Căn nhà kiêm quán cà phê nhỏ ở quận 12 (TP HCM) bày biện khá nhiều đầu băng cối. Chủ quán 47 tuổi có biệt danh Tuấn Akai cũng là người rất mê băng cối và mở quán cách đây ít năm với mục đích gặp gỡ những người cùng sở thích. Đây trở thành điểm giao lưu của những người yêu thích thiết bị âm thanh đặc biệt này. Khắp các góc quán là các loại loại đầu và băng cối cũng như dàn loa cổ. Đặc biệt, hầu hết sản phẩm đều của Akai - thương hiệu âm thanh Nhật Bản đã bị "khai tử" năm 2000 do thua lỗ. Bộ sưu tập của anh Tuấn đã lên tới 20 đầu băng cối hiệu Akai của Nhật. Anh Tuấn kể rằng anh có duyên với đầu băng cối từ thuở nhỏ. Khi mới vào Nam, gia đình anh mua một căn nhà. Gia chủ xuất ngoại nên để lại toàn bộ tài sản, trong đó có một đầu băng cối nhưng ít khi sử dụng. Từ chiếc máy tưởng như đã hỏng, anh lọ mọ sửa cho nó "hát" được. "Nhưng khi đó, tôi thường bật các bài hát không được phép lưu hành nên cái máy bị đem cho", anh Tuấn kể. Dù không nhớ rõ chiếc máy ban đầu được sử dụng, anh Tuấn vẫn giữ một tình yêu cho đầu băng cối. Đến năm 2008, khi đã có điều kiện hơn, anh bắt đầu tìm hiểu thú chơi này. Trong một lần qua nhà người bạn, anh đã "mê mệt" với chiếc Akai GX-270D (ra đời năm 1976). Hoài niệm lúc bé cộng thêm âm thanh mà anh mô tả là "nhựa nhựa" đặc trưng cùng hai "bánh xe" quay trên dàn máy khiến anh bị mê hoặc. Sau một hồi thuyết phục, người bạn đã bị "xiêu lòng" và nhượng lại chiếc đầu này. Khi có được đầu băng cối đầu tiên, anh Tuấn bắt đầu tìm hiểu về nó. "Tôi nhận ra chơi băng cối là hướng về âm thanh analog mộc mạc, khi giọng hát của ca sĩ bao trùm lên nhạc đệm. Một 'chất' cổ và tôi thực sự chìm đắm trong đó", anh Tuấn nhớ lại. Khó khăn lớn nhất mà anh gặp phải khi mới chơi là nguồn băng cối. Do đã bị ngừng sản xuất từ lâu, mặt hàng này khá hiếm trên thị trường. "Thời gian này, tôi rơi vào trạng thái chán khi phải nghe đi nghe lại một vài cuộn băng. Tôi đã nhờ một người bạn làm xe ôm gần 30 năm tại TP HCM đi hỏi băng cối cả mấy tháng trời nhưng số lượng tìm thấy rất ít, chất lượng cũng không cao", anh nhớ lại. Anh Bùi Tất Đại (quận 12), người trong nhóm chơi đầu băng cối với anh Tuấn, có thâm niên hơn 10 năm thừa nhận, việc sưu tầm băng là một trong những công đoạn có thể khiến nhiều người chơi nản lòng. "Việc kiếm được một cuốn băng chất lượng là cả một vấn đề bởi đây là mặt hàng không còn sản xuất. Đó là chưa kể các nội dung cho băng cối khá hạn hẹp, chủ yếu là nhạc bolero thu trước 1975 và nhạc cổ điển nước ngoài. Có thể xem đây là bước thử thách lòng kiên trì của bất kỳ người chơi mới nào", anh Đại nhấn mạnh. Sau một thời gian, anh Tuấn may mắn gặp được một người từng chơi băng cối. Người này đã giới thiệu cho anh một số địa điểm mua bán và trao đổi loại băng này. Sau đó, anh cùng một số anh em cùng sở thích thành lập hội để trao đổi thiết bị, băng, cũng như chia sẻ kinh nghiệm. Bộ sưu tập của anh vì thế cũng tăng về cả số lượng và chất lượng, trong đó có những băng hiếm, giá hàng trăm USD - cao nhất lên tới gần 500 USD. Akai GX-747 là một trong số các đầu băng cối mà anh Tuấn yêu thích. Năm 2010, anh Tuấn tìm đến thương hiệu khác như Teac, Telefunken, Revox... để "đổi gió". Tuy nhiên, cuối cùng anh vẫn quay về với Akai vì loại đầu này "toát lên dáng vẻ quý tộc hơn cả" và "mang lại một chất âm rất khó tả mà không loại đầu nào có thể làm được". Lúc này, anh mới bắt đầu tập trung sưu tầm các mẫu Akai cổ và hiếm. Cái tên "Tuấn Akai" cũng được bạn bè đặt cho từ đó. Ban đầu, anh chủ yếu mua lại từ bạn bè và người chơi khác. Vừa mua, anh tranh thủ tích lũy thêm kinh nghiệm về loại thiết bị âm thanh này. Bên cạnh giao lưu thiết bị với bạn bè, anh cũng bắt đầu lên mạng tìm hiểu và săn lùng ở các nguồn nước ngoài, chủ yếu là châu Âu, Mỹ và Nhật Bản. "Trước đây, do chưa có kinh nghiệm mua, không ít lần tôi bị thất lạc máy, máy không đúng như ngoại hình, đặt cả vài tháng mới có. Sau này các cơ chế cũng thắt chặt hơn nên điều đó rất hiếm khi xảy ra", anh kể. Bộ dàn máy với đầu Akai GX-400D (màu trắng, bên trái) và Akai 747 (màu xám, bên phải) Hiện tại, bộ sưu tập của anh có khá nhiều đầu băng cối Akai hiếm có, trong đó có cả mẫu Akai Pro -1000 trong suốt, thế giới chỉ có vài chiếc. "Đây là chiếc máy được sản xuất giới hạn để trưng bày. Thay vì thiết kế vỏ nhôm, nó được làm bằng kính và nhựa trong suốt. Đây chính là điểm tạo nên độ độc, độ hiếm của nó", anh Tuấn cho biết. Bên cạnh đó, anh còn sở hữu nhiều mẫu khác như Akai GX-400D Pro (kích thước lớn, ra mắt 1973), Akai GX-747DBX (ra mắt 1982, là đầu băng cối cuối cùng của Akai)... Nói về cách bảo quản, anh Tuấn cho rằng đầu băng cối Akai khá bền nên chỉ cần để nơi khô ráo và độ ẩm thấp là được. Trong khi đó, băng cối cần bảo quản kỹ hơn, cho vào hộp và đặt trong tủ hút ẩm chuyên dụng là tốt nhất, không nên để ở những nơi quá nóng hoặc quá lạnh. Cùng với sưu tầm đầu băng cối không hộp, dân chơi này còn lùng mua những thiết bị còn nguyên hộp và phụ kiện (bộ điều khiển có dây, micro, sách hướng dẫn...), thậm chí chưa bị "đập thùng". Theo anh, với những sản phẩm đã hơn 30 năm đến 50 năm không sản xuất, giá trị sưu tầm của chúng cao hơn hẳn chỉ với một chiếc thùng carton. Bên cạnh đó, anh cũng sưu tầm những đầu băng cối từ thương hiệu khác. Nhưng đối với anh, Akai vẫn là thiết bị yêu thích nhất. Magnetophon là một thiết bị phát nhạc analog, xuất hiện từ những năm 1930. Máy nghe nhạc này sử dụng băng magnetic (hay còn gọi là băng cối) nên được gọi đơn giản là đầu băng cối. Đầu băng cối có nhiều loại, nhưng có thể phân ra hai dòng chính: không có chế độ Audio Reverse (chỉ phát và thu một chiều, gồm 3 đầu từ: một xóa, một thu, một phát) và có chế độ Auto Reverse (có thể phát và thu hai chiều, gồm 6 đầu từ: hai xóa, hai thu, hai phát). Tại Việt Nam, thiết bị có mặt từ năm 1950. Do thời đó thiết bị của hãng Akai phổ biến hơn, nhiều người gọi là đầu Akai thay vì "magnetophon" hay đầu băng cối. Akai là thương hiệu âm thanh và nhạc cụ Nhật Bản, ra đời năm 1946 và phá sản năm 2000. Bảo Lâm Mua hàng tại Tin Học Như ÝTheo Trang Công Nghệ