Khi truyền hình Internet xem không được mượt vào các giờ chiếu World Cup trong tuần qua, anh Lê Hồng Tuân (Hà Đông, Hà Nội) phải tìm về với truyền hình quảng bá. TV nhà anh tích hợp sẵn bộ giải mã DVB-T2 nên chỉ cần mua thêm ăng-ten vào là có thể thu được tín hiệu. Nhưng với tính thích mày mò, anh Tuân đã tự chế ra thiết bị này để phục vụ nhu cầu xem bóng đá. Ăng-ten quad để thu truyền hình DVB-T2 có thiết kế khá đơn giản, dễ thực hiện. Ảnh: Cnet. Tham khảo thông tin từ các trang trong nước và quốc tế, anh Tuân quyết định làm ăng-ten quad vì nó đơn giản, nhỏ gọn nhưng vẫn cho tín hiệu khá. Một công cụ trực tuyến cho phép tính toán kích thước ăng-ten để phù hợp với đài phát trong nước. Cụ thể, truyền hình số mặt đất tại Việt Nam được phát trên băng tần UHF (470 - 806 MHz). Các vật liệu để làm ăng-ten khá dễ chuẩn bị, trong đó cáp đồng trục dài vài mét và đầu nối (jack) có thể tận dụng từ các ăng-ten cũ, dây truyền hình cáp không dùng hoặc mua tại hầu hết các cửa hàng điện. Khoảng một mét dây đồng có tiết diện dây 2-2,5mm để làm ăng-ten được anh Tuân dùng luôn từ chiếc mắc áo sẵn có trong nhà. Chiếc móc áo được gỡ thẳng ra, sau đó uốn lại thành hai hình vuông nối liền nhau ở góc. Dựa trên công cụ tính toán, anh Tuân cho biết cạnh của hình vuông này là 11,4 cm, chiều dài của cả ăng-ten là 32 cm. Sau đó, chỉ cần nối lõi của cáp đồng trục vào một góc và các vòng sợi nhôm vào góc còn lại. Đầu kia của cáp đồng trục nối vào giắc rồi cắm vào TV. Ăng-ten được đặt thẳng đứng, hướng về phía đài phát, tại nơi ít bị che chắn. Ảnh: FPTCare. "Làm xong ăng-ten, tôi đặt nó ngay cạnh TV rồi muốn dò kênh thật nhanh để khoe thành quả với vợ con. Tuy nhiên, nó chỉ thu được vài kênh mà tín hiệu trung bình", anh Tuân kể. "Xem lại các bước làm không thấy có gì sai, lát sau tôi mới phát hiện mình đặt ăng-ten tại vị trí quá khuất, nhà lại trong khu toàn tòa cao cầng". Sau khi đem ăng-ten ra ngoài ban công và quay đúng hướng, sản phẩm tự chế của anh Tuân đã hoạt động tốt khi thu được hơn 30 kênh truyền hình với tín hiệu ổn định. "Bây giờ, cứ xem World Cup là tôi xem bằng DVB-T2 vì nó chạy mượt, giảm trễ hơn nên không còn cảnh nhà hàng xóm hô vào nhưng TV nhà mình mới chiếu đến đoạn phát bóng", anh chia sẻ. Ăng-ten thu DVB-T2 có thể chế từ chiếc mắc áo mà không cần uốn hình. Ảnh: Vchannel. Tại một số khu vực sóng tốt, người xem thậm chí có thể thu tín hiệu DVB-T2 bằng cách nối dây cáp đồng trục vào chiếc mắc áo để nguyên mà không cần uốn tạo hình. Một số cách tự chế khác từ vỏ lon nước ngọt hay vành xe đạp... "Ăng-ten như anh Tuân làm được xem là hiệu quả nhất so với chi phí và giá trị thu lại, nhưng có thể bổ sung thêm một tấm tôn mỏng ở phía sau để tăng chất lượng", Phạm Minh Đức, kỹ sư điện và là chủ một cửa hàng điện tử, cho biết. Theo anh Đức, tại những khu vực sóng không tốt hoặc muốn tăng tính thẩm mỹ thì người dùng có thể mua các loại ăng-ten DVB-T2 bán sẵn với giá khá rẻ. Từ vài chục nghìn đồng là đã có ăng-ten kèm dây cho loại dùng trong nhà, đắt hơn là loại có mạch khuếch đại cho những nơi sóng kém giá khoảng hơn 100.000 đồng, còn ăng-ten ngoài trời giá từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn đồng. Bảo Anh Let's block ads! (Why?)Theo Trang Công Nghệ