Nhìn cô gái cao 1,7 m thướt tha trong bộ váy dài của người dân tộc xuất hiện tại buổi giao lưu Lắng nghe người chuyển giới cuối tuần qua, ít ai biết được trên giấy khai sinh vẫn ghi chàng trai Lò Văn Thủy sinh năm 1994, người dân tộc Kháng ở Sơn La. Làm đầu bếp, tiền công hàng tháng Thủy gửi về phụ giúp gia đình còn khó khăn. Vì thế, Thủy chưa có điều kiện điều trị hormone hay phẫu thuật chuyển đổi giới tính mà chỉ nuôi tóc dài, ăn mặc, trang điểm như một người con gái. Điều an ủi lúc này là bố mẹ đã vui vẻ chấp nhận giới tính thật của mình sau 2 năm Thủy bỏ nhà lên Hà Nội. Thủy chưa điều trị hormone, chưa phẫu thuật nhưng có khá nhiều nét nữ tính. Ảnh: H.T. Từ 8 tuổi, Thủy đã cảm thấy mình khác biệt, thích bạn cùng giới, chơi thân với các bạn nữ. Bố mẹ từng hỏi sao chưa có người yêu, Thủy không dám nói thật mà nhờ một bạn nữ giả làm bạn gái. Đến năm 2012, Thủy công khai giới tính thật của mình, nuôi tóc dài, ăn mặc như con gái. Từ đó sóng gió bắt đầu nổi lên. Là người dân tộc thiểu số nên việc Thủy là người chuyển giới khá xa lạ với bản làng. “Lúc đầu bố mẹ nghĩ em bệnh hoạn, người dân trong bản cho rằng em bị điên, bắt em đi chữa bệnh. Bố mẹ đuổi em ra khỏi nhà. Trong công việc, xã hội em bị kỳ thị rất nhiều. Khi đó, em rất hoang mang, chán nản nên lên Hà Nội bán bún đậu mắm tôm”, Thủy kể lại. Chịu bao khổ cực, có nhà không thể về, rồi một ngày bố gọi điện bảo Thủy về. “Đi đâu thì đi nhưng Tết thì về ăn Tết với cả nhà. Yêu ai, lấy ai, sống như thế nào do con tự chọn lựa, sướng hay khổ do con tự chịu trách nhiệm, bố mẹ chấp nhận cả”, những lời nói của bố khiến Thủy rớt nước mắt. Khi đó, Thủy quyết định về quê tiếp tục bán bún đậu mắm tôm, sau đó xin vào làm đầu bếp cho một nhà hàng kiêm nhân viên tiếp rượu. “Có nhiều lúc em bị khách nói này kia, bảo ‘Nhìn con gái mà sao giọng con trai. Hóa ra pê đê à’. Nghĩ cũng buồn nhưng em vẫn hy vọng một ngày nào đó xã hội sẽ hiểu và chấp nhận những người như chúng em”, Thủy chia sẻ. Thủy mong muốn có đủ tiền để mở cửa hàng của riêng mình, phẫu thuật để trở thành một cô gái thực sự. Nói về sở thích nấu ăn của mình, Thủy không giấu tự hào: “Em chưa từng học lớp dạy nấu ăn nào, nhưng em nấu ăn rất giỏi, chuyên nấu các món dân tộc. Món tủ của em là gỏi tôm, khách rất ưa chuộng, tôm phải là tôm nhảy chỉ có ở Sơn La. Sau này có tiền, em sẽ mở cửa hàng bán bún đậu mắm tôm bởi em có bí quyết làm món bún đậu mắm tôm ngon nhất...”. Giờ đây, Thủy đã vui vẻ, tự tin hơn vì có công việc ổn định, được gia đình ủng hộ. Lúc nào về nhà thăm, bố cũng hỏi Thủy “Con rể đâu?”. My mong muốn một ngày nào đó gia đình sẽ chấp nhận để em sống thật với giới tính của mình. Ảnh: N.P. Khoác lên mình chiếc váy quây đỏ hở vai, My sinh viên năm thứ 2 Đại học Thương Mại (Hà Nội) luôn nở nụ cười rực rỡ. Tên thật trên giấy khai sinh của My là Trần Văn Cường 20 tuổi, quê ở Hưng Yên. Kể lại về quãng thời gian khó khăn của mình trước đó, My cho biết từ khi học cấp 1, dù là con trai nhưng My lại rất nữ tính nên bị các bạn trêu đùa. Đến khi lớn hơn một chút, My hiểu mình muốn gì, muốn sống thật với giới tính của mình nên công khai cho bố mẹ biết. “Lúc đầu bố giận, mắng, không chấp nhận là đứa con trong gia đình, bắt em đi bệnh viện kiểm tra. Mẹ ở giữa hai bố con chỉ biết khóc. Giờ khi em về nhà bố vẫn lạnh lùng. Điều em cảm thấy may mắn là trong môi trường đại học, các bạn không kỳ thị mà rất hòa đồng”, My cười nói. Từ khi ra Hà Nội học đại học, My bắt đầu ăn mặc giống như một cô gái. Thay đổi cách ăn mặc trong khi vẫn có cái tên của con trai, thời gian đầu My cũng gặp một số khó khăn. Đặc biệt là lúc đi thi, giám thị kiểm tra rất kỹ, xem có phải thi hộ không. Mong muốn trở thành người con gái thực sự nên My bắt đầu dùng hormone. Thủy và My chỉ là hai trong số khoảng 500.000 người chuyển giới tại Việt Nam. Đa số họ đang gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, bị xã hội kỳ thị. Không phải bố mẹ nào cũng đủ dũng cảm để thừa nhận con mình là người chuyển giới. Họ cũng gặp nhiều khó khăn trong tình yêu hôn nhân, tìm bạn đời, đặc biệt là cơ hội tìm được việc làm. Nhiều người có bằng đại học nhưng không tìm được công việc tốt vì câu hỏi “Bạn là nam hay là nữ?”. Họ cũng gặp các vấn đề về pháp lý khi không được đổi tên, không được xác định lại giới tính. Nhiều người trong cộng đồng không dám đến cơ sở y tế chữa bệnh vì sợ ánh mắt kỳ thị của cán bộ y tế. Dương Vũ Let's block ads! (Why?) Nguồn: VNExpress