Theo IFL, bệnh nhân là một thiếu niên 16 tuổi ở vùng Bắc Trung Florida. Trước khi được xác định nhiễm virus Keystone, cậu dự trại hè và thường xuyên bị muỗi cắn vào ban đêm. Trên tờ Clinical Infectious Diseases, nhóm nhà khoa học từ Đại học Florida mô tả bệnh nhân xuất hiện triệu chứng sốt nhẹ, đau họng và phát ban không ngứa không đau lan từ ngực đến bụng, cánh tay, lưng, mặt. Lúc đầu, các bác sĩ cho rằng thiếu niên nhiễm virus Zika nhưng các xét nghiệm chỉ ra virus Keystone mới là thủ phạm. Cơ thể bệnh nhân 16 tuổi phát ban do virus Keystone. Ảnh: Clinical Infectious Disease. Được phát hiện từ năm 1964, virus Keystone thuộc cùng một chủng loài với virus La Crosse, virus Jamestown Canyon, virus viêm não California. Virus này lây lan qua vết muỗi cắn và chủ yếu tấn công động vật ở khu vực từ duyên hải vịnh Chesapaeake đến phía tây Texas. Triệu chứng nhiễm virus Keystone bao gồm phát ban, sốt nhẹ, viêm não. Ông J. Glenn Morris, Giám đốc Viện Mầm bệnh Phát triển Đại học Florida cho biết y văn chưa từng ghi nhận trường hợp nhiễm virus Keystone ở người, song có khả năng nhiều bệnh nhân bị virus tấn công mà không biết. "Dữ liệu của chúng tôi gợi ý rằng các ca phát ban và sốt không rõ nguồn gốc ở khu vực ven biển phía đông Mỹ thực chất do virus Keystone gây nên", ông Morris nhận định. Hiện nay, sức khỏe bệnh nhân 16 tuổi đã ổn định. Cậu không xuất hiện triệu chứng viêm não và cơ thể lặn hết nốt ban sau hai ngày mà không cần dùng thuốc. Tuy nhiên, các chuyên gia lo lắng rằng virus Keystone có thể dẫn đến những triệu chứng lâm sàng nghiêm trọng hơn như sốt cao, đau cơ, rối loạn tiêu hóa và tấn công hệ thần kinh như các virus cùng chủng loại với nó. Tốt nhất, để bảo vệ sức khỏe, mọi người cần tránh để muỗi cắn bằng cách mặc áo dài tay, xịt hoặc bôi thuốc chống côn trùng, che chắn cửa sổ và cửa ra vào. Minh Nguyên Mua hàng tại Tin Học Như Ý Nguồn: VNExpress