Khởi nghiệp là quyết định khó khăn của Mơ. Năm 2014, cô quyết định nghỉ việc và mở công ty của riêng mình có tên Student Exchange (SE) Việt Nam, giúp đưa sinh viên và thực tập sinh nước ngoài đến Việt Nam bằng một khoản tài trợ. “Tôi rất lo lắng và có nhiều điều có lẽ không nên làm. Mọi người bảo tôi không phải là một người mẹ tốt khi bỏ rơi con mình ở nhà và chạy theo sở thích của bản thân, đam mê hay sự nghiệp, đó thật sự là những lời làm tổn thương tinh thần”, Mơ nhớ lại. Có quá nhiều thứ Mơ cần phải thực hiện và vượt qua trong hành trình startup chông gai. Hầu như cô phải tự làm mọi thứ với sự hỗ trợ của một thực tập sinh trong thời gian ngắn. “Chúng tôi không có thu nhập. Mẹ chồng giúp trông bọn trẻ và có lúc chồng cũng muốn tôi ngừng lại”, cô hồi tưởng quá khứ bốn năm trước. Nhưng Mơ biết mình không thể và luôn kiên định với con đường mình chọn, bằng niềm tin sắt đá. Sau sáu tháng, cô vỡ òa khi tìm được khách hàng đầu tiên. Và kể từ thời khắc đó, Mơ tiếp tục tiến bước. Mơ đến từ một tỉnh miền núi và học đại học chuyên ngành tiếng Anh. Tuy vậy, cô không thể nói chuyện một cách tự tin bằng thứ tiếng này. Một lần cô tìm được một khóa thực tập tại tổ chức bảo vệ quyền trẻ em và bình đẳng cho bé gái khắp thế giới. Tai đây, Mơ có cơ hội tiếp xúc với môi trường quốc tế và là tiền đề để làm việc cho tổ chức phi lợi nhuận Volunteers for Peace Vietnam sau khi tốt nghiệp. Ở đây, Mơ nhận ra mình muốn làm việc với người trẻ và cũng muốn làm công việc gì đó giúp cho thế hệ trẻ. Mơ sau đó gia nhập công ty Panasonic với vị trí cán bộ đào tạo và thành công trong việc chứng minh rằng huấn luyện viên không phải là người có quyền bắt mọi người làm điều mình muốn, mà còn là một đối tác chia sẻ và thu thập thông tin. Cô cũng trải nghiệm tại những ngôi trường định vị quốc tế như Ritsumeikan Asia Pacific University (hiện vẫn giữ vai trò giám đốc) và đảm nhiệm vai trò thư ký - giám đốc hợp tác quốc tế của Đại học FPT. Công việc của cô là giúp trường đại học tìm kiếm các đối tác nước ngoài và nhờ đó có cơ hội đến nhiều quốc gia trên thế giới. Trong một chuyến đi như thế sang Mỹ, Mơ thấy vô cùng sốc khi nhiều người vẫn không hề biết gì về Việt Nam. “Một số nghĩ Việt Nam vẫn rất nghèo, là một quốc gia ở thế giới thứ ba hay thậm chí vẫn còn chiến tranh. Đó là khi tôi nhận ra phải làm gì đó giúp mọi người hiểu hơn về đất nước của mình”, cô giải thích. Mơ muốn đưa nhiều người đến gần và hiểu hơn về Việt Nam thông qua Student Exchange. Ảnh: Getty Images. SE Việt Nam đã ra đời như thế và có trụ sở chính ở Hà Nội, cũng như văn phòng ở TP HCM. Tổ chức mang đến các cơ hội thực tập cho sinh viên nước ngoài ở nhiều ngành nghề như nông nghiệp, khách sạn và du lịch, công nghệ thông tin, phát triển kinh doanh, giáo dục, hoạt động xã hội, phát triển cộng đồng, kỹ thuật, y dược, môi trường và tài chính. Mơ đã giúp hơn 200 sinh viên nước ngoài đến từ 17 quốc gia. Đa số họ đến từ Mỹ, Australia và Nhật, tham gia các ngành như kinh doanh, y tá và kỹ thuật môi trường. Người nước ngoài có thể giảm thiểu chi phí khi có sự hỗ trợ của SE vì có thể loại bỏ người trung gian tính phí các dịch vụ. “Với một chương trình thực tập bốn tuần tại Việt Nam, mỗi sinh viên thường tốn khoảng 4.000 USD, nhưng với chúng tôi thì chỉ mất khoảng 1.500 USD”, Mơ cho biết. Chương trình cũng được hỗ trợ bởi những người địa phương. “Họ là những người cùng độ tuổi với các bạn sinh viên, thích giao lưu với bạn bè nước ngoài, muốn luyện tập tiếng Anh và học hỏi văn hóa. Đó là những gương mặt Việt Nam điển hình cho những người tham gia chương trình”. Hiện đội ngũ của SE có 10 người với 7 người làm toàn thời gian và ba thực tập sinh. “Startup không có nhiều tiền để thuê những người nhiều kinh nghiệm và rõ ràng bạn không thể giữ chân họ được lâu. Vì vậy, hãy truyền cảm hứng cho mọi người bằng những việc bạn đang làm và hãy tìm những người có cùng đam mê với mình”, Mơ chia sẻ về kinh nghiệm bốn năm startup của mình. Cô thừa nhận bản thân cũng có những nỗi sợ nhưng cũng tự nhận mình là người lạc quan. Ví dụ khi lo lắng không biết startup có thể đi tiếp không, cô nghĩ rằng mình luôn có thể tìm một công việc khác. Còn hiện nay, vấn đề của Mơ là có nhiều lời mời để trở thành đối tác. Cô tự hỏi liệu dự án có chạy quá nhanh không dù họ đang đi đúng hướng. Mơ thận trọng bởi sợ mình mất tập trung hoặc không có đủ người để chạy các chương trình. Tuy nhiên, sau cùng thì tất cả mọi vấn đề đó đều được cô xem là cơ hội chứ không phải khó khăn. Khi đối diện với những nghi ngờ, trong đầu Mơ chỉ có suy nghĩ duy nhất là tin tưởng vào những gì mình đang làm. Trương Sanh (theo Inc) Mua hàng tại Tin Học Như ÝNguồn: VNExpress