vừa bỏ kính ra khỏi mắt bạn hãy nói to : mình đang định bỏ kính lên bàn học. Yên tâm là bạn sẽ tìm lại chiếc kính cận dễ hơn lúc nào hết. Chia nhỏ thông tin Bạn không bao giờ quên danh sách món đồ phải mua khi đi siêu thị và gương mặt của những người mới gặp nhưng khi được yêu cầu phải nhắc lại số chứng minh thì đôi lúc việc đó không hề dễ dàng chút nào. Phương pháp tốt nhất cho bạn trong trường hợp này là phân đoạn để ghi nhớ. Mình cá là các bạn đã từng sử dụng cách này rồi. Khi bạn đọc số di động của bạn cho người khác, có phải là bạn đọc thành từng nhóm 3 số đúng không nào. Nguyên tắc của phương pháp này là chia nhỏ một lượng lớn thông tin thành những đoạn thông tin nhỏ hơn để dễ ghi nhớ. Ví dụ khi bạn cần nhớ dãy số 280-115-117, hãy thử liên hệ từng nhóm số với những thứ khiến bạn thấy thú vị và không thể quên được. Với ba chữ số đầu, bạn có thể nghĩ tới 2 người chị 8x của mình, còn ba số 115 thì đó chẳng phải là số gọi cấp cứu đúng không. Ba số cuối cùng bạn có thể nghĩ tới hai cầu thủ nổi tiếng là Giggs và Ronaldo của MU mang số áo 11 và 7. Xâu chuỗi các nhóm số lại bạn hoàn toàn có thể nghĩ tới một câu chuyện cực kỳ thú vị: hai bà chị 8x của mình phải lên xe cấp cứu vì sốc sau khi gặp Giggs và Ronaldo ở trên phố. Dễ nhớ đúng không bạn? Ghi nhớ theo vị trí Phương pháp ghi nhớ theo vị trí có bắt nguồn từ thời Hy Lạp cổ đại. Một đêm, một nhà thơ có tên Simonides được yêu cầu đọc thơ trước buổi tiệc lớn của giới quý tộc nhưng ngay khi ông vừa đi khỏi buổi tiệc thì toàn bộ dinh thự bỗng nhiên đổ sập xuống. Rất nhiều người thân của Simonides có mặt ở buổi tiệc hôm đó không may bị chết và không thể nhận dạng được. Simonides đã nghĩ ra cách nhận dạng người nhà bằng cách hồi tưởng lại vị trí ngồi của họ vào lúc tai nạn xảy ra. Phương pháp này sau đó được đặt tên là phương pháp ghi nhớ theo vị trí (loci system) và được giảng dạy rất phổ biến ở Hy Lạp cổ đại. Trong hệ thống này, những thông tin đã nằm sẵn trong bộ nhớ đấy chính là những vị trí, nơi chốn quen thuộc đối với mình. Chẳng hạn như cửa ra vào hay những căn phòng, đồ vật trong nhà. Những nơi chốn này sẽ đóng vai trò như những vật móc. Để ghi nhớ, chúng ta sẽ liên kết mỗi thứ cần nhớ với một nơi chốn nhất định. Mỗi đồ vật trong nhà sẽ được chúng ta chuyển thành những hình dạng ngộ nghĩnh mà mình tưởng tượng ra theo một trình tự nhất định. Nghe có vẻ hơi khó hiểu nên mình sẽ đưa ra một ví dụ minh họa. Giả sử bạn cần phải mua những thứ sau ở siêu thị: kem cạo râu, táo, xúc xích, xì dầu, kem nhưng không được ghi chú lại. Bạn hãy tưởng tượng ra căn nhà của mình từ khi mở cửa để bước vào. Nhưng cánh cửa đó bị phụt lên đầy kem cạo râu. Bạn đừng cố nhớ từ kem cạo râu mà hãy tượng ra thứ bọt trắng xốp bị phun đầy lên cánh cửa nhà mình có mùi bạc hà thơm nhẹ mát. Khi mở cánh cửa và bước vào, trước mắt bạn là một quả táo đang lăn lông lốc trên cầu thang xuống và đập vào đầu bạn. Đau điếng, bạn rẽ vào phòng bếp thì một chai xì dầu đang khoác một bộ quần áo lòe loẹt đang nhảy múa ở trên bàn. Bạn đi qua bàn ăn để mở tủ lạnh lấy ra một hộp kem để ăn thì tủ lạnh đã hỏng từ lúc nào và kem thì chảy hết mất rồi. Như vậy, sau khi muốn nhớ lại những món đồ ấy, bạn hãy hình dung lại căn nhà mình bắt đầu từ cửa ra vào rồi đi dần qua cầu thang rồi rẽ vào bếp. Và mở tủ lạnh. Mọi thứ sẽ hiện lại trong đầu bạn một cách tự nhiên vì mọi nơi chốn và cách bày trí trong căn nhà thì bạn đã thuộc lòng rồi. Sử dụng môi trường xung quanh để làm móc ghi nhớ Chúng ta có rất nhiều việc nhỏ nhặt phải làm hàng ngày nhưng sao mà chúng ta có thể nhớ hết được tất cả những thứ đó. Nào là uống thuốc đúng giờ, phơi quần áo, quét nhà.... Nhưng có một cách rất hay giúp bạn có thể nhớ những công việc phải làm là sử dụng môi trường xung quanh như một "chất xúc tác" để nhắc nhở bản thân. Nguyên tắc ở đây là sắp đặt các đồ vật xung quanh bạn không theo trật tự và ở vị trí không phù hợp để tạo ra một lời nhắc nhở ngay trước mắt bạn. Não bộ sẽ cố gắng để tìm lý do giải thích tại sao lại có sự không hợp lý này và từ đó bạn sẽ nhớ ra được công việc của mình. Nói thì có vẻ hơi trừu tượng nên mình sẽ nêu ra một vài ví dụ minh họa. Giả sử bạn thức dậy vào lúc nửa đêm nhưng lại muốn nhớ lại điều này vào buổi sáng hôm sau, hãy thử tìm một thứ có liên quan đến giấc ngủ như đồng hồ báo thức chẳng hạn. Đặt cái đồng hồ này ra giữa sàn nhà. Sáng hôm sau, mắt nhắm mắt mở tỉnh dậy và đá phải chiếc đồng hồ trên sàn nhà, bạn sẽ nhớ ra được đêm qua đã xảy ra chuyện gì ngay! Hay một ví dụ khác là bạn hay đi học muộn nên quên phơi đồ. Cách tốt nhất là bạn hãy treo móc phơi vào cửa phòng hay để trên bàn học. Mình cá là kiểu gì bạn cũng nhớ ra có đống quần áo ngập kín trong máy giặt trừ khi là bạn cố tình lờ đi. Bạn thấy cách này có thú vị không nào? Tích cực luyện tập khả năng ghi nhớ Tất nhiên là nói thì bao giờ cũng dễ hơn là thực hiện. Mình không phủ nhận điều đó nhưng nếu bạn có cơ hội để thực hành những mẹo ở trên thì hãy cố gắng áp dụng càng nhiều càng tốt. Không phải ai cũng có thể ngay lập tức dùng liên tưởng hóa hay phương pháp loci để ghi nhớ mà cần trải qua quá trình tập luyện để não bộ quen dần với các phương pháp đó. Bạn có thể tận dụng những lúc ở nơi công cộng để luyện tập khả năng ghi nhớ cho bản thân mình. Ví dụ như khi bạn ngồi trong quán ăn, bạn thử để ý tới một bạn gái nào đó ngồi quanh rồi gán ngẫu nhiên cho bạn ấy một cái tên nào đó. Tự nhắc lại cái tên đó trong đầu bạn và cố gắng tìm ra một số đặc điểm nhận dạng của bạn ấy. Bạn hãy thử dùng cách này với rất nhiều người khác nữa và xem xem khi nhìn lại họ một lượt thì bạn nhớ được tên của bao nhiêu người. Ngay cả khi xem tivi bạn cũng có thể luyện tập trí nhớ cho mình. Sau khi tận hưởng những phút giây thư giãn cùng Vietnam got talent hãy thử nghĩ lại xem bạn có thể nhớ được màu sắc bộ trang phục mà 3 thành viên ban giám khảo không. Nếu mà bạn nhớ được những chi tiết nhỏ như vậy thì thực sự là bạn có một trí nhớ rất tốt đấy. Bên cạnh đó, còn có một cách khác vô cùng đơn giản để luyện tập trí nhớ là truyền đạt các vấn đề cho người khác. Các bạn gia sư là những người hiểu rất rõ. Khi các bạn giảng dạy cho các em học sinh thì chính là các bạn đã học lại một lần nữa và chắc chắn bạn sẽ củng cố lại những kiến thức này. Tham khảo: http://dsc.discovery.com/tv-shows/curiosity/topics/10-ways-to-improve-memory.htm Nguồn: GenK