Bác sĩ 30 năm 'tiên tri' bệnh bằng cách đọc các bức ảnh

Discussion in 'Sống khỏe' started by Robot Siêu Nhân, Aug 22, 2018.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 129)

    “Giá như ngày xưa chẩn đoán hình ảnh phát triển thì nhiều bệnh nhân đã không phải chết”, tiến sĩ Võ Tấn Đức không thôi trăn trở sau gần 30 năm chọn công việc lặng thầm. Ngày đêm đối diện với những tấm phim, soi rọi từng lát cắt trên màn hình máy tính để tìm ra bất thường bên trong cơ thể người bệnh, ông vẫn làm công việc này bằng tất cả say mê.

    Hiện là Trưởng Bộ môn Chẩn đoán hình ảnh, Đại học Y Dược TP HCM, Trưởng Khoa Chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, bác sĩ Đức luôn sẵn sàng tâm thế “mỗi bệnh nhân đến với mình là một bài toán mới mẻ”.

    Những năm 90 về trước, ngành chẩn đoán hình ảnh tại Việt Nam chỉ có chụp phim X-quang đơn giản. Sau này các kỹ thuật siêu âm, CT (chụp cắt lớp vi tính), MRI (cộng hưởng từ)... phát triển đã tạo nên cuộc cách mạng trong y khoa. Trước đây các bác sĩ khám bệnh vốn chỉ “nhìn, sờ, gõ, nghe”, quan sát các dấu hiệu bên ngoài, nghe tiếng tim phổi, dựa vào kinh nghiệm mỗi người để chẩn đoán bệnh. Đến khi có các phương tiện hình ảnh hỗ trợ, bác sĩ có thể “nhìn xuyên thấu” cấu trúc bên trong cơ thể bệnh nhân mà mắt thường không thể quan sát.

    [​IMG]

    Bác sĩ Võ Tấn Đức. Ảnh: N.P

    Hành trang rẽ hướng nghề nghiệp từ phẫu thuật viên ngực bụng sang lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh của bác sĩ Đức có cả những đau đáu, bất lực vì chưa thể cứu chữa tốt nhất cho bệnh nhân. Những năm 90 có nhiều bệnh nhân vào viện vì đau dưới sườn phải, sốt cao, da mắt vàng. Với nội khoa, những triệu chứng trên là viêm gan siêu vi cấp tính, trong khi với ngoại khoa đó là trường hợp có khả năng tắc mật. Nếu phán đoán là tắc mật thì phải mổ ngay để cứu mạng. Nhưng nếu đây chỉ là bệnh nội khoa, gan bệnh nhân đang viêm sẽ khó chịu nổi cuộc mổ với thuốc gây mê thải độc qua gan rất nhiều của thời bấy giờ.

    “Lúc đó chỉ cần siêu âm, đặt đầu dò vào là đã xác định được đường mật có giãn không, túi mật có to không để đưa ra y lệnh phù hợp, bệnh nhân không phải mất mạng oan uổng”, bác sĩ Đức xót xa. Có cả những cô gái trẻ phải chịu đường mổ dài xấu xí, rủi ro dao kéo vì những triệu chứng nhầm lẫn với viêm ruột thừa, đến lúc mở bụng ra mới thấy không phải.

    “Bác sĩ chẩn đoán hình ảnh có thế thấy được bệnh trước cả khi điều trị nên cảm giác rất thú vị, giống như nhà tiên tri”, bác sĩ Đức nói. Bác sĩ ngoại khoa khi mổ gan ra mới thấy ổ áp xe, quan sát được màu sắc, mùi vị của dịch. Bác sĩ chẩn đoán hình ảnh có thể biết được ổ dịch đó là gì từ trước khi mổ. Để tránh lãng phí thời gian, tiền bạc của bệnh nhân, bác sĩ chẩn đoán hình ảnh cũng cần phải có chiến lược phù hợp, nên chọn kỹ thuật nào, chọn từ đơn giản đến phức tạp hay chỉ chọn một cái chính xác nhất.

    Dù hình ảnh là bằng chứng khách quan khó chối cãi nhưng từ những hình ảnh vô tri đó, để đưa ra chẩn đoán chính xác là thách thức với các bác sĩ. Những bài toán hóc búa, bác sĩ chẩn đoán hình ảnh phải giải đáp đầu tiên thì bác sĩ điều trị mới đi đúng đường. Chính kết quả chẩn đoán sẽ định hướng điều trị, nếu sai sót có thể dẫn đến hậu quả khó lường nên đòi hỏi bác sĩ phải cân nhắc kỹ lưỡng. Nếu không thể quan sát rõ ràng, bác sĩ chẩn đoán hình ảnh phải phối hợp các triệu chứng lâm sàng, bàn bạc cùng bác sĩ chuyên khoa để đưa ra kết luận cuối cùng.

    [​IMG]

    Bác sĩ Đức hướng dẫn học trò. Ảnh: N.P

    Một học trò của tiến sĩ Đức, nay là bác sĩ chẩn đoán hình ảnh tại bệnh viện lớn của TP HCM cho biết may mắn đã gặp được người thầy nghiêm khắc, tuyệt vời về chuyên môn. “Thầy là một tấm gương cho sự chịu khó học hành và truyền giảng kiến thức, vấn đề nào cũng cố gắng tìm hiểu đến cùng”, bác sĩ chia sẻ.

    Lặng thầm phía sau các thành công trong điều trị của đồng nghiệp, bác sĩ Đức luôn dặn dò đàn em và học trò phải cố gắng nhìn ra bản chất hình ảnh một cách chi tiết, tường tận nhất có thể, giúp bệnh nhân có chiến lược điều trị hiệu quả nhất.

    “Trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh nói riêng, ngành y nói chung hay bất cứ ngành nghề nào cũng vậy, người nào càng đặt nhiều câu hỏi tại sao để giải đáp thì người đó sẽ càng giỏi”, bác sĩ Đức tâm niệm. Và những hình ảnh đôi khi vẫn theo vào cả giấc ngủ của người bác sĩ tận tâm, khi căn bệnh hiếm nào đó của bệnh nhân chưa thể gọi tên chính xác.

    Lê Phương

    Let's block ads! (Why?)
    Nguồn: VNExpress​
     
  2. Facebook comment - Bác sĩ 30 năm 'tiên tri' bệnh bằng cách đọc các bức ảnh

Share This Page