Tại sao H1N1 là cúm mùa vẫn làm nhiều người tử vong?

Discussion in 'Khám phá - Phát minh' started by bboy_nonoyes, Jun 28, 2018.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 145)

    Không như các cúm mùa thông thường khác, H1N1 có khả năng tấn công sâu vào tế bào phổi, gây viêm phổi, thậm chí tử vong.

    Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cúm mùa thông thường chỉ tấn công vào các tế bào thuộc phần trên của hệ hô hấp, Cúm A/H1N1 có khả năng tấn công sâu vào tế bào phổi nên nguy hiểm hơn.

    Hiện các chủng cúm mùa lưu hành trên thế giới và Việt Nam chủ yếu bao gồm cúm A/H1N1, cúm A/H3N2 và cúm B. Số liệu của hệ thống giám sát cúm quốc gia ghi nhận trong các năm trước và những tháng đầu năm 2018, cúm A/H1N1 chiếm khoảng 20-50% số chủng cúm mùa lưu hành tại Việt Nam.

    Cúm A/H1N1 là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do virus cúm A/H1N1 gây nên. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao và lây lan nhanh trong cộng đồng.

    [​IMG]
    Bệnh nhân cúm A/H1N1 điều trị cách ly tại Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM) đầu tháng 6. (Ảnh: Lê Phương).

    Người mắc cúm A/H1N1 có biểu hiện lâm sàng giống khi mắc các chủng cúm mùa khác, như sốt cao, chảy nước mũi, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, ho, đau họng. H1N1 lây truyền qua đường hô hấp, người lành có thể mắc bệnh trực tiếp khi hít phải giọt bắn nước mũi, nước bọt khi người bệnh hắt hơi, ho. Bệnh lây gián tiếp qua bàn tay khi cầm nắm các vật dụng có nhiễm nước mũi, nước bọt của bệnh nhân như thành giường, tay nắm cửa, điện thoại… hoặc do dùng chung dụng cụ với bệnh nhân như cốc chén, bát đũa, thau chậu...

    Bệnh chỉ có thể chẩn đoán xác định bằng cách lấy dịch mũi họng để xét nghiệm. Người bệnh thường khỏi sau một tuần điều trị thông thường. Người mắc bệnh cúm mùa có thể diễn biến nặng như viêm phổi, suy hô hấp, thậm chí tử vong nếu sức đề kháng kém, có bệnh mạn tính kèm theo như suy thận, đái tháo đường, người già, trẻ em, phụ nữ có thai...

    Bác sĩ Lê Hồng Nga, Trưởng Khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM khuyến cáo người dân nên tiêm ngừa cúm định kỳ hàng năm, đặc biệt là nhóm nguy cơ cao như trẻ em dưới 5 tuổi, người già trên 65 tuổi, phụ nữ có thai, người có bệnh lý phổi mạn tính, tim mạch, đái tháo đường, suy giảm miễn dịch, suy thận mạn...

    Lưu ý phòng tránh lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám và chữa bệnh. Người nhà, người bệnh cần đeo khẩu trang y tế và giữ khoảng cách trên một mét nếu phải tiếp xúc với người bệnh. Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng. Che miệng và mũi khi ho, hắt hơi bằng tay áo, hoặc dùng khăn giấy sau đó bỏ vào thùng rác. Nếu che bằng tay thì cần rửa tay ngay sau khi ho, hắt hơi nhằm tránh lây nhiễm sang vật dụng khác.

    Vệ sinh và mở cửa thoáng mát nơi ở, lớp học, phòng làm việc. Lau chùi bề mặt, vật dụng bằng hoá chất sát khuẩn thông thường. Người dân nên tự theo dõi sức khỏe hàng ngày, nếu có biểu hiện sốt, ho, đau họng…thì thông báo cho trường học, cơ quan, đoàn thể và cơ sở y tế địa phương. Nếu được xác định mắc cúm thì cần được cách ly và đeo khẩu trang.

    Những người mắc bệnh mãn tính, phụ nữ mang thai, người già, trẻ em cần tránh tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh. Không tự ý sử dụng thuốc, đặc biệt là thuốc kháng virus như Tamiflu mà phải tuân theo hướng dẫn của thầy thuốc.

    Let's block ads! (Why?)
    Nguồn KhoaHoc.TV
     
  2. Facebook comment - Tại sao H1N1 là cúm mùa vẫn làm nhiều người tử vong?

Share This Page