Ở Trung Quốc, Tứ Xuyên là tỉnh có nguồn thủy điện dồi dào nhất, với hơn 20 trạm thủy điện ở lưu vực sông Lan Thương (dòng chính tại thượng nguồn sông Mekong). Vào mùa nước cao, một "số" điện hay một kWh ở đây có thể thấp tới 0,08 nhân dân tệ (khoảng 276 đồng), trong khi giá từ các nhà máy nhiệt điện là 0,28 nhân dân tệ (khoảng gần 1.000 đồng). Đây là lý do tại sao có một "đội quân đào tiền ảo" đã đổ xô đến vùng đất này. Giá nước và điện thấp đã thu hút các nhà đầu tư, giúp biến nơi đây thành thủ phủ của giới đào tiền ảo Trung Quốc, thậm chí cả thế giới. Có khoảng 25.000 thợ đào tiền ảo đang ẩn nấp, sinh sống ở khắp các vùng núi non hiểm trở trong tỉnh. Tháng 6 vừa qua, lượng mưa tại Tứ Xuyên tăng đột biến. Là một thợ đào tiền ảo chuyên nghiệp thuộc đội quân kể trên, Lý Dương, rất chú ý đến những thay đổi về thời tiết như thế này. Mưa lớn khiến cho việc lái xe đi mua thức ăn hằng ngày tại đây cũng khó khăn. Khi mưa quá to, trạm thủy điện sẽ cắt nguồn cung cấp điện cho các xưởng khai thác. Mất điện nghĩa là máy móc không thể hoạt động. Với các thợ đào tiền ảo, việc này giống một cơn ác mộng. Nhưng đó chưa phải điều tồi tệ nhất. 10 giờ sáng ngày 26/6, một trận lũ đột ngột xuất hiện và mực nước sông dâng lên ngập hai bờ. Nhiều nhà xưởng (hay còn gọi là "mỏ") đào tiền ảo có vị trí thấp đã bị nước tràn vào tàn phá khiến hàng chục nghìn thiết bị bị ảnh hưởng. "Mỏ" của Lý Dương cũng nằm trong số đó. "Chúng tôi chỉ có hai người, nhưng quản lý hơn 2.000 máy đào tiền ảo. Chúng không thể tránh khỏi cảnh bị ngập nước", anh nói. Hàng nghìn máy đào tiền ảo thành phế liệu sau trận mưa lũ tại Tứ Xuyên. Ảnh: Weibo. Sau 3 ngày, hơn 2.000 máy đào tiền ảo của anh cũng được thu gom lại. Nhưng những thiết bị điện tử có giá trị tới 5.000 USD mỗi chiếc trông không khác gì đống sắt vụn. Chỉ một trận mưa lớn đã khiến Lý Dương mất 10 triệu nhân dân tệ (khoảng 34,5 tỷ đồng). Hàng chục đơn vị cung cấp linh kiện gần đó đã "đánh hơi" được sự việc, phát hiện cơ hội và vội vã đến vùng núi non hiểm trở này để thu mua những máy đào tiền ảo phế liệu. "50 USD một chiếc", họ đã ra giá cực thấp để mua lại những chiếc máy này với hi vọng có thể dùng linh kiện còn tốt trong đó để sửa chữa hay lắp ráp cho thiết bị khác. Theo Sina, những cơn mưa cuối tháng 6 ở Tứ Xuyên đã khiến 20.000 máy đào tiền ảo bị hư hại, tổng thiệt hại ước chừng một tỷ USD. Một số người trong ngành còn cho rằng các trận mưa là nguyên nhân khiến giá Bitcoin trên thị trường thế giới thăng trầm thời gian qua, theo cái họ gọi là "hiệu ứng cánh bướm". Suy đoán này được cho là khá hợp lý, bởi Tứ Xuyên chiếm 70% lượng Bitcoin được đào ở Trung Quốc, tương đương khoảng 30% thế giới. Trên thực tế, không giống suy nghĩ của nhiều người, các mỏ đào tiền ảo không phải là một "căn cứ" bí ẩn. Trong khu vực gần các nhà máy thủy điện, người ta dễ dàng tìm thấy chúng dưới hình thức những dãy nhà xưởng với mái bằng tôn xanh. Từ cách xa hàng chục mét, ai cũng có thể nghe thấy tiếng máy móc hoạt động. Âm thanh chủ yếu phát ra từ hệ thống điều hòa không khí hoạt động suốt ngày đêm. Bước qua những cánh cửa sắt, đập vào mắt người xem là căn phòng lớn cao tới vài mét, bên trong chứa đầy các máy đào tiền ảo. Ẩn giữa là vô số dãy đèn nhỏ nhấp nháy, giống như những đôi mắt lập lòe trong đêm. Trong một "mỏ đào" Bitcoin ở Trung Quốc. Ảnh: Quatz. "Lần đầu tiên nhìn thấy nó, tôi nghĩ rằng mình đang đứng trong hậu trường quay bộ phim Ma trận, hay các bộ phim khoa học viễn tưởng", Lý Kha, một chủ mỏ chia sẻ. Một xưởng khai thác rộng 5.000 mét vuông có thể chứa 40.000 máy đào tiền ảo. Ở giữa vùng đồi núi hiểm trở này, các mỏ đào tiền ảo như những con quái thú liên tục gào thét ngày đêm để tạo ra sự giàu có. Sự giàu có này, ngược lại, hình thành nên một lực lượng gắn kết để thu hút ngày càng nhiều người tham gia vào cuộc chơi hơn. Một "mỏ bitcoin" xây ngay sát bờ sông ở tỉnh Tứ Xuyên, tháng 9/2016. Ảnh: Liu Xingzhe. Lý Dương là một trong số họ. Anh quê gốc ở Thành Đô và thậm chí từng làm việc cho Apple. Tuy nhiên do cảm thấy nhàm chán, không muốn ngày ngày đi làm rồi cuối tháng nhận lương, vào năm 2017, anh tham gia vào đội quân đào tiền ảo rồi mở một nhà xưởng bên cạnh một trạm thủy điện ở Tứ Xuyên. "Việc kinh doanh của tôi rất đơn giản. Nhiều người muốn đào tiền ảo, nhưng chi phí hoạt động để nuôi một hệ thống đơn lẻ khá tốn kém. Do đó, khách hàng trả tiền để thuê máy của tôi. Họ có thể kiểm tra trạng thái của máy khai thác bất kỳ lúc nào, thông qua phần mềm hoặc ứng dụng", anh chia sẻ. Theo tính toán của Lý Dương, chi phí tiền điện phải trả khoảng 0,5 nhân dân tệ một kWh (tương đương 1.750 đồng). Một nghìn máy đào tiền ảo có thể tạo ra 1,4 bitcoin mỗi ngày, trừ đi chi phí tiền điện khoảng một bitcoin, anh có thể kiếm được 0,4 bitcoin. Trừ thêm các chi phí khác, một mỏ đào tiền ảo với 1.000 máy có thể mang lại cho anh khoảng một triệu nhân dân tệ (khoảng 3,4 tỷ đồng) một năm. Tối đa với 5 mỏ, Lý Dương có trong tay thu nhập hàng năm là 5 triệu nhân dân tệ (khoảng 17,3 tỷ đồng). Ở vùng rừng núi này của tỉnh Tứ Xuyên, có khoảng 5 triệu máy khai thác tiền ảo đang hoạt động. Số lượng các mỏ vừa và lớn (có từ 2.000 máy trở lên) khoảng 600. Số lượng các mỏ nhỏ thì không thể kiểm đếm hết. Nhưng điều này không đồng nghĩa với việc đây là một công việc dễ tới mức "hái ra tiền". "Bạn có biết tôi sợ gì nhất không? Đó là cúp điện và cô đơn", Lý Dương nói. Theo anh, cúp điện có nghĩa là mất tiền, nhưng thứ khủng khiếp và gây khó chịu hơn cả mất tiền lại là sự cô đơn. Bước chân ra khỏi cửa, anh cho biết trước mặt chỉ có núi rừng. Với địa hình hiểm trở và quy định di chuyển nghiêm ngặt, những người sống ở đây cũng không thể nhìn thấy cả khu rừng bên cạnh trông ra làm sao. Về âm thanh, ngoài tiếng chim hót thì chỉ còn tiếng "gầm" của những dàn máy tính. Thói quen sinh hoạt và giải trí hằng ngày của Lý Dương xoay quanh WeChat và game trên điện thoại. Công nhân của một xưởng đào bitcoin chơi game và xem truyền hình trên smartphone bên cạnh con sông gần nhà xưởng, tháng 9/2016. Ảnh: Liu Xingzhe. Sau đợt mưa lũ vừa qua, cuộc sống của những thợ đào tiền ảo ở đây đang bị đe dọa. Họ bị đẩy vào một tình thế "tiến thoái lưỡng nan" chưa từng gặp trước đó. Lần đầu tiên trong nhiều năm, chính quyền Tứ Xuyên đã đưa ra cảnh báo cấp II để ứng phó với lũ lụt. Các xưởng đào tiền ảo sẽ phải đối mặt với tình trạng mất điện thường xuyên. Một lượng lớn nhà đầu tư đã di chuyển thiết bị và nhà xưởng từ Tứ Xuyên đến Tân Cương. Đây cũng được xem là cuộc "di cư điện toán" lớn nhất trong lịch sử. Tứ Xuyên đang mất đi vị thế chiến lược cốt lõi của nó trong vai trò là "thủ phủ Bitcoin" của Trung Quốc. Việc kinh doanh máy đào tiền ảo cũng vì thế mà chịu ảnh hưởng nặng nề không kém. Trước đó, tiền điện tăng, giá máy đào tăng, số người tham gia đào Bitcoin càng khiến thị trường này bước vào ngưỡng cửa bão hòa. Đồng hành với nó là một xu hướng đào tiền ảo mới đã xuất hiện, dựa trên việc "khai thác điện toán đám mây". Giải thích một cách đơn giản là người chơi đào tiền ảo dựa trên việc thuê hoặc tạo một máy chủ ảo từ các trung tâm dữ liệu. Xu hướng này cũng phần nào ảnh hưởng tới giá Bitcoin cũng như giá dịch vụ thuê máy đào. Với giá Bitcoin dao động ở khoảng hơn 6.000 USD một đồng như hiện nay, lợi nhuận được các chủ mỏ ví là "mỏng như tờ giấy". Không gian sống của họ đang bị tước đoạt. "Những nhà đầu tư nhỏ không thể cắt giảm chi phí thêm nữa, giá máy đào thì bị độc quyền, họ không có tiếng nói", Ngô Ca, người làm việc tại một mỏ đào tiền ảo lớn, cho biết. Lý Dương cũng nói rằng anh đã sẵn sàng trả lại tiền đặt cọc cho khách. Một lượng lớn các chủ mỏ khác đang tìm cách tháo chạy khỏi thị trường. Dẫu vậy, với bản chất của blockchain là phi tập trung, nhiều người vẫn có niềm tin. Họ tin chắc rằng ngành khai thác tiền ảo cuối cùng sẽ thuộc về những người như mình, với các mỏ đào tiền ảo tập trung. Đây có thể là thứ duy nhất giúp họ tiếp tục lao vào cuộc chơi này, trong hoàn cảnh hiện tại. Tuy nhiên, không ai biết "thời hoàng kim" bao giờ mới quay trở lại. Thời gian chờ đợi điều đó xảy ra có thể khá lâu, 5-10 năm, hoặc lâu hơn nữa. Bảo Nam (theo Sina) Let's block ads! (Why?)Theo Trang Công Nghệ