Ngày 23/8, tại Đà Nẵng diễn ra hội nghị về công tác phòng, chống tham nhũng; triển khai Chỉ thị công tác đấu thầu và tập huấn công tác đấu thầu của Bộ Y tế. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, tham nhũng trong ngành y tế chủ yếu liên quan đến công tác tổ chức cán bộ và mua sắm trang thiết bị vật tư y tế, đấu thầu thuốc và quản lý các công trình xât dựng. Mặc dù đã có nhiều quy định cụ thể, Bộ Y tế tổ chức tập huấn hàng năm, một số địa phương và các đơn vị trực thuộc vẫn xảy ra tình trạng khiếu kiện sau đấu thầu, thắc mắc, thậm chí tố cáo. Nguyên nhân, theo Bộ trưởng là do tình trạng đã "chọn địa chỉ trước" khi đấu thầu. Thêm vào đó, đấu thầu xong thì xảy ra chênh lệch giá. "Trách nhiệm này thuộc về những người đứng đầu. Nếu như người đứng đầu và tổ trưởng của tổ đấu thầu nghiêm minh, công khai, minh bạch thì hạn chế được rất nhiều vấn đề sai phạm", bà Tiến nói. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại hội nghị ngày 23/8. Ảnh: Nguyễn Đông. Bộ Y tế đang thí điểm đấu thầu tập trung, nhằm mục đích mua sỉ rẻ hơn mua lẻ, thống nhất giá trong khung, tránh chênh lệch giá cao. Việc công khai, minh bạch trong đấu thầu còn tạo điều kiện cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, lựa chọn nhà thầu tốt và giá cả hợp lý nhất. Trong đó bắt đầu bằng đấu thầu tập trung vật tư tiêu hao, sau đó là đấu thầu thiết bị và thuốc. "Bộ Y tế đã họp rất nhiều nhưng nhiều thành viên không chọn đấu thầu tập trung", Bộ trưởng Tiến nêu thực trạng. Bộ Y tế đã đấu thầu tập trung thuốc đợt một. Kết quả, thuốc giảm 17% giá thành trong đó có cả biệt dược. Bộ đang chuẩn bị đấu thầu đợt hai và tập trung vào các loại thuốc dùng nhiều, chi phí lớn. Bộ trưởng Y tế cho biết sắp tới thí điểm hình thức đàm phán giá theo mô hình nước ngoài. "Đàm phán giá buộc các loại thuốc biệt dược, thuốc đặc biệt phải giảm giá, không thể độc quyền đưa giá thuốc lên cao", bà Tiến nói. Bà Bộ trưởng Y tế nêu quan điểm, muốn chống tham nhũng thì phải phòng. Muốn phòng thì phải tập huấn, phải có kiến thức nhưng "nhiều lãnh đạo chưa chắc đã đọc hết, hiểu hết văn bản, thậm chí các hội nghị cũng giao cho cấp phó đi". "Chọn thuốc đắt còn đâu chi phí mà chi cho các kỹ thuật khác cho người dân?", bà nói thêm. Theo Bộ Y tế, trong các đợt thanh kiểm tra tại 63 tỉnh thành, cơ quan chức năng ngành phát hiện hơn 68 nghìn cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm, đã xử lý hơn 15 nghìn cơ sở, trong đó phạt tiền hơn 13 nghìn cơ sở, với số tiền lên đến hơn 35,4 tỷ đồng. Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc ngày càng diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng, ảnh hưởng xấu đến môi trường kinh doanh. Các mặt hàng dược phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, dược liệu, vị thuốc cổ truyền giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc... có chiều hướng gia tăng. Let's block ads! (Why?) Nguồn: VNExpress