Thai phụ được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (TP HCM) ngày 17/6 trong tình trạng sốt cao, phải hỗ trợ hô hấp. Kết quả xét nghiệm sinh học phân tử xác định bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1, thai nhi ở tuần thứ 32. Tình trạng nguy kịch của thai phụ có thể ảnh hưởng em bé nên bệnh viện đã mời bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ sang phối hợp mổ bắt con. Bé gái chào đời nặng 1,6 kg được đưa về Từ Dũ chăm sóc. Sản phụ được điều trị tích cực nhưng diễn tiến nặng, viêm cơ tim, tổn thương phổi nặng, viêm phổi do cúm A/H1N1 bội nhiễm, nhiễm khuẩn huyết... Các bác sĩ trang phục bảo hộ thực hiện phẫu thuật cho sản phụ nhiễm cúm. Ảnh: B.S Sau hơn 3 tuần nằm viện, tình trạng bệnh nặng, ngày 16/7 gia đình bệnh nhân xin về lo hậu sự. Bé gái hiện sức khỏe ổn định, đã xuất viện. Cúm A/H1N1 được xem là cúm mùa thông thường. Đối với người khỏe mạnh, độc lực của virus H1N1 không cao. Với bệnh nhân mạn tính, người suy giảm miễn dịch, thai phụ... khi nhiễm virus dễ gây tổn thương phổi, tổn thương đa tạng, khả năng biến chứng nặng nề dẫn đến tử vong. Virus cúm A/H1N1 có thể dễ dàng lây từ người sang người qua không khí có chứa các hạt nước nhỏ li ti khi người bệnh ho, hắt hơi, cười hoặc nói chuyện. Bệnh cũng có thể lây do tiếp xúc, chạm tay vào bề mặt vật dụng bị nhiễm virus, chạm vào khăn giấy đã dùng có nhiễm virus sau đó đưa tay lên mũi, miệng hoặc dụi mắt. Dùng chung đồ dùng, bàn chải đánh răng với người bệnh cũng có thể lây nhiễm virus cúm. Bác sĩ khuyến cáo người dân, đặc biệt là nhóm thuộc nguy cơ cao như trẻ em, người già, phụ nữ có thai, người béo phì, người có bệnh mạn tính, cần chủ động phòng nhiễm bệnh cúm. Nên tiêm văcxin chủng ngừa bệnh, vệ sinh cá nhân, hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh viêm hô hấp. Nếu có triệu chứng sốt và ho, hắt hơi, sổ mũi... cần đi khám bệnh tại các cơ sở y tế để được điều trị, không tự ý dùng thuốc. Lê Phương Let's block ads! (Why?) Nguồn: VNExpress