Trung Quốc có tới 1,4 tỷ dân và là thị trường hấp dẫn mà không hãng nào muốn bị hất cẳng. Do đó, dù bị kiểm soát gắt gao, Facebook không ngừng tìm cách lấy lòng chính phủ nước này, hoặc hợp tác với các công ty nội địa. Chẳng hạn, hồi tháng 3, Facebook tuyên bố hợp tác với Xiaomi để cho ra đời kính thực tế ảo Mi VR Standalone. Sản phẩm này là một cách để Facebook có thêm những khách hàng công nghệ tại Trung Quốc. Tương tự, Google cũng xây dựng trung tâm nghiên cứu về AI đầu tiên ở châu Á tại Bắc Kinh năm 2017, tích cực tài trợ cho các hội thảo về trí tuệ nhân tạo tại quốc gia này. "Công nghệ mới như AR, VR, AI... dễ được chính phủ Trung Quốc chấp nhận hơn", chuyên gia Nicole Peng của hãng nghiên cứu Canalys, nhận định trên Forbes. Zuckerberg trò chuyện với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: CNBC. Suốt 9 năm qua, Mark Zuckerberg, CEO Facebook, chưa bao giờ giấu giếm tham vọng đưa mạng xã hội lớn nhất thế giới trở lại Trung Quốc từ sau khi bị chặn vào năm 2009. Thậm chí, ông nhiều lần tới Trung Quốc, gặp gỡ các quan chức cao cấp, gần đây nhất là gặp Chủ tịch Tập Cận Bình vào tháng 10/2017. Dù bận rộn, Zuckerberg vẫn dành thời gian học tiếng Quan Thoại từ 2010, tức một năm sau khi Facebook bị cấm. Năm 2015, ông gây ấn tượng khi phát biểu bằng tiếng Trung trong một sự kiện tại Bắc Kinh, nhấn mạnh mong muốn mở rộng hoạt động của Facebook bên ngoài nước Mỹ... Trong đó, ông sử dụng một thành ngữ có ý nghĩa tương tự câu "có công mài sắt, có ngày nên kim" để bày tỏ rằng nếu nỗ lực không ngừng nghỉ, một cá nhân có thể thay đổi thế giới. Năm 2016, ông chủ Facebook lại gây sốt trên mạng khi chạy bộ trên đường phố Bắc Kinh như muốn khoa trương tình yêu và sự quan tâm của ông với quốc gia đông dân nhất thế giới. Tuy nhiên, ông cũng bị chỉ trích gay gắt vì chạy trong sương mù ô nhiễm mà không đeo khẩu trang, cho thấy ông vẫn chưa thực sự hiểu rõ về đất nước này. Ông chủ Facebook khỏe ảnh chạy ở Bắc Kinh. Đầu tháng 6/2018, báo New York Times đưa tin mạng xã hội lớn nhất thế giới cho phép ít nhất bốn công ty Trung Quốc là Huawei, Lenovo, Oppo và TCL truy cập vào dữ liệu của người dùng. Trong đó, các thỏa thuận giữa Facebook với Huawei diễn ra ít nhất từ 2010. Facebook thừa nhận thỏa thuận trên là một phần trong nỗ lực thu hút người dùng truy cập mạng xã hội này từ 2007, trước khi có ứng dụng độc lập trên smartphone. Hợp tác cho phép các nhà sản xuất thiết bị tương tác với một số tính năng của Facebook, chẳng hạn sổ địa chỉ, nút "like" và cập nhật trạng thái. Tuy nhiên, những nỗ lực "tuyệt vọng" của Facebook đến nay vẫn chưa đem lại kết quả rõ ràng. Bắc Kinh không hề có ý định gỡ bỏ lệnh cấm với các công ty công nghệ nước ngoài. Hầu hết các dịch vụ của Facebook, Google hay Twitter vẫn tiếp tục bị chặn. Thậm chí, đất nước có chế độ an ninh mạng khắt khe bậc nhất thế giới đã ban hành quy định cấm cả VPN - công cụ để vượt qua rào cản Internet - từ tháng 2/2018. Minh Minh Mua hàng tại Tin Học Như ÝTheo Trang Công Nghệ