Minds.com là mạng xã hội được thành lập từ 2011 với mục tiêu thay thế các mạng xã hội khác vốn bị kiểm soát hoặc giảm lượng tiếp cận của người dùng với thông tin. Bill Ottman, nhà sáng lập Minds, nói rằng ông và cộng sự muốn tạo ra mạng xã hội này "sau khi thất vọng vì người dùng bị lạm dụng bởi Facebook và các dịch vụ công nghệ khác". Mạng xã hội Minds.com được chú ý thời gian gần đây. Nhiều người chỉ thực sự biết đến Minds.com từ 2015, sau khi nó được Forbes , Business Insider, VentureBeat hay một số công ty truyền thông khác đưa tin, nhắc đến như một công cụ để chống lại các thuật toán làm giảm lượng tiếp cận trên Facebook, Google hay các dịch vụ khác. Mạng xã hội này cũng rộ lên thời gian gần đây sau bê bối liên quan đến quyền riêng tư của người dùng. Anonymous - nhóm hacker nổi tiếng thế giới - đã kêu gọi xây dựng Minds.com từ khi mạng xã hội này trong giai đoạn beta. Wired cho rằng lời kêu gọi của Anonymous xuất phát từ sự khác biệt của mạng xã hội này như mã nguồn mở, mã hóa dữ liệu. Một số kênh truyền thông quốc tế gọi Minds là thách thức mới hay đối thủ cạnh tranh của Facebook. Minds hoạt động thế nào Giống nhiều mạng xã hội khác, người dùng tham gia Minds bằng cách tạo tài khoản, mật khẩu và khai báo email. Trang cá nhân của người dùng được gọi là kênh (channel), có ảnh đại diện, ảnh bìa (banner) và tại đây người dùng có thể chia sẻ bài viết dưới dạng văn bản, ảnh hay liên kết. Người dùng trên Minds sẽ không kết bạn với nhau như Facebook mà là subscribe (theo dõi) để nhận thông tin trên newsfeed. Giao diện của Minds.com. "Xét trên khía cạnh công cụ cho người dùng, Minds không khác nhiều so với các mạng xã hội hiện nay", ông Trần Quang Chiến, CEO SecurityDaily, nhận xét. "Sự khác biệt được Minds tạo ra là nó kết hợp giữa mạng xã hội và tiền mã hóa (cryptocurrency)". Cụ thể, Minds phát triển đồng tiền kỹ thuật số có tên gọi Minds Token, sử dụng chuẩn ERC20 - công nghệ của đồng tiền mã hóa lớn thứ hai thế giới Ethereum. Người dùng có thể kiếm được Minds Token thông qua việc đăng bài, nhận được up vote (tương tự "like" trên Facebook)... và cả việc giới thiệu người khác tham gia mạng lưới (referral link). Với "tiền" này, người dùng có thể dùng nó để quảng bá (boost) cho bài viết của mình, tương tự việc trả tiền để quảng cáo bài trên Facebook. "Tính năng trên của Minds hơn Facebook vì nó sẽ thúc đẩy tạo ra các nội dung chất lượng hơn, giúp người nổi tiếng kiếm được token từ người hâm mộ, rồi trao đổi Minds Token lấy tiền cho những người có nhu cầu quảng cáo", ông Chiến đánh giá. "Tuy nhiên, nó cũng là điểm không tốt bằng khi mà thông tin sẽ do người dùng chủ động tạo ra và boost (đẩy) đến người khác. Trong khi Facebook lan tỏa thông tin chủ yếu được đánh giá do sự quan tâm từ người dùng". Dữ liệu được bảo mật ra sao? Theo TechCrunch, Minds được xây dựng dựa trên sự minh bạch gần như hoàn toàn chứ không giống Facebook. Mạng xã hội mới này sử dụng mã nguồn mở hoàn toàn, dịch vụ trò chuyện được mã hóa và có tùy chọn ẩn danh cho người dùng. Điểm quan trọng, Minds được giới thiệu là có dữ liệu phi tập trung (decentralized) và bất kỳ người dùng nào cũng có thể xóa dữ liệu của họ. Đội ngũ của Minds.com được công bố trên Whitepaper. Theo chuyên gia bảo mật Trần Quang Chiến, việc mở mã nguồn Minds là điểm tốt hơn so với hầu hết các mạng xã hội khác. Nó giúp những lập trình viên khác cùng tham gia phát triển, tăng tính minh bạch và giảm bớt yếu tố chủ quan từ Minds. "Người dùng cũng phải cung cấp một số thông tin như email, số điện thoại, tên, mật khẩu... Thói quen, thông tin, sở thích của người dùng cũng sẽ được Minds lưu lại phục vụ cho việc đẩy nội dung", ông Chiến nói. Minds công bố sử dụng blockchain nên chuyên gia này cho rằng các thông tin trên Minds sẽ không bị thay đổi bởi các bên trung gian. Tuy nhiên, việc bảo mật dữ liệu và tài sản trên Minds thì phụ thuộc rất nhiều vào khả năng của đội ngũ xây dựng và vận hành cũng như các chính sách đặc biệt bên trong Minds. "Không có căn cứ để so sánh độ bảo mật của Minds so với Facebook, Twitter hay các mạng xã hội khác", đại diện SecurityDaily cho biết. Nguyễn Hồng Phúc, một chuyên gia bảo mật độc lập, thì đặt ra lo ngại về Minds.com. Theo ông, Minds được giới thiệu là mạng xã hội blockchain nhưng công nghệ này chỉ dùng cho các giao dịch tocken (tiền mã hóa) mà không có tính năng mạng xã hội. Dữ liệu trên đây vẫn sử dụng webserver như các mạng xã hội khác và chỉ có Minds Tocken là phi tập trung. Đại diện công ty bảo mật Bkav cũng cho rằng yếu tố blockchain (công nghệ trên các đồng tiền mã hóa) là yếu tố lớn tạo nên sức hút của Minds. Người này cho rằng người dùng cần cẩn trọng khi "chuyển nhà" sang Minds vì yếu tố an ninh cần được kiểm chứng sau một thời gian. Theo Techcrunch, tính đến 4/2018 thì Minds có hơn một triệu thành viên đăng ký và hơn 105.000 người sử dụng hàng tháng. Phương Thúy - Đình Nam Mua hàng tại Tin Học Như ÝTheo Trang Công Nghệ