Tại phòng khám, bác sĩ Huỳnh Văn Hà lập tức tiếp nhận bé. Phát hiện cháu đã ngưng tim ngưng thở hoàn toàn, bác sĩ Hà nhanh chóng tiến hành nhồi tim. "Gọi ngay xe cấp cứu", bác sĩ Hà lệnh cho điều dưỡng phòng khám trong lúc tay anh liên tục nhồi tim bệnh nhi. Khi tim của bé đập nhịp trở lại, xe cấp cứu cũng kịp thời có mặt, kíp cấp cứu lập tức đặt nội khí quản rồi chuyển bé đến bệnh viện. Vào viện, bác sĩ xác định bé bị viêm phổi cấp, sốt cao co giật đưa đến ngưng tim ngưng thở nên được thở máy và điều trị tích cực. Vài tuần sau, bé trai hoàn toàn khỏe mạnh và được xuất viện. Cậu bé là con của một cặp vợ chồng người Hàn Quốc. Sau lần thoát khỏi tử thần trong gang tấc ấy, gia đình thường xuyên đưa bé đến phòng khám gia đình của bác sĩ Hà, chuyện trò cũng như nhờ tư vấn các vấn đề sức khỏe của cả nhà. Bác sĩ Hà đang làm việc cho phòng khám bác sĩ gia đình đặt tại một chung cư ở khu Thảo Điền quận 2. Đây là mô hình bác sĩ theo dõi, chăm sóc sức khỏe gia đình rất mới mẻ được Bệnh viện Hoàn Mỹ đặt tại một số khu chung cư hiện đại ở quận 2 và quận 7, TP HCM. Các bác sĩ đã tư vấn, theo dõi sức khỏe cho nhiều gia đình, xử trí sơ cứu thành công cho không ít bệnh nhân. Cũng ở phòng khám gia đình của bác sĩ Hà, hơn một tuần trước, thai phụ 39 tuổi đang mua sắm ở siêu thị trong khu chung cư thì bất ngờ quỵ ngã. Nhận được thông báo, bác sĩ Hà cùng kíp điều dưỡng của phòng khám nhanh chóng có mặt tại hiện trường. Bệnh nhân bị đau buốt từ đùi xuống chân, co thắt như chuột rút, thở nhanh. "Thai phụ không xuất huyết âm đạo nên sau khi sơ cứu tôi nhờ bảo vệ hỗ trợ đẩy băng ca đưa về phòng khám, thở oxy và điều trị ổn định. Một tuần sau thai phụ vào viện sinh con theo đúng ngày dự sinh, em bé chào đời khỏe mạnh", bác sĩ Hà chia sẻ. Theo bác sĩ Hà, xử trí sơ cấp cứu ngay tại nơi ở giúp tận dụng thời gian vàng cho bệnh nhân. Chẳng hạn bệnh nhân đột quỵ, suy hô hấp được hỗ trợ đường thở kịp thời đã hạn chế tổn thương não, giảm nguy cơ sống thực vật. Bên cạnh sơ cấp cứu tại chỗ, bác sĩ gia đình còn lập hồ sơ sức khỏe của từng thành viên gia đình khách hàng để có kế hoạch theo dõi liên tục, phòng bệnh, tầm soát, khám chữa bệnh phù hợp. Bác sĩ Hà kiểm tra sức khỏe cho các cụ thành viên một gia đình tại chung cư quận 2. Ảnh: T.P. "Từ khi có phòng khám bác sĩ gia đình đặt trong khu chung cư, hàng ngày vợ chồng tôi đi làm để mẹ ở nhà cũng yên tâm hơn", anh Phúc, một người dân sống tại quận 2 chia sẻ. Anh nói rằng, các bác sĩ gia đình có thời gian tiếp xúc gần gũi, lâu dài với mọi người trong nhà anh nên được tin tưởng, dễ dàng sẻ chia. Có khi người nhà anh Phúc đi viện khám được bác sĩ khuyên mổ sỏi mật nhưng cứ lo sợ băn khoăn không dám phẫu thuật. Về nhà tham vấn bác sĩ gia đình, được phân tích kỹ hơn về bệnh trạng, người bệnh đã nhanh chóng quyết định mổ. Mô hình bác sĩ gia đình đã ra đời và được áp dụng từ lâu ở nhiều nước phát triển. Tại Việt Nam, đề án xây dựng và phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình giai đoạn 2016-2020 của Bộ Y tế đang được khuyến khích nhân rộng nhằm giảm tải cho các cơ sở y tế tuyến trung ương, tăng cường hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn dân. Y học gia đình là một chuyên khoa y học lâm sàng nhưng có định hướng dự phòng bệnh thông qua khám tầm soát, theo dõi suốt đời các vấn đề sức khỏe của các thành viên trong gia đình. Tại nhiều nước, 70% nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân là do bác sĩ gia đình đảm nhận. Can thiệp sớm trong chẩn đoán, điều trị là giải pháp an toàn, kinh tế nhất để tránh các biến chứng do bệnh tật. Lê Phương Let's block ads! (Why?) Nguồn: VNExpress