Từng có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ và nay là CEO của ứng dụng gọi xe 'made in Vietnam' mới gia nhập thị trường, ông Nguyễn Hữu Tuất nhận định vẫn còn nhiều thách thức lẫn tiềm năng cho mô hình kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực gọi xe công nghệ ở Việt Nam. - Sau gần một tháng ra mắt thị trường Hà Nội, FastGo ghi nhận tăng trưởng ra sao? - So với hơn 1.000 xe đăng ký hôm ra mắt hồi tháng 6, hiện chúng tôi đã có 4.000 xe cá nhân và gần 1.000 taxi của 25 hãng tại Hà Nội tham gia ứng dụng. Theo thống kê trên hệ thống, đã có 16.000 khách hàng tải ứng dụng và có khoảng 25.000 cuốc khách được yêu cầu, trong đó chúng tôi xử lý cho 5.000 khách hàng đi xe thành công. Những con số này theo đúng kế hoạch đề ra ban đầu. Từ đó đến nay, trung bình mỗi ngày FastGo tăng trưởng 10%. Tôi cho rằng FastGo đem lại luồng gió mới cho thị trường gọi xe công nghệ, trong đó khách hàng và đối tác lái xe khá ủng hộ, cho dù giai đoạn đầu việc gọi xe, chờ xe có thể lâu hơn. - Ứng dụng nhận được phản hồi từ thị trường như thế nào? - Phần lớn khách hàng, đối tác lái xe bày tỏ sự hài lòng trong hành trình của mình do giá tương đối rẻ so với đối thủ, hiện nếu tính giờ cao điểm FastGo rẻ hơn 1/3. Ngoài ra, chúng tôi liên tục triển khai chương trình khuyến mại, thậm chí mức giảm giá rất cao nên rất nhiều khách hàng được đi các chuyến xe miễn phí hoặc chỉ phải trả dưới 10.000 đồng nên họ vui vẻ và sẵn sàng chờ đợi. Với các đối tác là lái xe ngoài, việc chúng tôi không thu phí, công ty còn có các chương trình thưởng. Ví dụ, lái xe có nhiều cuốc khách nhất nhận thưởng 5 triệu đồng, nhiều chuyến xe nhất thưởng 3 triệu đồng, bỏ cuốc ít nhất thưởng 2 triệu đồng, dẫn đến họ thi đua và sẵn sàng ủng hộ. - Điểm hạn chế lớn nhất mà FastGo gặp phải cần khắc phục lúc này là gì? - Theo tôi là việc cân đối giữa nhu cầu gọi xe và xe đảm bảo ở khu vực khách hàng mong muốn. Hiện tỷ lệ đặt xe thành công của FastGo là 60-70% . Còn 40% là những tình huống như gọi mà không nhận được xe, hoặc nhận được mà vì lý do nào đó lái xe, hoặc khách hàng hủy. Đó là điểm mà chúng tôi sẽ khắc phục thời gian tới . Thực tế, bằng việc tăng cường lượng khách gọi, chúng tôi muốn đảm bảo nguồn thu nhập tối thiểu cho các lái xe từ 300.000-500.000 đồng một ngày. Với khách hàng, mục tiêu là làm sao rút ngắn tỷ lệ gọi xe không thành công xuống thấp nhất dưới 10%. Lý do gọi xe không thành công có thể do tắc đường, khách hàng thường gọi xe quá gấp nên lái xe không kịp di chuyển để đón khách nên bị hủy chuyến khá nhiều. Nếu khách hàng có kế hoạch gọi xe nên gọi trước 15-20 phút thay vì chỉ 1-2 phút để tránh dẫn đến việc hủy chuyến. - Việc cân bằng lợi ích cho lái xe và sự hài lòng của khách hàng là bài toán khó hài hòa. FastGo có giải pháp gì? - Ở góc độ nào đó chúng tôi cũng có lợi thế trong việc vấn đề này. Cụ thể là chúng tôi không yêu cầu độc quyền, lái xe có thể cùng lúc sử dụng song song nhiều ứng dụng, nhờ đó họ không có áp lực phải kiếm nguồn thu nhập khi chỉ sử dụng mình FastGo. Ông Nguyễn Hữu Tuất - CEO ứng dụng gọi xe FastGo. Chúng tôi đang tăng cường lượng khách hàng thường xuyên là giới doanh nghiệp, những nơi chi trả tiền xe cho nhân viên đi làm. Đây là tập khách hàng mà FastGo hướng tới bởi tần suất đi xe khá cố định. Đảm bảo cung - cầu của tập khách hàng là sẽ đảm bảo được mức thu nhập ổn định cho lái xe và chúng tôi sẽ không tập trung nhiều nguồn lực cho khách hàng vãng lai. Theo khảo sát của chúng tôi, hiện các doanh nghiệp dùng ứng dụng gọi xe đang khá lãng phí tiền bởi nhân viên đi làm thường vào giờ cao điểm, với giá đắt hơn gấp 3-5 lần. Chúng tôi đang hướng đến các doanh nghiệp này để có lượng khách thường xuyên, đồng thời giúp họ cũng tiết kiệm được tiền. Hiện công ty có một đội ngũ phát triển thị trường khai thác đối tượng khách hàng phù hợp, đồng thời chúng tôi hợp tác với các hãng taxi truyền thống để có lượng khách thường xuyên và minh bạch lợi ích cho khách hàng. - Doanh thu công ty ra sao khi liên tục đưa ra các mã khuyến mại? - Hiện chúng tôi chưa tính đến vấn đề lợi nhuận. Toàn bộ doanh thu trong tháng qua được dùng làm chương trình tặng thưởng cho lái xe. Thực tế, nguồn thu sẽ đến từ nhiều nguồn bằng việc cung cấp thêm các dịch vụ gia tăng cho lái xe và khách hàng bao gồm: dịch vụ tài chính cá nhân, khách hàng có thể ứng tiền, vay tiền; lái xe có thể mua sản phẩm, dịch vụ hiện có trong mạng lưới 17. 000 doanh nghiệp của MPOSvới mức chiết khấu cao từ đối tác. Ngoài ra, chúng tôi sẽ ra mắt dịch vụ FastBike và giao hàng... Đây là các lĩnh vực có tỷ suất lợi nhuận cao. - FastGo sẽ làm gì để vừa cạnh tranh vừa đảm bảo mục tiêu đã khẳng định đi theo mô hình kinh tế chia sẻ? - Thực ra thị trường này khá rộng lớn nhưng đặc thù, bạn sẽ không có khách hàng trung thành với một ứng dụng hay một đối thủ duy nhất. Khách hàng sẽ lựa chọn dịch vụ có lợi ích tốt nhất và trải nghiệm an toàn. Các các công ty không phải là người trực tiếp phục vụ khách hàng mà chính là các đối tác lái xe. Vì vậy, mục tiêu của chúng tôi là đem lại lợi ích kinh tế tốt nhất và lâu dài cho khách hàng và lái xe của mình. Uber khi ra mắt là mô hình kinh tế chia sẻ, với xuất phát điểm là xe sang, sau đó là xe gia đình, cá nhân và đối tác lái xe đi làm kiếm thêm thu nhập. Vì vậy về mặt dịch vụ cả lái xe và người dùng đều rất thoải mái và vui vẻ. Khách hàng gọi xe ban đầu cũng chọn lọc nên mỗi chuyến xe là một niềm vui giữa cả hai bên, không thật sự quan tâm đắt, rẻ. Sau đó dịch vụ bùng phát, mô hình từ nền tảng chia sẻ chuyển dần thành kinh doanh vận tải dựa trên công nghệ. Lái xe bỏ nghề taxi truyền thống sang lái xe công nghệ, người người đầu tư và vay vốn để kinh doanh, và khi đã là một dịch vụ kinh doanh dẫn đến bài toán chi phí và hiệu quả, mỗi chuyến xe là sự đong qua đếm lại giữa cả khách hàng và lái xe làm thế nào để có lợi nhất, mô hình kinh tế chia sẻ bị biến dạng. Tại Việt Nam cho thấy quá rõ về điều này. FastGo đang muốn thay đổi lại mô hình biến tướng này tại Việt Nam bằng việc thực sự cung cấp nền tảng kết nối vừa cho các hãng taxi vừa cho các xe cá nhân. Họ là người cung cấp dịch vụ và FastGo là vai trò người kết nối ở giữa chứ không phải là kinh doanh vận tải. Khách hàng mà chúng tôi hướng tới là những người mong muốn có chuyến đi trải nghiệm tốt hơn bằng cách hạn chế dần giao dịch tiền mặt. Chúng tôi cũng lọc dần đối tượng khách hàng không phù hợp; đối tác lái xe cũng được chọn lọc, chúng tôi đề cao cả khách hàng và đối tác lái xe, mong muốn tạo ra môi môi trường kết nối mở, bình đẳng để FastGo thực sự trở thành một nền tảng công nghệ phục vụ đúng nghĩa mô hình kinh tế chia sẻ, đem lại các trải nghiệm tốt nhất cho người dùng. - FastGo tận dụng lợi thế hậu thuẫn từ NextTech ra sao? - Chúng tôi nhận được sự hậu thuẫn từ hệ sinh thái NextTech trong đó bao gồm vấn đề thương hiệu, khách hàng, đối tác và cả thị trường. FastGo không phảilà startup non trẻ mới ra đời. Chúng tôi là một mô hình kinh doanh trong hệ sinh thái NextTech có một bàn đạp vững chắc để đi lâu dài và có kế hoạch phát triển trong tương lai - trở thành một trong số trụ cột của NextTech. Nhờ có hậu phương vững chắc nên chúng tôi không mất quá nhiều thời gian làm việc xung quanh mà chỉ tập trung vào mục tiêu chính của mình để đi nhanh hơn. - Sau Hà Nội, ông đánh giá tiềm năng thị trường TP HCM như thế nào? - FastGo đã thử nghiệm dịch vụ tại TP HCM từ đầu tháng 8 với 1.000 lái xe đã đăng ký. Ngày 10/8 tới, chúng tôi sẽ chính thức ra mắt thị trường TP HCM. Kế hoạch của chúng tôi thậm chí đẩy mạnh thị trường này hơn so với Hà Nội với số lượng 8.000-10.000 xe tham gia hệ thống. TP HCM hiện là thị trường có lượng xe hơi lớn gấp đôi Hà Nội. Nhu cầu đi lại tại thành phố này cũng cao hơn do dân số đông hơn, lượng khách sử dụng xe nhiều. Đây là thị trường dễ chấp nhận cái mới, theo kinh nghiệm triển khai các startup khác. Việc mở rộng thị trường TP HCM được thừa kế kinh nghiệm khi triển khai tại Hà Nội nên tôi nghĩ khi phát triển ứng dụng tại đây chúng tôi có bệ phóng tốt hơn. Dịp này chúng tôi cũng ra mắt dịch vụ FastBike. Điểm khác biệt là chúng tôi tập trung dịch vụ xe hai bánh chuyên nghiệp, công ty không tuyển ồ ạt các lái xe. Để được tham gia ứng dụng các lái xe phải trải qua quy trình tuyển dụng chặt chẽ, đánh giá về con người, đạo đức, thái độ và yêu cầu đặc biệt là đời xe cao cấp. Mức giá cho dịch vụ xe hai bánh cũng tương đối cạnh tranh, tập trung ở một số khu vực chính và phục vụ một mạng lưới khách hàng chính chứ không làm đại trà. Chúng tôi cũng có chính sách đặc biệt cho lái xe để đảm bảo doanh thu tối thiểu 6 triệu đồng một tháng cho tất cả lái xe, trường hợp lái xe không đủ doanh thu công ty sẽ hỗ trợ. Dự tính trong 3 tháng đầu tiên cho dịch vụ này mỗi thị trường Hà Nội và TP HCM công ty chỉ tuyển 500 lái xe. Hiện chúng tôi đang tìm hiểu thị trường Đà Nẵng và bắt đầu tuyển dụng lái xe, xây dựng các chính sách. Dự kiến cuối tháng này FastGo cũng có mặt tại đây. - Kế hoạch tới đây của FastGo là gì? - Sau khi triển khai tại TP HCM, công ty có chiến dịch truyền thông vào tệp khách hàng tiềm năng tại cả Hà Nội và TP HCM. Dự kiến từ nay đến cuối năm chúng tôi sẽ thực hiện thành công 100.000 cuốc khách trên hệ thống. Trong 2-3 năm tới, FastGo đặt mục tiêu trở thành thương hiệu được yêu thích trong tâm trí của người tiêu dùng tại Việt Nam và thực sự là lựa chọn tốt cho đối tác, khách hàng. Công ty đang làm việc với 3 nhà đầu tư nước ngoài và sớm xúc tiến để có vòng gọi vốn đầu tiên vào tháng 9 hoặc tháng10 năm nay. Thành Tâm FastGo ra mắt thị trường Hà Nội hồi giữa tháng 6 với nhiều khác biệt so với các ứng dụng trên thị trường như: bảo hiểm hành khách giá trị lên đến 200 triệu đồng, không thu phí chiết khấu đối với tài xế theo tỷ lệ % chỉ thu phí dịch vụ tối đa không quá 30.000 đồng một ngày... Ứng dụng với 3 dịch vụ cốt lõi gồm: Fast Car, Fast Taxi và Fast Luxury. FastGo trực thuộc tập đoàn NextTech (tiền thân là PeaceSoft Group) chuyên kinh doanh các dịch vụ điện tử hoá cuộc sống trong nhiều lĩnh vực như: chợ trực tuyến, mua sắm xuyên biên giới, cổng thanh toán, ví điện tử, thanh toán thẻ trên di động... Let's block ads! (Why?)Nguồn: VNExpress