Các tỉnh miền Bắc đang trải qua những ngày nắng nóng gay gắt nhất trong năm, lên đến 39-40 độ C. Các bệnh viện đều có kế hoạch ứng phó với nắng nóng. Do công suất trạm biến áp không đủ cấp điện, lãnh đạo Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) quyết định cắt điện phòng nhân viên y tế từ tầng 6 đến tầng 13 vào khung giờ 10h-11h30 và 15h-16h30. Để người nhà và bệnh nhi không phải chờ lâu trong nắng nóng, Bệnh viện Nhi Trung ương bắt đầu đón tiếp bệnh nhi từ 5h và khám bệnh từ 7h mỗi ngày. Bệnh viện cũng tăng cường bàn khám, chia nhiều khu vực khám để giảm áp lực tại một số điểm; bổ sung ghế ngồi, quạt mát, nước uống miễn phí; trang bị thêm điều hòa tại khoa Khám bệnh 2... Bệnh viện cũng tổ chức in và trả kết quả xét nghiệm ngay tại phòng khám, tránh để người nhà cùng bệnh nhi phải đi lại nhiều. Bệnh nhi chờ đến lượt khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: T.H. Bệnh viện K Trung ương cũng tăng cường quạt mát, điều hòa cho khu vực khám bệnh và các khoa, phòng điều trị. Tất cả điều hòa tại các phòng bệnh cũng được bật 24/24h, trước chỉ mở luân phiên theo giờ. Ông Nguyễn Bá Tĩnh, Trưởng phòng Công tác xã hội của Bệnh viện K cho biết, tại các khoa phòng chịu ảnh hưởng trực tiếp của nắng, bệnh viện sẽ căng thêm bạt che để hạn chế nắng nóng. Những khu vực này cũng được bổ sung thêm cây xanh. Ngày 3/7, Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) yêu cầu các bệnh viện bố trí đủ ghế ngồi, bổ sung quạt bảo đảm thoáng, mát cho người bệnh; lắp điều hòa nhiệt độ (nếu có điều kiện). Bệnh viện cũng cung cấp nước uống miễn phí cho người bệnh, bố trí đầy đủ bàn khám, cải tiến quy trình khám bệnh... giảm thời gian chờ đợi của người bệnh. Bệnh viện hạn chế tối đa tình trạng nằm ghép, kiểm soát nhiễm khuẩn phòng lây nhiễm chéo các bệnh dịch truyền nhiễm trong bệnh viện. Thời tiết nắng nóng mùa hè là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, tay chân miệng, viêm não, tiêu chảy cấp... Các bác sĩ cảnh báo trong những ngày nắng nóng số lượng bệnh nhân đi khám giảm nhưng số ca nặng thường gia tăng. Đặc biệt, hiện là mùa cao điểm của dịch bệnh viêm não Nhật Bản. Đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm; thường gây viêm não, viêm màng não ở trẻ em, tỷ lệ tử vong và di chứng cao (25-35%). Bệnh diễn tiến rất nhanh, có thể sau 3 ngày, thậm chí một ngày, bệnh nhân đã co giật, hôn mê, phải thở máy, chỉ 1-2 ngày là tử vong. Vì thế, khi trẻ sốt cao cùng với các triệu chứng tổn thương hệ thần kinh trung ương, cần đưa đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Phương Trang Let's block ads! (Why?) Nguồn: VNExpress