Diễn đàn "Blockchain và ứng dụng tín dụng phi tập trung 2018" diễn ra cuối tháng 7 mới đây đặt ra nhiều vấn đề còn tồn đọng trong hệ thống ngân hàng tập trung, đồng thời đưa ra các giải pháp ứng dụng công nghệ Blockchain để giải quyết. Sự kiện do công ty CP công nghệ ZASCO Toàn cầu phối hợp với công ty Distributed Credit Chain (DCC) tổ chức tại Hà Nội và TP HCM. Theo các chuyên gia trong diễn đàn, tín dụng hiện là hoạt động cơ bản, đem lại nguồn thu chủ yếu cho các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, vấn đề mà các nhà băng đang phải đối mặt là rủi ro tín dụng. Điều này gây ra tổn thất về tài chính, giảm giá trị thị trường vốn ngân hàng. Trong trường hợp nghiêm trọng, rủi ro tín dụng có thể khiến hoạt động kinh doanh của ngân hàng thua lỗ, thậm chí phá sản. Theo tính toán của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NFSC), tỷ lệ nợ xấu ngành ngân hàng năm 2017 lên tới 9,5% tổng dư nợ, cao hơn nhiều so với con số do hệ thống ngân hàng tự tính toán. Vấn đề nợ xấu đang là một trong những vấn đề gây nhức nhối cho hoạt động tín dụng truyền thống, và đang cần những giải pháp mang tính đột phá nhưng phải đảm bảo bền vững để giải quyết triệt để. PGS.TS Phạm Thị Giang Thu, Chủ nhiệm bộ môn Luật Tài chính ngân hàng, Đại học Luật cho biết :"Tín dụng theo hình thức tập trung của các ngân hàng hiện nay gặp phải những hạn chế nhất định trong vấn đề hồ sơ, thời gian xử lý, và tính xác thực". Các chuyên gia, diễn giả trao đổi trong diễn đàn "Blockchain và ứng dụng tín dụng phi tập trung 2018" Trên thế giới, sự ra đời của các mô hình cho vay ngang hàng như một giải pháp tự nhiên đến từ thị trường cho bài toán tín dụng tập trung. Nền tảng cho vay ngang hàng lần đầu tiên xuất hiện ở Anh, sau đó thành công tại thị trường Mỹ và đạt đỉnh ở Trung Quốc. So với tín dụng truyền thống, tín dụng phi tập trung dựa trên nền tảng công nghệ Blockchain, hoạt động như một Ngân hàng số có những ưu điểm so với hệ thống tín dụng truyền thống như phá vỡ sự độc quyền, tư duy phân quyền, chuyển đổi cấu trúc kinh doanh... Theo thống kê năm 2015 của Prime Meridian Capital Management và China News, thị trường cho vay ngang hàng tại Mỹ đạt khoảng 18 tỷ USD, tại Trung Quốc là 150 tỷ USD về quy mô giao dịch. PwC dự báo quy mô giao dịch tại thị trường Mỹ có thể tăng lên đến 150 tỷ USD năm 2025. "Mô hình cho vay ngang hàng được dự báo sẽ làm thay đổi thói quen tài chính của người Việt trong thời gian tới. Nghiên cứu hành vi đặc thù của khách hàng địa phương, các đơn vị triển khai nền tảng này ứng dụng công nghệ thẩm định tín dụng với các thuật toán phân tích Dữ liệu lớn để đưa ra quyết định giải ngân ngay trong ngày", ông David Hà, CEO của ZASCO cho biết. Dựa trên xu hướng phát triển của thế giới cũng như những vấn đề cần giải quyết trong hệ thống tín dụng truyền thống tại Việt Nam, ông Stewie Zhu, CEO công ty DCC triển khai ứng dụng phi tập trung trong ngành tín dụng. Nền tảng này hoạt động bằng cách sử dụng mô hình quản lý dữ liệu trên Blockchain. "Vấn đề lớn nhất trong hoạt động cho vay của các ngân hàng là làm sao để kiểm soát nợ xấu. Với Blockchain, chúng ta có thể giải quyết vấn đề đó bằng khía cạnh kỹ thuật. Thay đổi nền tảng công nghệ có thể giúp kiểm soát dòng tiền, thông tin người đi vay, thẩm định hồ sơ vay chặt chẽ hơn nhưng vẫn duy trì được sự cân bằng trong chính sách", ông Stewie Zhu khẳng định. Ông Stewie Zhu, CEO của DCC phát biểu trong sự kiện tại TP HCM Để làm điều này, theo ông Zhu, cấu trúc dữ liệu hệ thống tín dụng phải thay đổi. Với mô hình cơ sở dữ liệu tập trung hiện tại, mỗi ngân hàng có một cơ sở dữ liệu riêng. Vì thế, việc lưu trữ và quản lý thông tin đòi hỏi chi phí cao, công nghệ bảo mật chặt chẽ, nhưng rủi ro rò rỉ dữ liệu vẫn xảy ra. Mặt khác, các ngân hàng cũng không thể bao quát hết hành vi tín dụng của người đi vay nếu họ vay bên ngoài hệ thống. Trong khi đó, các công ty Internet lại đang thu thập và sở hữu lượng dữ liệu khách hàng cực lớn trong đó lưu trữ hành vi tín dụng của người dùng. Nhiều người chọn vay qua các tổ chức trên mạng với quy trình và điều kiện vay dễ dàng hơn. Do vậy, cần có một cơ chế hợp tác, thu thập, khai thác, phân tích và lưu trữ dữ liệu đủ mạnh và minh bạch. Hệ thống tín dụng phi tập trung có thể giúp các ngân hàng tăng tính bảo mật, hạn chế thất thoát dữ liệu và khai thác thông tin tốt hơn. Hiện, ứng dụng của DCC đang làm việc với các ngân hàng nhỏ, các công ty cho vay trên Internet và công nghệ tài chính (Fintech) tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Indonesia với khoảng 70.000 người sử dụng. Chia sẻ với VnExpress về mở rộng ứng dụng giải pháp ở thị trường Việt Nam, CEO công ty DCC cho biết hiện tìm kiếm cơ hội M&A trong lĩnh vực tín dụng hoặc hợp tác với các ngân hàng nhỏ, các tổ chức kết nối cho vay trên Internet để triển khai ứng dụng Blockchain trong nước năm nay. Thách thức lớn nhất của đơn vị này là mở rộng mối quan hệ và tìm kiếm đối tác. Đối với DCC, Việt Nam là thị trường tiềm năng với môi trường kinh doanh cởi mở với sự hỗ trợ từ phía Chính phủ và nỗ lực tìm kiếm sự thay đổi từ các công ty Fintech cũng như các nhà băng. Vũ Hoàng Mua hàng tại Tin Học Như ÝNguồn: VNExpress