Là phiên bản "hồi sinh" của chiếc Nokia 8110 ra đời năm 1996, Nokia 8110 (2018) nhận được sự chú ý của nhiều người dùng, nhất là những ai yêu thích thương hiệu Nokia. So với bản cũ, "quả chuối" của năm 2018 có thiết kế thanh mảnh, hiện đại hơn, cũng như được trang bị nhiều tính năng hơn. Tuy nhiên, cũng vì nhận được sự chú ý, thiết bị này đã bị làm nhái và bán ra với giá rẻ hơn rất nhiều. Tại Việt Nam, Nokia 8110 (2018) chính hãng giá 1,68 triệu đồng, nhưng hàng nhái giá chỉ 350.000 đồng với ngoại hình kém hoàn thiện hơn và ít tính năng hơn, như không có chức năng phát Wi-Fi. Nokia 8110 hàng nhái (bên phải) có ngoại hình không khác nhiều so với hàng thật (bên trái). Những loại hàng này xuất hiện tại các cửa hàng nhỏ ở TP HCM, nhiều nhất trên đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 3), Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh), Hùng Vương (quận 5) hay các bến xe, sạp bán đồ điện tử vỉa hè. Bên cạnh đó, chúng còn được rao trên mạng xã hội hay các website rao vặt. Một chủ cửa hàng trên đường Lạc Long Quân (quận Tân Phú) cho biết mỗi ngày anh bán được 7 đến 10 chiếc, có khi 15 đến 20 chiếc. Nếu trước đây các mẫu bằng nửa giá có thiết kế lớn hơn và dày hơn, thì bản Nokia 8110 giá rẻ có kích thước tương đương nhưng nhẹ hơn và kết cấu máy cũng lỏng lẻo hơn rất nhiều, đặc biệt là phần nắp đậy. Thậm chí, phần kính che camera còn gỡ ra dễ dàng bằng móng tay hoặc bị bong nếu chẳng may làm rơi. Và nếu như bản thật chỉ có 2 màu (đen và vàng) bán tại Việt Nam thì hàng nhái có tới 4 màu (đen, vàng, xanh đậm và cam). Về phần mềm, Nokia 8110 chính hãng chạy phần mềm KaiOS với giao diện đẹp hơn, font chữ không thô như hàng nhái. Bên cạnh đó, máy cũng mang lại trải nghiệm mượt mà hơn. Hàng giả cũng không có tính năng làm bộ phát sóng và chia sẻ kết nối Internet tới các thiết bị khác. Phân biệt Nokia 8110 (2018) hàng giả và hàng thật Nokia 8110 hàng nhái (bên trái) cũng có trò rắn săn mồi nhưng đồ họa đơn giản. Theo một người kinh doanh điện thoại xách tay, điện thoại Nokia 8110 nhái này có xuất xứ từ Trung Quốc, sản xuất với quy trình không đảm bảo, nhà sản xuất cắt giảm các quá trình kiểm tra chất lượng, sử dụng linh kiện kém an toàn... để tiết kiệm chi phí, sau đó được vận chuyển về Việt Nam theo đường tiểu ngạch. Trong khi đó, anh Trần Hưng, một người am hiểu về điện thoại di động tại TP HCM, cho rằng không nên dùng những điện thoại loại này vì chất lượng không đảm bảo. "Nhẹ thì hay hỏng vặt, sóng chập chờn, nặng hơn là tự động tắt nguồn. Đó là chưa kể dễ bị nhiễm độc từ linh kiện kém chất lượng hay nguy cơ cháy nổ từ pin", anh Hưng nhận xét. Bảo Lâm Let's block ads! (Why?)Theo Trang Công Nghệ