"Thành phố dự phòng" chống thảm họa ở Philippines

Discussion in 'Khám phá - Phát minh' started by bboy_nonoyes, Aug 4, 2018.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 125)

    Dù thuộc khu vực chịu nhiều thiên tai, New Clark City được kỳ vọng luôn trụ vững trong mọi trường hợp, đồng thời hướng tới mô hình thành phố xanh.

    Philippines đã khởi công dự án xây dựng một thành phố "dự phòng", nơi các văn phòng chính phủ vẫn có thể hoạt động trong trường hợp thủ đô Manila không thể chống chịu được thảm họa tự nhiên như động đất, CNN đưa tin hôm 23/7.

    Khu đô thị được đề xuất nằm cách Manila 100 km về phía bắc, có tên là New Clark City. Với diện tích dự kiến gần 9.450 ha, thành phố này sẽ lớn hơn quận Manhattan ở New York, Mỹ, và có sức chứa lên tới 1,2 triệu người.

    Tên của New Clark City ám chỉ vị trí của nó trong đặc khu kinh tế tự do Clark, trước đây là khu quân sự của lực lượng Mỹ và Philippines.

    [​IMG]
    Bản phác thảo thành phố New Clark City. (Ảnh: CNN).

    Thảm họa thiên nhiên


    Vị trí là thế mạnh lớn nhất của New Clark City trong việc đối phó thảm họa. Thành phố nằm cao hơn nhiều so với Manila nên ít bị ngập lụt hơn, theo Vivencio Dizon, chủ tịch Cơ quan Phát triển và Chuyển đổi Cơ sở (BCDA) thuộc chính phủ, đơn vị dẫn đầu dự án.

    Thành phố cũng sẽ tiếp tục triển khai những hệ thống thoát nước quy mô lớn và các "khu vực không xây dựng" để giảm thiểu nguy cơ lụt. Thêm vào đó, bao quanh thành phố là một dãy núi, giúp bảo vệ khỏi các cơn bão.

    Trong khi Manila dễ bị ảnh hưởng bởi động đất do nằm trên vết đứt gãy lớn của Trái Đất, các chuyên gia xác nhận rằng New Clark City không nằm gần bất kỳ đường đứt gãy nào.

    Tuy nhiên, Kelvin Rodolfo, giáo sư về Trái Đất và Khoa học Môi trường của Đại học Illinois, Mỹ, cảnh báo toàn bộ Philippines đều có nguy cơ động đất. "Việc cho rằng chỉ những khu vực gần đứt gãy mới có nguy cơ là quan niệm sai lầm nghiêm trọng", ông nói.

    Việc New Clark City chỉ cách núi lửa Pinatubo chưa đầy 40 km có thể là nguyên nhân gây lo ngại. Pinatubo nổi tiếng với vụ phun trào thảm khốc vào năm 1991, vụ phun trào núi lửa lớn thứ hai trong thế kỷ 20. Tuy nhiên, các chuyên gia dự báo sẽ không có vụ phun trào lớn nào trong hàng trăm năm tới.

    [​IMG]
    Vị trí của New Clark City, thủ đô Manila và núi lửa Pinatubo. (Đồ họa: CNN).

    Thành phố xanh


    Ngoài khả năng chịu được bão, lũ lụt và động đất, thiên tai mà quốc gia nằm trên Vành đai lửa Thái Bình Dương không thể tránh khỏi, New Clark City còn hướng tới mục tiêu trở thành thành phố xanh.

    Dizon cho biết một trong những điều quan trọng nhất cần làm là giảm thiểu ô nhiễm giao thông. Nhiều khu vực rộng lớn được thiết kế dành cho người đi bộ, đồng thời một lối đi bộ qua sông sẽ chạy xuyên suốt thành phố. Kế hoạch di chuyển công cộng cũng sẽ được triển khai nhằm giảm số lượng phương tiện.

    "Chúng tôi xây thành phố này cho con người, không phải cho ôtô. Đó là sự khác biệt lớn", Dizon giải thích. Ông cho biết các công trình công cộng sẽ sử dụng nguồn năng lượng xanh như năng lượng mặt trời, khí tự nhiên hóa lỏng và năng lượng từ rác thải. Các tòa nhà được thiết kế sao cho tốn ít năng lượng. Các nhà quy hoạch cũng mong muốn bảo tồn cảnh quan thiên nhiên của khu vực, giữ lại con sông và tránh chặt nhiều cây.

    [​IMG]
    Các khu vực rộng lớn tại New Clark City thiết kế dành cho người đi bộ. (Ảnh: CNN).

    Chất liệu chính tạo nên cơ sở hạ tầng của New Clark City là bùn đá, loại vật liệu xây dựng nguồn gốc địa phương, giúp các công trình vững chắc hơn. Dòng bùn đá sinh ra sau các vụ phun trào núi lửa, khi đất đá bở trên sườn núi kết hợp với nước mưa. Vật liệu này gồm đá, các mảnh vụn và tro, xuất hiện tại nhiều khu vực xung quanh núi lửa Pinatubo.

    Dizon cho biết bùn đá sẽ được trộn với bê tông để xây dựng tất cả tòa nhà trong thành phố. Kiến trúc sư Hà Lan Matthijs Bouw, người được đề nghị xem xét phiên bản quy hoạch đầu tiên của thành phố, nói rằng việc sản xuất bê tông có thể tốn rất nhiều năng lượng và nước, đồng thời tạo ra nhiều khí thải gây ô nhiễm.

    Tuy nhiên, ông lưu ý rằng việc dùng bùn đá thay cho một phần bê tông không đồng nghĩa với giảm tác động lên môi trường. Kế hoạch thành phố xanh của New Clark City sẽ cần thời gian để đánh giá mức độ ô nhiễm "khác biệt đáng kể và thấp hơn nhiều" so với các thành phố châu Á khác.

    Chính phủ và các nhà tài trợ sẽ tốn gần 2 tỷ USD trong giai đoạn xây dựng đầu tiên, Dizon cho biết, nói thêm rằng sẽ có ít nhất 5 giai đoạn. Việc thi công đã bắt đầu với một khu phức hợp thể thao, các tòa nhà chính phủ và nhà ở cho các nhân viên nhà nước, dự kiến khánh thành vào Đại hội thể thao Đông Nam Á được tổ chức tại Philippines vào tháng 12/2019.

    Giai đoạn đầu tiên dự kiến hoàn thành vào năm 2022, nhưng sẽ mất ít nhất 30 năm để xây xong toàn bộ thành phố. Dù đây là một dự án khổng lồ, Dizon tin rằng tham vọng của New Clark City không quá lớn.

    Let's block ads! (Why?)
    Nguồn KhoaHoc.TV
     
  2. Facebook comment - "Thành phố dự phòng" chống thảm họa ở Philippines

Share This Page