Buổi dã ngoại tại hang Tham Luang đáng lẽ là kỷ niệm vui bỗng chốc trở thành thảm họa. Do nước lũ tràn vào hang, 12 cầu thủ nhí đội bóng Lợn Hoang cùng huấn luyện viên bị mắc kẹt trong bóng tối. Chín ngày trôi qua, hai thợ lặn John Volanthen và Richard Stanton tìm thấy đội bóng với tình trạng thể chất, tinh thần khá tốt. Câu hỏi đặt ra là con người đối phó với các tình huống nguy hiểm như thế nào và tại sao lại cần tập trung vào sức mạnh tâm lý? Theo The Conversation, khi nhận thức bản thân đối mặt với nguy hiểm, cơ thể chúng ta xuất hiện cơ chế "chiến đấu hoặc chạy trốn" đi kèm một số phản ứng sinh lý như tăng nhịp tim. Do sự thay đổi này ảnh hưởng tới não bộ và làm suy yếu chức năng tâm thần, trong giai đoạn đầu của tình huống khẩn cấp, con người rất dễ đưa ra những quyết định sai lầm và tự đẩy mình đến gần cái chết. Trên thực tế, trước hoàn cảnh nghìn cân treo sợi tóc, tinh thần quan trọng không kém thể chất. Duy trì sự lạc quan là điểm mấu chốt bởi người lạc quan thường tư duy theo hướng có thể kiểm soát các sự kiện không may, nhờ đó thực hiện những hành vi tích cực, nâng cao khả năng sống sót. Ngược lại, người bi quan chìm vào lo hãi, bất lực. Họ mất đi sự chủ động, nhanh chóng từ bỏ hy vọng để rồi "chết" về mặt tinh thần. Huấn luyện viên Ekaphol Chantawong (trái) cùng các học trò trong hang Tham Luang. Ảnh: Hải quân Thái Lan. "Đối mặt với tình huống nguy hiểm, bạn có ba cách phản ứng", ông Mike Tipton, nhà tâm lý học đứng đầu bộ môn Khoa học Thể thao và Hoạt động Đại học Portsmouth (Anh) cho biết. "Một là đông cứng, hai là hoạt động và làm sai mọi thứ, ba là hoạt động và làm điều gì đó đúng đắn. Tất nhiên, cách cuối cùng mới giúp bạn sống sót". Lúc nước lũ tràn vào hang, các thành viên Lợn Hoang cùng huấn luyện viên đã giữ được cái đầu bình tĩnh. Họ kiểm soát tốt cơn hoảng loạn, đồng thời đưa ra giải pháp hợp lý là tìm nơi an toàn chờ cứu hộ. Họ biết lấy nước từ thạch nhũ nhằm giữ nước cho cơ thể và duy trì sự tỉnh táo. Chuỗi giờ tưởng chừng kéo dài vô tận trở thành chuỗi hành động nhỏ, dễ thực hiện với mục tiêu rõ ràng. Một trong những cách duy trì sức mạnh tâm lý là huy động mọi nguồn hỗ trợ. Cùng chơi bóng đá, 12 cầu thủ nhí đã quá quen với việc chia sẻ và nâng đỡ nhau. Bên cạnh đó, huấn luyện viên Ekaphol Chantawong 25 tuổi đem tới sự động viên to lớn. Anh trấn an học trò bằng cách dạy thiền định. Để đoàn kết và nâng cao tinh thần, tính hài hước cũng vô cùng quan trọng bởi nó được coi như "hành vi mang tính đặc trưng của sự sống". Đoạn phim ghi lại trước cuộc giải cứu cho thấy các chú bé cười tươi với thợ lặn, một dấu hiệu cực kỳ hứa hẹn. Sau khi ra khỏi hang, đội bóng Lợn Hoang cùng huấn luyện viên sẽ cần thời gian tái hòa nhập với cuộc sống thường ngày. Tuy có nguy cơ cao gặp phải các vấn đề tâm lý lâu dài song dựa vào sức trẻ, các chuyên gia tâm lý kỳ vọng 13 cá nhân này sẽ sớm vượt qua. Minh Nguyên Let's block ads! (Why?) Nguồn: VNExpress