Trung Quốc sử dụng máy xây cầu, máy đào hầm, máy xếp đường ray để xây dựng mạng lưới giao thông rộng khắp nối với nhiều nước trên thế giới. Trung Quốc đang xây dựng mạng lưới đường giao thông trên biển và đất liền để kết nối nền kinh tế phồn thịnh trong nước với châu Âu và châu Phi. Để tiết kiệm thời gian, các kỹ sư Trung Quốc đã thiết kế nhiều cỗ máy xây dựng đặc biệt để hoàn thành công việc nhanh hơn, theo BBC. Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) do Chủ tịch Tập Cận Bình đề xuất năm 2013, hướng tới kết nối 2/3 dân số thế giới ở 70 nước thông qua mạng lưới đường bộ (vành đai) và tuyến đường trên biển (con đường). Tuy vấp phải một số chỉ trích, nhiều bằng chứng cho thấy mạng lưới Vành đai và Con đường đang dần thành hình ở trong và ngoài Trung Quốc với đội quân máy móc xây dựng cầu đường ở tốc độ đáng nể. Máy xây cầu Để nhanh chóng xây dựng những tuyến đường sắt tốc độ cao, trong đó có nhiều đoạn chạy qua thung lũng hoặc hẻm núi nhằm tránh khúc cua, đội ngũ kỹ sư Trung Quốc sử dụng máy xây cầu SLJ900/32 hay còn có biệt danh là Quái vật sắt. SLJ là cỗ máy đa chắc năng, có thể vận chuyển, nâng nhấc và lắp đặt các đoạn đường, nối cột trụ với nhau bằng khối đá nặng. Mỗi khi lắp đặt xong một đoạn đường, cỗ máy dài 92 mét chạy trên 64 bánh sẽ quay lại để lấy tảng đá khác. Sau đó, cỗ máy lăn bánh tới tới nơi vừa lắp đặt để nối thêm đoạn nữa. Mỗi bánh xe đều có thể xoay tròn, cho phép cỗ máy chạy ngang. Ngay cả khi chở hết tải trọng, SLJ vẫn có thể di chuyển ở tốc độ 5 km/h, đảm bảo thực hiện toàn bộ quá trình thi công nhanh hơn nhiều so với các phương pháp truyền thống cần sử dụng cần trục khổng lồ để xây từ mặt đất. Với trọng lượng 580 tấn, cỗ máy cũng nặng hơn nhiều bất kỳ đoàn tàu đường sắt nào chạy qua tuyến đường ray mà nó đang lắp đặt, có nghĩa cây cầu vững chắc hơn nhiều yêu cầu xây dựng đối với giao thông đường sắt. SLJ đã góp mặt trong vài dự án đường sắt tốc độ cao, bao gồm tuyến đường mới nối Nội Mông với các tỉnh thành còn lại, giúp Trung Quốc tiến gần tới mục tiêu hoàn thành 30.000 km đường sắt tốc độ cao vào năm 2020. Máy đào hầm Ở phía nam, dự án đường cao tốc Su'ai ở Sán Đầu, cách không xa Hong Kong, gồm nhiệm vụ đào 5 km đường cao tốc 6 làn dưới lòng đất chạy qua khu vực động đất. Khi đường hầm mở cửa năm 2019, các nhà chức trách hy vọng công trình sẽ giúp hiện đại hóa giao thông ở Sán Đầu để thành phố kịp thời trở thành một trong 15 cảng chủ chốt dọc Con đường Tơ lụa trên biển. Trước đây, máy móc cần dùng cho dự án đường cao tốc Su'ai được chế tạo ở nước ngoài, nhưng gần đây, Trung Quốc bắt đầu tự sản xuất máy đào hầm (TBM) theo cấp phép. Kết quả là cỗ máy TBM mang tên Slurry đường kính 15,3 mét, do Tập đoàn thiết bị kỹ thuật đường sắt Trung Quốc xây dựng với sự trợ giúp từ các kỹ sư Đức, trình làng vào tháng 10/2017. Giống như những cỗ máy tương tự của Đức, Slurry có mặt đĩa khổng lồ xoay tròn ở phía trước, có thể khoan qua nhiều loại đất đá. Nặng 4.000 tấn, Slurry có phần thân dài 100 m, cho phép công nhân lắp đặt tường hầm trong khi đầu cắt nhích dần về phía trước nhờ búa thủy lực. Mẩu vụn đất đá từ đầu cắt được thu thập và vận chuyển ra ngoài đường hầm sau đó. Đây không phải cỗ máy TMB có đường kính lớn nhất thế giới. Danh hiệu này thuộc về Bertha, cỗ máy TMB rộng 17,4 m sử dụng để xây cầu cạn Alaskan Way tại Seattle. Tuy nhiên, những cỗ máy như Slurry hé lộ ý định của Trung Quốc trong việc quốc gia hàng đầu ở lĩnh vực xây dựng đường hầm. Máy xếp đường ray Đường sắt Mombasa-Nairobi thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế khi hoàn thành vào tháng 5/2017, sớm hơn ít nhất 18 tháng so với dự kiến. Tuyến đường dài 480 km là đường sắt xây mới đầu tiên ở Kenya từ khi độc lập. Đây là tuyến đường sắt đầu tiên ở ngoài lãnh thổ Trung Quốc làm theo tiêu chuẩn xây dựng và sử dụng máy móc của nước này. Để hiểu tại sao tuyến đường có thể được xây ở tốc độ 700 m/ngày, bạn chỉ cần nhìn cỗ máy xếp đường ray. Cỗ máy vận chuyển những đoạn đường ray đúc sẵn dọc theo tuyến đường, hạ xuống từng đoạn, sau đó lại chạy đè lên đoạn đường vừa lắp đặt để thả đoạn mới. Khi các đoạn đường này vào vị trị, ray ngắn nối liền với mỗi đoạn được thay thế bằng ray dài hơn, giúp đoàn tàu chạy êm hơn. Cỗ máy chỉ mất 4 phút để lắp đặt mỗi đoạn đường. Đây không phải là ý tưởng mới. Phương pháp này đã được áp dụng ở nhiều nơi trên thế giới trong hàng thập kỷ, nhưng Trung Quốc xây dựng những cỗ máy nhanh và rẻ, cho phép vận chuyển đoạn đường sắt ray hơn. Nhưng dù ưu việt về mặt kỹ thuật, các cỗ máy vẫn cần lượng nhân lực khổng lồ. Dưới sự giám sát của kỹ sư, công nhân địa phương cặm cụi tạo ra đoạn đường đúc sẵn trong các nhà máy tạm thời dọc lộ trình đường sắt. Họ phải làm việc vô cùng cẩn trọng để đảm bảo đoạn đường vào đúng vị trí với sai số chưa đến 2 cm. Phương Hoa Mua hàng tại Tin Học Như ÝNguồn VNExpress