Tiến sĩ người Việt ở Silicon Valley muốn tạo cách mạng về robot

Discussion in 'Khám phá - Phát minh' started by bboy_nonoyes, Aug 26, 2018.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 117)

    Trong danh sách hơn 100 người Việt trẻ tài năng về nước dự Chương trình kết nối mạng lưới Đổi mới sáng tạo, TS Vũ Duy Thức, Giám đốc điều hành Công ty OhmniLabs chuyên sản xuất robot kết nối trực tuyến tại Thung lũng Silicon (Mỹ), thu hút được sự quan tâm của nhiều người. Anh là một trong những người khai sinh robot gia đình và là người Việt Nam duy nhất được vinh danh trong 40 nhân vật ấn tượng, có thành tích đặc biệt xuất sắc dưới 40 tuổi năm 2017 của vùng Silicon Valley (Mỹ).

    Là chuyên gia trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) và thuật toán, niềm đam mê của Thức là robot. Anh muốn biến những thiết bị, dữ liệu khô khan thành công cụ phục vụ đời sống con người.

    [​IMG]

    TS Vũ Duy Thức tại Việt Nam ngày 21/8. Ảnh: BN.

    Mong muốn đó được thực hiện chỉ hơn một năm sau khi thành lập công ty OhmniLabs (2015) với sự ra đời của phiên bản robot Ohmni thử nghiệm. Robot có khả năng di chuyển linh hoạt và có một máy tính bảng được gắn trên đỉnh. Thông qua robot Ohmni, những cuộc gọi video được thực hiện và kết nối tự động có thể thu, phát hình trực tiếp. Robot cũng có thể tự động đi theo cùng con người để xem phim, đi dạo giống như một người bạn.

    Cũng nhờ robot này, một người dùng đã cứu được mẹ của mình khi gọi về nhà phát hiện bà đang nằm liệt giường, không thể di chuyển do nhiễm khuẩn nặng. Người con ngay lập tức nhờ y tế hỗ trợ, đưa mẹ đến bệnh viện.

    [​IMG]

    Robot giúp khỏa lấp khoảng cách của những người xa gia đình.


    Các thế hệ robot gia đình sau đó đang được TS Thức và nhóm nghiên cứu hoàn thiện và phát triển. Đó là những con robot chăm sóc sức khỏe cho người lớn tuổi, hỗ trợ dạy học, hoặc giúp đỡ y tá trong bệnh viện.

    Anh Thức có tham vọng tạo nên bước đột phá về robot bằng cách tạo ra một nền tảng mở để giảm chi phí đầu tư và thời gian nghiên cứu. Nhà khoa học này cùng đồng nghiệp xây dựng hệ thống mở Kambria (open platform) dựa trên công nghệ chuỗi khối (Blockchain). Từ nền tảng có sẵn, bất cứ kỹ sư lập trình nào cũng có thể đóng góp và phát triển thêm để có những con robot giá rẻ do không phải nghiên cứu từ đầu.

    Là dân công nghệ, TS Thức hiểu khi phát minh ra một công nghệ mới, tác giả sau đó phải thành lập doanh nghiệp, đi vay tiền rồi tìm cách bán sản phẩm. Đây là quá trình dài, tiềm ẩn nhiều rủi ro và thất bại. “Đây là mảng công nghệ phức tạp và khó khăn, không ai có thể làm một mình”, TS Thức nói và cho biết khi lập trình viên có sản phẩm đột phá, công ty anh cũng là nơi giúp họ thương mại hóa sản phẩm để đưa ra thị trường.

    “Kambria sẽ giúp họ và san sẻ quyền lợi. Họ có thể cùng đầu tư vào những dự án công nghệ có tiềm năng và lợi nhuận lớn dựa trên nền tảng có sẵn”, TS Thức nói và cho biết nền tảng công nghệ này đang hợp tác phát triển xe không người lái, máy bay không người lái và robot y tế. Hiện đã có bản demo, dự kiến đến giữa năm 2019 sẽ có phiên bản hoàn thiện.

    Đóng góp bằng hành động cụ thể, thiết thực

    Là nhà khoa học, TS Thức còn được biết đến với vai trò doanh nhân khá thành công khi là nhà đồng sáng lập của hai công ty Katango và Tappy. Cả hai công ty này đều nhanh chóng được tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới Google và Weeby.co mua lại.

    Thức quan niệm, thành công và hạnh phúc đối với anh chính là tạo ra giá trị cho nhiều người. Hiện anh là nhà đầu tư cho các công ty khởi nghiệp và hợp tác với các trường đại học tại Việt Nam để xây dựng những trung tâm nghiên cứu, ứng dụng và phát triển robot.

    Anh cũng kết nối những trung tâm này với những công ty công nghệ lớn và trường đại học hàng đầu thế giới, để tạo ra một môi trường trao đổi nghiên cứu về robot tốt nhất cho Việt Nam.

    [​IMG]

    TS Vũ Duy Thức đang chế tạo robot. Ảnh: NVCC.

    Những chương trình giáo dục đào tạo có uy tín về AI từ Silicon Valley (Mỹ) như của Đại học danh tiếng Stanford hoặc của Google cũng đang được tiến sĩ trẻ đưa về Việt Nam để đào tạo cho đội ngũ kỹ sư Việt Nam tài năng. Anh cũng có nhiều hoạt động kết nối cộng đồng AI tại Việt Nam và Silicon Valley.

    Quỹ học bổng VietSeeds mà Thức là đồng sáng lập vẫn đang được duy trì suốt hơn 7 năm qua. Đến nay quỹ đã trao tặng hơn 200 suất học bổng cho sinh viên, học sinh với trị giá 4.000 USD/suất.

    TS Thức đang đẩy mạnh việc xây dựng các chương trình đào tạo, phòng thí nghiệm, để kết nối sinh viên với các nhà nghiên cứu hợp tác tại Việt Nam và các nước có nền công nghiệp phát triển theo nhiều mảng dựa trên nền tảng Kambria.

    Cùng với Kambria, TS Vũ Duy Thức đang rất nỗ lực để góp phần vào thị trường AI và Robotics đang phát triển mạnh mẽ, ngày càng được ứng dụng rộng rãi vào tất cả lĩnh vực của đời sống như công nghiệp, thương mại, y tế, giáo dục...


    Sinh năm 1982 tại TP HCM, Vũ Duy Thức từng giành giải nhất cuộc thi tin học THPT khi ở Việt Nam; giải nhất cuộc thi tin học quốc tế mùa xuân ở Mỹ, giải nhất cuộc thi tin học toàn quốc Mỹ. Năm 2010, anh là người Việt trẻ nhất từng nhận bằng tiến sĩ tại Đại học Stanford (Mỹ).


    Let's block ads! (Why?)
    Nguồn VNExpress
     
  2. Facebook comment - Tiến sĩ người Việt ở Silicon Valley muốn tạo cách mạng về robot

Share This Page