Sáng 25/6, Tuấn Anh hồi phục xuất viện trong vòng tay yêu thương của bố mẹ. Hơn 40 ngày ròng rã cam go, có những lúc cậu bé 13 tuổi tưởng chừng không qua khỏi. Cậu bé khỏe mạnh từng là vận động viên điền kinh của trường, nay đang nỗ lực tập luyện để có thể đến lớp vào năm học mới. Bác sĩ Nguyễn Đức Thành, Chủ nhiệm Khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Quân y 175 cho biết bệnh nhân vào viện cấp cứu sáng 15/5 trong tình trạng nguy kịch, hôn mê. Bệnh viện khẩn cấp phát lệnh báo động đỏ, các bác sĩ từ nhiều chuyên khoa đánh giá đây là ca đa chấn thương rất nặng. Bệnh nhân bị rối loạn huyết động, tụt huyết áp, suy hô hấp rất nặng phải đặt ống nội khí quản. "Khi đặt ống nội khí quản vào thì có máu trào ra theo ống, bệnh nhân tràn khí nhiều dưới ngực nên các bác sĩ tiến hành hồi sức luôn, triển khai ngay các xét nghiệm cấp cứu", bác sĩ Thành chia sẻ. Lồng ngực bệnh nhân có biểu hiện bất thường, nghi ngờ tràn khí vào khoang màng phổi nên bác sĩ quyết định dẫn lưu khoang màng phổi ngay tại khoa cấp cứu. Sau khi dẫn lưu, hô hấp, huyết động ổn định, bệnh nhân được chụp CT. Kết quả phát hiện 5 xương sườn bị gãy, dập phổi hai bên rất nặng, nhất là phổi bên trái, kèm theo chấn thương sọ não, lún sọ vùng đỉnh trái. Dù đã dẫn lưu nhưng tình trạng chảy máu vẫn chưa cải thiện, các bác sĩ nhận định khả năng có tổn thương phổi do xương sườn gãy chọc vào thùy phổi. Bệnh nhân được tiến hành phẫu thuật cấp cứu. Vào mổ ghi nhận có tổn thương thủng hai vị trí phân thùy trên phổi trái. Các bác sĩ đã khâu cầm máu, giải quyết vấn đề dẫn lưu khoang màng phổi bên trái. Về khoa hồi sức, bệnh nhân tiếp tục được thở máy, phối hợp các khoa để điều chỉnh nội mô, xử lý vết thương vùng hốc nách bên trái. Do xe buýt đẩy nên bệnh nhân tổn thương da rất rộng ở vùng thành ngực bên trái. Tuấn Anh khỏe mạnh nhận hoa chúc mừng của các bác sĩ trong ngày xuất viện 25/6. Ảnh: Lê Phương. Quá trình hồi sức của bệnh nhân đối diện nhiều sóng gió, diễn tiến rất nặng. Dù hồi phục các thông số về hô hấp nhưng có những lúc Tuấn Anh có biểu hiện rối loạn thông khí. X-quang tim phổi cho thấy có biến chứng suy hô hấp cấp tiến triển, phải tiến hành thở máy theo chiến lược bảo vệ phổi. "Bệnh cảnh thế này đòi hỏi bệnh nhân phải nằm yên tuyệt đối, nếu hơi tỉnh một tí lượng oxy sẽ tụt ngay nên có những thời điểm không đủ thuốc an thần, bác sĩ phải đi vay mượn ở các bệnh viện khác sử dụng", bác sĩ Thành chia sẻ. Đại tá, bác sĩ Trần Lê Đồng, Phó Giám đốc phụ trách khối ngoại, Bệnh viện Quân y 175 cho biết có những thời điểm tưởng chừng bệnh nhân không thể vượt qua được. Tuy nhiên các bác sĩ vẫn cố gắng kiên trì điều chỉnh từng bước một, đặc biệt là các thông số thở máy và tình trạng rối loạn nội mô, chống ứ đọng dịch ở phổi. Sau 28 ngày hôn mê, bệnh nhân tỉnh lại và dần hồi phục. Ngoài tổn thương bên trong lồng ngực, dập phổi, Tuấn Anh còn tổn thương vùng da, đặc biệt vùng hốc nách nên được các bác sĩ phối hợp giải quyết. "Nghị lực cháu bé rất phi thường mới có thể chống chọi được như vậy", tiến sĩ Đồng đánh giá. Mẹ Tuấn Anh cho biết gần một tháng con hôn mê, cả nhà khóc hết nước mắt và không dám nghĩ đến chuyện có thể qua khỏi. Đến khi con tỉnh lại và nhận ra bố mẹ, người thân, mọi người mới dám tin vào phép màu kỳ diệu đến từ các y bác sĩ. Lê Phương Mua hàng tại Tin Học Như Ý Nguồn: VNExpress