Theo ông Sean Preston - Giám đốc Visa tại Việt Nam, Campuchia và Lào, Việt Nam là một thị trường đầy hứa hẹn với nền tảng công nghệ phát triển và tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ. Các startup tại đây luôn chủ động trong việc tìm kiếm những ý tưởng đột phá và sẵn sàng đón nhận những sáng kiến mới. Chính điều này đã thúc đẩy Visa khởi động cuộc thi Visa’s Everywhere Inititatives tại Việt Nam nhằm tìm kiếm những ý tưởng đột phá, khai phá những sản phẩm - dịch vụ mới và có khả năng trở thành những biện pháp tài chính mang tính khả thi cao cho cộng đồng. Tuy vậy, ông cho rằng kinh nghiệm và kiến thức thực tế hiện vẫn là mảng mà các công ty startup cần được hỗ trợ. "Startup Việt sở hữu các ý tưởng hay và độc đáo nhưng lại thiếu những kỹ năng cần có để thực thi ý tưởng, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính và công nghệ, khi những kiến thức mới luôn không ngừng mở rộng", ông chia sẻ. Ông Sean Preston cho biết với 60 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, cuộc thi là cơ hội để Visa có thể hỗ trợ các doanh nghiệp startup nhận được nhiều quan tâm từ báo chí và các nguồn thông tin, tiếp xúc với mạng lưới đối tác và đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm của Visa nhằm củng cố và nâng cao vị thế của doanh nghiệp. “Visa tin rằng thông qua việc hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển những giải pháp trong lĩnh vực fintech, cuộc thi chính là chất xúc tác làm nên những thay đổi và ý tưởng đột phá, góp phần đưa Việt Nam hướng đến một tương lai không tiền mặt", ông nói. Ông Sean Preston (phải) đánh giá cao tiềm năng của cac startup Việt. Ông Sean Preston tiết lộ thử thách tại mỗi quốc gia dựa vào bối cảnh ngành thương mại và thanh toán tại thị trường trong nước. Ở Việt Nam, Visa đặt ra ba thử thách, trong đó đầu tiên là phát triển kết nối liền mạch hơn giữa dịch vụ tài chính, ngân hàng và nền tảng mạng xã hội. Visa đánh giá thế hệ millennials (độ tuổi 18-34) là một trong những nguồn lực chính của Việt Nam. Đây là đối tượng đã quen thuộc với các phương thức thanh toán thẻ, sở hữu ít nhất một chiếc thẻ nội địa, chỉ 1/5 sử dụng thẻ quốc tế. Hiện tiền mặt vẫn là phương thức thanh toán chủ yếu nhưng thế hệ này sẵn sàng chuyển đổi sang các hình thức mới với điều kiện tiện lợi và hơn hết chính là bảo mật, cho thấy tiềm năng phát triển to lớn của thanh toán điện tử đối với đối tượng millennials. Thách thức thứ hai được Visa đặt ra là mang đến cho khách hàng một phương thức thanh toán số đáp ứng được nhu cầu vượt trội trên cả tiền mặt khi mua sắm trực tuyến. Kết quả một cuộc khảo sát thực hiện bởi Visa cho thấy 84% người tiêu dùng Việt Nam mua sắm trực tuyến ít nhất một lần mỗi tháng, đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Thái Lan. Thương mại điện tử chính là nhân tố chủ chốt thúc đẩy việc sử dụng thanh toán điện tử tại Việt Nam. Tuy nhiên, có đến 95% giao dịch thương mại điện tử sử dụng tiền mặt thanh toán khi nhận hàng, đòi hỏi sự phát triển, đột phá hơn về phương thức thanh toán số nhằm thay đổi thói quen người tiêu dùng. Thử thách còn lại là mở rộng mạng lưới chấp nhận thanh toán điện tử. Với dân số 95 triệu người, hiện Việt Nam có khoảng 250 nghìn máy POS. Theo Visa, với số lượng điểm chấp nhận thẻ còn hạn chế như hiện nay, việc mở rộng mạng lưới này là rất cần thiết trong việc thúc đẩy thanh toán điện tử phát triển mạnh mẽ. Theo Báo cáo toàn cảnh Fintech khu vực ASEAN 2018 của Ernst & Young (EY), các startup tại Việt Nam đang đầu tư nhiều cho lĩnh vực này với tổng vốn 129 triệu USD. Với dân số trẻ, lượng người sử dụng điện thoại thông minh ngày càng nhiều, tăng trưởng tiêu dùng cao và tỷ lệ thất nghiệp thấp..., Việt Nam trở thành thị trường tiềm năng bậc nhất cho các Fintech phát triển. "Các nhà đầu tư nước ngoài cũng rất quan tâm và muốn tham gia, thậm chí họ có ý định mua lại một số Fintech tốt bởi tiềm năng thị trường rất lớn", ông Varun Mital - lãnh đạo cao cấp Fintech của EY chia sẻ. Trong gần 80 công ty Fintech đang hoạt động ở Việt Nam, một nửa chọn kinh doanh dịch vụ thanh toán. EY đánh giá đây là tỷ lệ cao nhất khu vực Đông Nam Á. Điều này xuất phát từ thực tế hiện 90% các khoản thanh toán vẫn được người Việt trả bằng tiền mặt. Ông Lertad Supadhiloke - Quán quân Visa's Everywhere Initiave tại Thái Lan. Dưới góc nhìn của một startup công nghệ về thanh toán và thương mại điện tử, ông Lertad Supadhiloke - Quán quân Visa's Everywhere Initiave tại Thái Lan lại nhận thấy rào cản lớn nhất mà các startup đang phải đối mặt trong lĩnh vực này chính là làm thế nào để có thể thuyết phục người tiêu dùng đón nhận và chuyển sang sử dụng các phương thức thanh toán mới, thay thế những thói quen cố hữu hiện nay. Chia sẻ kinh nghiệm, ông Supadhiloke cho rằng bí quyết để chiến thắng nằm ở việc dự án mang đến những giá trị và sức ảnh hưởng như thế nào đối với người tiêu dùng, các đơn vị bán hàng và cả hệ sinh thái thương mại điện tử nói chung. "Cuộc thi không chỉ đơn giản mang lợi ích đến với Visa hay các đối tác, mà còn mang đến những trải nghiệm tốt nhất đến với các doanh nghiệp startup như chính các bạn và cả cộng đồng”. Trương Sanh Visa’s Everywhere Initiative là cuộc thi sáng kiến toàn cầu dành cho các công ty startup nhằm giải quyết các vấn đề của ngành thanh toán và thương mại, hoàn thiện ý tưởng sản phẩm và đề xuất giải pháp tương lai cho mạng lưới đối tác rộng khắp của Visa với tổng giá trị giải thưởng lên đến 700.000.000 đồng. Cổng đăng ký và nộp đề án đã được mở từ nay đến ngày 10/7. Tìm hiểu thêm về cuộc thi và đăng ký tại đây. Mua hàng tại Tin Học Như ÝNguồn: VNExpress