Amazon mới đây ra mắt chương trình phát triển công ty giao hàng, khuyến khích những ai có hứng thú tự xây dựng mô hình vận chuyển. Cụ thể, các thành viên sẽ được tạo điều kiện để kinh doanh theo mô hình giao hàng của Amazon, lợi nhuận đạt được có thể lên tới 300.000 USD mỗi năm. Chương trình này được thiết kế nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển ngày càng cao, đồng thời thể hiện tham vọng mở rộng thị trường của nền tảng thương mại điện tử này. Amazon cho biết năm 2017, khoảng 5 tỷ chuyến hàng được giao thành công, tính riêng đối với các thành viên Amazon Prime. Thu nhập kinh doanh tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Để tiếp tục đẩy mạnh quy mô, hãng có kế hoạch tìm kiếm thêm hàng trăm nhà khởi nghiệp mới ở Mỹ trong mảng giao hàng, đồng thời cung cấp giải pháp về nguồn nhân lực cho các startup này với số lượng hàng chục nghìn nhân viên vận chuyển. Các công ty có thể bắt đầu với chi phí ban đầu khoảng 10.000 USD. Đại diện hãng cho hay, những người muốn khởi nghiệp ngay khi không có kinh nghiệm về logistics vẫn có thể ''bắt đầu, gây dựng và điều hành'' một mô hình giao hàng tại địa phương với sự hỗ trợ từ Amazon. Các startup sẽ được cung cấp 20-40 phương tiện giao hàng, nhận hàng tại 75 điểm đầu mối, các khóa đào tạo, quyền tiếp cận công nghệ vận chuyển, chính sách khuyến mại, bảo hiểm, đồng phục, xăng xe và nhiều đặc quyền khác. Amazon khuyến khích nhân rộng mô hình giao hàng. Chương trình mới được đánh giá là giải pháp nhằm giảm sự phụ thuộc của Amazon vào các bên trung gian giao hàng như FedEx, UPS và DHL. Báo cáo được công bố năm 2016 cho biết: ''Đối thủ cạnh tranh hiện tại và tương lai của Amazon chính là các công ty có khả năng tự cung cấp các dịch vụ logistics từ A-Z". Tuy nhiên, cùng thời điểm, đại diện hãng lại cho hay nền tảng thương mại điện tử này hiện không có kế hoạch thay thế các dịch vụ giao hàng. Năm 2015, Amazon từng khởi chạy Flex - dự án giao hàng trong khu vực thành thị, cho phép nhân viên giao hàng sử dụng phương tiện cá nhân. Dự án thu hút hơn 7.000 xe tải và 40 máy bay tham gia. Đầu năm 2017, Amazon đầu tư vào sân bay Kentucky để làm bến trung chuyển hàng, thử nghiệm vận chuyển bằng các phương tiện công nghệ cao như xe không người lái, xe ôtô tự hành... Phạm Vân (Theo Entrepreneur) Mua hàng tại Tin Học Như ÝNguồn: VNExpress