Ngày 26/6, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết bệnh nhân này có cơ địa béo phì nên bệnh diễn tiến nặng. Trước đó bệnh nhân có biểu hiện sốt, ho, diễn tiến nặng nên nhập viện cấp cứu trong tình trạng viêm phổi, suy hô hấp phải thở máy. Ngày 24/6 tình trạng bệnh nặng nên gia đình xin về và không thể qua khỏi. Tuần trước bệnh viện cũng có một bệnh nhân tử vong vì viêm phổi, suy hô hấp, suy thận mạn giai đoạn cuối, nhiễm cúm A/H1N1. Trường hợp tử vong vì cúm A/H1N1 đầu tiên tại TP HCM là một phụ nữ 26 tuổi ngụ quận Thủ Đức, thể trạng béo phì. Tiến sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết khoa đang điều trị cho 7 bệnh nhân cúm A/H1N1, trong đó có 3 trường hợp phải thở máy. Những bệnh nhân này vốn đang mắc các bệnh nền nghiêm trọng, khiến cúm diễn tiến nặng hơn. Bệnh nhân cúm A/H1N1 điều trị cách ly tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: L.P. Đây là những người bị lây nhiễm H1N1 tại Bệnh viện Chợ Rẫy từ ngày 11/6. Ổ dịch này được xác định 12 người dương tính virus cúm A/H1N1, hàng chục người khác nghi ngờ bệnh nhưng nhẹ và dễ dàng qua khỏi. "Ngày 11/6 xuất hiện chùm ca bệnh đầu tiên, đến ngày 20/6 không còn bệnh nhân mắc mới, bệnh viện hy vọng khống chế được dịch trong thời gian ngắn, không cho lây lan", bác sĩ Hùng cho biết. Từ khi phát hiện những bệnh nhân cúm A/H1N1 đầu tiên, Bệnh viện Chợ Rẫy đã thành lập ban chỉ đạo chống cúm để ngăn chặn dịch bùng phát. Bác sĩ Hùng khuyến cáo những người có yếu tố nguy cơ như trẻ em dưới 5 tuổi, người trên 65 tuổi, phụ nữ có thai, người có bệnh mạn tính như đái tháo đường, suy giảm miễn dịch... nên chích ngừa cúm định kỳ hàng năm.Cúm A/H1N1 hiện được xem là cúm mùa thông thường. Đối với người khỏe mạnh, độc lực của virus H1N1 không cao. Với bệnh nhân mạn tính, người suy giảm miễn dịch nhiễm virus sẽ làm thúc đẩy bệnh nền, gây tổn thương phổi, tổn thương đa tạng, khả năng biến chứng nặng nề. Để phòng cúm, nên hạn chế tập trung chỗ đông người, đặc biệt nơi có người mắc cúm, nghi ngờ cúm. Trong trường hợp tiếp xúc người bệnh, phải giữ khoảng cách an toàn khoảng 1,3 m. Người trực tiếp chăm sóc bệnh nhân phải đeo khẩu trang. Rửa tay thường xuyên với xà phòng, thuốc sát khuẩn nhanh. Nên súc họng, vệ sinh hầu họng thường xuyên. Lê Phương Let's block ads! (Why?) Nguồn: VNExpress