Quỹ Danhua Capital, được thành lập và rót vốn từ Trung Quốc, hiện đầu tư vào hàng loạt công ty khởi nghiệp tiềm năng tại thung lũng Silicon trong các lĩnh vực mới đầy hứa hẹn như phương tiện không người lái, trí tuệ nhân tạo (AI), an ninh mạng... Quỹ này đặt trụ sở cạnh Đại học Standford – nơi quy tụ giới khởi nghiệp công nghệ Mỹ. Theo thống kê, khoảng hơn 20 đơn vị đầu tư mạo hiểm tại Silicon đang có mối liên hệ mật thiết với nguồn vốn từ chính phủ Trung Quốc hoặc các doanh nghiệp nước này. Trong bối cảnh Mỹ thắt chặt nhiều biện pháp nhằm kìm hãm ''làn sóng'' mua bán và sáp nhập từ các công ty Trung Quốc, hoạt động đầu tư vào startup với nguồn vốn từ quốc gia đông dân nhất thế giới vẫn đang diễn ra và trở thành mối lo ngại với Mỹ. Các quỹ đầu tư và doanh nghiệp Trung Quốc đang đẩy mạnh rót vốn vào các mảng kinh doanh công nghệ nhạy cảm của Mỹ như Trí tuệ nhân tạo, xe tự lái, bảo mật, dữ liệu... Trong một sự kiện được tổ chức tại The Churchill Club, Mike Vernal, nhà đầu tư mạo hiểm quỹ Sequoia Capital, Mỹ phát biểu: "Chính phủ và các nhà lãnh đạo công nghệ Trung Quốc đang chuyển mình trước sự đổi mới. Trong 3 đến 5 năm tới, chúng ta nhận ra Trung Quốc có thể vượt xa Mỹ và thung lũng Silicon". Các chuyên gia dự đoán Trung Quốc sẽ sớm vượt Mỹ trong các lĩnh vực như AI và xe tự lái. Chính phủ Trung Quốc sẵn sàng xóa bỏ rào cản đối với những công nghệ như xe tự lái, chia sẻ dữ liệu hoặc tự động hóa máy móc. Trong khi đó, những startup tại Mỹ lại vấp phải nhiều rào cản, quy định. Các startup Trung Quốc cũng được tạo điều kiện tiếp cận cơ sở dữ liệu lớn phục vụ việc phát triển các thuật toán AI. Theo CBInsights, startup trong lĩnh vực AI của Trung Quốc đang ngày càng thu hút vốn, đưa nước này dẫn đầu khoản đầu tư mạo hiểm về AI ở mức 48% trên toàn cầu, trong khi Mỹ chiếm 38%. Khu vực đầu tư nhạy cảm Danhua Capital đang đầu tư vào nhiều lĩnh vực công nghệ được cho là nhạy cảm tại thung lũng Silicon. Các startup nhận vốn từ quỹ này có Cohesity - startup về quản lý dữ liệu và bảo mật, từng hợp tác với Bộ Năng lượng và Không quân Mỹ. Ngoài ra, công ty khởi nghiệp thiết bị không người lái Flirtey được Danhua rót vốn cũng từng tham gia một số dự án của Bộ Giao thông vận tải Mỹ, cung cấp các giải pháp công nghệ đảm bảo an toàn trên không. Việc xác minh nguồn gốc các dòng tiền đầu tư được đánh giá khá thông thoáng tại thung lũng Silicon khi các công ty đầu tư mạo hiểm không bắt buộc phải công bố thông tin về danh tính nhà đầu tư. Điều này đặt ra câu hỏi về cách thức kiểm soát nguồn vốn của chính phủ. Shoucheng Zhang, Nhà đồng sáng lập của Danhua, cho biết: ''Phần lớn đối tác của Danhua đều có thông tin được niêm yết trên sàn chứng khoán của New York và Hong Kong''. Ông cũng khẳng định, công ty hoàn toàn tuân thủ các quy định và luật pháp tại nước sở tại. Để hạn chế nguồn vốn đầu tư từ Trung Quốc, Mỹ mới đây công bố hoàn tất đạo luật về đầu tư nước ngoài. Về phía các đối tác, Flirtey cho biết khoản đầu tư từ phía Danhua chỉ chiếm phần nhỏ, không cho phép quỹ này tham gia vận hành các hoạt động của Flirtey. ''Chúng tôi không chủ ý nhận đầu tư từ chính phủ Trung Quốc mà thông qua đăng ký trung gian từ Delaware, một công ty đầu tư mạo hiểm tại thung lũng Silicon'', đại diện startup cho biết. Larry Li, Nhà sáng lập của Amino, một trong 10 đơn vị được một quỹ đầu tư khác từ Trung Quốc là Westlake Venture rót vốn vào năm 2012 cho biết: ''Nhận đầu tư từ các quỹ lớn tại Mỹ là nhiệm vụ bất khả thi trong giai đoạn đầu phát triển của startup. Vì vậy, chúng tôi buộc phải tìm và kêu gọi vốn từ các nguồn khác''. Luật hạn chế đầu tư Những lo ngại của giới chính trị gia Mỹ về tham vọng đầu tư lấn sân của Trung Quốc được thể hiện rõ trong báo cáo của Bộ Quốc Phòng Mỹ công bố vào năm ngoái. Theo đó, các nhà đầu tư mạo hiểm Trung Quốc đang dần thâu tóm các mảng kinh doanh tiềm năng của Mỹ. Mới đây, Quốc hội Mỹ công bố hoàn tất đạo luật về đầu tư nước ngoài, nhằm nới rộng quyền hạn của chính phủ trong việc hạn chế dòng tiền nước ngoài vào Mỹ, bao gồm cả đầu tư mạo hiểm. Cụ thể, đạo luật được quản lý bởi một hội đồng liên cơ quan là Ủy ban Đầu tư Nước ngoài ở Mỹ (CFIUS). Tổ chức này sẽ đóng vai trò kiểm định, đánh giá, giám sát các hoạt động đầu tư, đặc biệt liên quan đến lĩnh vực công nghệ ''nhạy cảm'' của Mỹ như bảo mật dữ liệu, trí tuệ nhân tạo… ''Cánh cửa đón đầu tư Trung Quốc vào startup tại Mỹ có thể sẽ đóng lại", Chris Nicholson, Nhà đồng sáng lập của công ty trí tuệ nhân tạo Skymind cho biết. Startup này từng được rót vốn từ tập đoàn Internet Trung Quốc và một công ty đến từ Hong Kong. Cuối tháng 5/2018, Nhà Trắng tuyên bố thúc đẩy chủ trương hạn chế các công ty Trung Quốc đầu tư vào Mỹ, cũng như hạn chế xuất khẩu công nghệ Mỹ sang Trung Quốc. Phạm Vân (Theo Reuters, CNBC) Mua hàng tại Tin Học Như ÝNguồn: VNExpress