Lần đầu tiên thả muỗi để phòng bệnh sốt xuất huyết

Discussion in 'Sống khỏe' started by bboy_nonoyes, Apr 4, 2013.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 392)

    Từ ngày 3/4, khoảng 200.000 con loăng quăng (ấu trùng của muỗi) được thả trên đảo Trí Nguyên, Khánh Hòa, nhằm thay thế quần thể muỗi tự nhiên bằng nhóm mới có khả năng giảm sự lây nhiễm virus Dengue gây bệnh sốt xuất huyết.

    [​IMG]
    Muỗi vằn Aedes aegypti là véctơ chủ yếu truyềnvirus Dengue gây bệnh sốt xuất huyết. Ảnh minh họa: Werid.

    Số loăng quăng này sẽ được thả trong vòng 12 tuần tại hơn 800 hộ dân. Sau này chúng nở thành muỗi mang vi khuẩn Wolbachia. Đây là hoạt động thuộc dự án “Đánh giá khả năng thay thế của quần thể muỗi Aedes Aegypti mang tác nhân sinh học Wolbachia”. Muỗi vằn Aedes aegypti là trung gian truyền virus Dengue gây bệnh sốt xuất huyết ở người.

    Tiến sĩ Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, Wolbachia là vi khuẩn nội bào tồn tại tự nhiên ở hơn 70% loài côn trùng trên trái đất (bướm, bọ rầy, kiến, nhện...). Nhiều kết quả nghiên cứu khoa học đã chứng minh muỗi mang vi khuẩn Wolbachia có thể ức chế khả năng phát triển của virus Dengue gây bệnh sốt xuất huyết trong cơ thể muỗi, từ đó giảm nguy cơ lây lan dịch sốt xuất huyết trong cộng đồng. Nếu quần thể muỗi mới thay thế hoàn toàn quần thể muỗi trong tự nhiên thì sẽ giảm đáng kể nguy cơ lan truyền bệnh sốt xuất huyết.

    Đó là lý do Việt Nam tham gia Dự án Hướng tới loại trừ bệnh sốt xuất huyết, một dự án quy mô toàn cầu nghiên cứu về khả năng ứng dụng của muỗi Aedes aegypti mang vi khuẩn Wolbachia trong phòng chống sốt xuất huyết từ năm 2006 đến nay. Trong quá trình này, các cán bộ dự án thường xuyên tự nguyện cho muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia đốt, ăn máu. Việc làm này là an toàn vì các bằng chứng cho thấy Wolbachia không truyền sang người, tiến sĩ Hiển cho biết.

    Bên cạnh đó, để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho sức khỏe người dân, từ cuối tháng 3, nhóm dự án đã tổ chức khám sức khỏe tổng quát lần 1 cho toàn bộ người dân trên đảo. Khi dự án kết thúc (năm 2015), người dân sẽ được khám sức khỏe nhắc lại lần 2. Đặc biệt, dự án sẽ tiến hành tìm kháng thể kháng Wolbachia trên huyết thanh của người dân đảo trước và sau khi đặt ấu trùng để đưa ra thêm các bằng chứng khoa học khẳng định lại Wolbachia không truyền sang người.

    "Nếu xảy ra các vấn đề không mong muốn trong quá trình đặt loăng quăng trên thực địa, dự án sẽ ngừng ngay, đồng thời phối hợp với chính quyền và y tế địa phương thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng quy định của Bộ Y tế", tiến sĩ Hiển nhấn mạnh.

    Trước Việt Nam, Australia đã thực hiện việc thả muỗi mang Wolbachia tại một số các khu vực dân cư từ tháng 1/2011. Kết quả nghiên cứu cho thấy việc thả loại muỗi này không những không ảnh hưởng đến sức khỏe người dân mà còn có khả năng thay thế quần thể muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết trong tự nhiên.

    Hà An

    Nguồn VNExpress
     
  2. Facebook comment - Lần đầu tiên thả muỗi để phòng bệnh sốt xuất huyết

Share This Page