Nhờ tính linh hoạt, giao diện này có thể sử dụng trên nhiều thiết bị Android khác nhau, tạo cơ hội cho Facebook đưa các dịch vụ của mình vào nền tảng di động của Google để kiếm lời. Giao diện Facebook Home vừa trình làng khiến cho giới công nghệ xôn xao vì cách thức hiển thị trực tiếp thông tin cập nhật, hình ảnh trên mạng xã hội theo dạng slideshow trên màn hình chính, giao diện khoá và hình nền của thiết bị. Đây được coi là hướng đi khác lạ từ phía mạng xã hội lớn nhất thế giới bởi các hãng Android có xu hướng bổ sung các tính năng mới vào giao diện tuỳ biến của mình nhiều hơn. Theo CNet, động thái của Facebook chứng tỏ hãng này muốn nắm quyền điều khiển trực tiếp người dùng của mình, thay vì phụ thuộc vào ứng dụng mạng xã hội trên Android. Bên cạnh đó, giao diện của Facebook Home còn được tích hợp chặt chẽ với hàng loạt ứng dụng đặc biệt của hãng, khiến Android bị lu mờ đối với người dùng. Home có thể tích hợp trên nhiều thiết bị khác nhau do nằm ở tầng trên cùng của hệ điều hành. Ảnh: CNet. Ben Bajarin, một nhà phân tích của Creative Strategies, cho biết, do Home và các ứng dụng của Facebook chiếm dụng gần như toàn bộ chiếc điện thoại nên Facebook có thể buộc thiết bị hiển thị những gì mình muốn trên máy của người sử dụng. Đồng thời, hãng cũng có thể giới hạn phần nào các nội dung mà Google muốn đưa tới khách hàng. Nhờ việc Home hoạt động trên tầng cao nhất của hệ điều hành Android nên Facebook có thể tích hợp giao diện này trên nhiều thiết bị khác nhau một cách dễ dàng và ít bị giới hạn nhất. Điều này đồng nghĩa với việc Facebook có thể khiến người dùng mãi không thể "nhấc chân" ra khỏi mạng xã hội, hoặc ít nhất giảm sự phụ thuộc giữa mình với Android cũng như các tính năng mà Google đã tạo ra sẵn trước đó. Theo ông Ben Bajarin, hiện tại Google mới chỉ quan tâm tới việc công cụ tìm kiếm của mình được sử dụng trên mọi thiết bị. "Tôi nghĩ Google sẽ không lo ngại (về Facebook Home) cho đến lúc họ nhận thấy có thứ đang ngáng chân vào mô hình kinh doanh dựa trên dịch vụ tìm kiếm của mình". Google kiếm tiền trên Android hầu hết nhờ quảng cáo. Doanh thu kiếm được của hãng phụ thuộc phần lớn vào việc người dùng thường xuyên truy cập và các công cụ tìm kiếm, email hay ứng dụng có liên quan khác. Mặc dù trong buổi ra mắt giao diện Home, Facebook không đề cập bất kỳ thông tin nào liên quan đến công cụ tìm kiếm mới nhất của mình là Graph Search nhưng trong tương lai việc tích hợp tính năng này vào sản phẩm là có thể xảy ra. Đến lúc này, Facebook đã chính thức ngáng chân vào việc làm ăn của Google. Điện thoại HTC First với giao diện Home vừa ra mắt. Ảnh: The Verge. Hiện tại, Google và Facebook là đối thủ của nhau. Google muốn "lấn sân" nhiều hơn sang mạng xã hội thì Facebook cũng bày tỏ tham vọng đối với mảng tìm kiếm. Di động được coi là "chiến trường" quan trọng đối với cả hai hãng. Trong đó, "gã khổng lồ tìm kiếm" đang có chỗ đứng vững chãi trên thị trường di động với hệ sinh thái Android hùng hậu. Jan Dawson, một nhà phân tích của Ovum, cho biết Home cho phép Facebook theo dõi xu hướng sử dụng của khách hàng đối với các thiết bị di động và tập trung nhiều hơn vào quảng cáo. Đây là hai lợi thế quan trọng mà Google có được nhờ Android. Về phía mình, Google vẫn giữ thái độ trung lập. Đại diện của hãng chỉ nói rằng việc Facebook hợp tác với HTC để cho ra mắt điện thoại First với giao diện Home cho thấy nền tảng Android đã thúc đẩy sự phát triển của nhiều mẫu thiết bị khác nhau. HTC First và Home thể hiện được tính mở và linh hoạt, hai đặc trưng giúp cho Android trở nên phổ biến như hiện nay. Giao diện Home của Facebook. Ảnh: CNet. Trong cuộc phỏng vấn mới nhất giữa Mark Zuckerberg và tạp chí Wired, CEO của Facebook một lần nữa khẳng định việc tự sản xuất một mẫu điện thoại của riêng mình không phải là chiến lược đúng đắn. Đại diện của mạng xã hội lớn nhất cho biết hiện tại cộng đồng Facebook có tới hàng nghìn thành viên. Trong khi đó, nếu không tính iPhone thì model bán chạy nhất hiện nay cũng chỉ đạt được doanh số từ 10 đến 20 triệu chiếc. Nếu tự sản xuất smartphone, Facebook chỉ tiếp cận được từ 1% đến 2% khách hàng của mình. Do đó, thay vì sản xuất một chiếc điện thoại, hãng tìm cách biến mọi smartphone thành "Facebook Phone" và Home ra đời. Thêm vào đó, Mark Zuckerberg cho biết mặc dù có mối quan hệ tốt với Apple nhưng do "Quả táo" muốn kiểm soát trải nghiệm của người dùng nên việc hợp tác không thành. Ngược lại, Facebook và Google lại ít rào cản hơn. Thậm chí, do "Android là hệ điều hành mở nên Facebook cũng không cần phải làm việc với Google", CEO Facebook nói thêm. Các phát ngôn từ phía Facebook và Google cho thấy hai hãng này có những thái độ khác nhau về Home. Giới công nghệ dự đoán rằng do đã lỡ hứa sẽ giữ cho Android luôn là nền tảng mở nên Google mới không trực tiếp bày tỏ sự phản đối về sản phẩm mới của Facebook. Tuy nhiên, nhìn chung, Facebook Home cũng không phải là công cụ để "dìm hàng" Android. Nếu sản phẩm này thực sự thành công, cộng đồng Android cũng sẽ được "thơm lây" vì hàng loạt người dùng iPhone quay đầu với Apple để tiến lại gần Google. Đúc Trí Nguồn: VNExpress