Bánh ít ram, bánh cam Sài Gòn gợi nhớ hương quê

Discussion in 'Trổ tài vào bếp' started by bboy_nonoyes, Apr 2, 2013.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 353)

    Đều được làm từ bột nếp nhưng sự biến tấu trong cách chế biến đã tạo nên sức hấp dẫn riêng cho những món quà quê dân dã này.


    Bánh cam, bánh ít ram là những món ăn quen thuộc, gắn liền với khung cảnh làng quê và tuổi thơ của nhiều người. Những chiếc bánh cam bọc đường hay chiếc bánh ram giòn rụm là món quà vặt không thể thiếu trong giỏ đi chợ của các bà, các mẹ. Ngày nay, những loại bánh này trở nên phổ biến và được bán trên các gánh hàng rong qua các con phố ở Sài Gòn.

    [​IMG]
    Bánh cam là món quà quê dân dã gắn liền với tuổi thơ của nhiều người. Ảnh: K.H.

    Bánh cam là tên gọi của người miền trong vì nó có hình dáng tròn như quả cam, người miền ngoài gọi là bánh rán. Được làm từ hai loại bột là bột nếp và bột gạo nên bánh không ngán lại dẻo dai thơm ngon. Bột được nhồi dẻo, mềm để làm vỏ bánh, chia thành từng viên tròn nhỏ và nắn dẹt, cho nhân đậu xanh vào giữa rồi vo tròn lại, sau đó lăn qua vừng cho vừng bám đều bên ngoài rồi đem chiên. Chảo dầu phải nóng đều, cho bánh vào và trở sao cho bánh vàng đều các mặt.

    Sau khi chiên xong, bánh được để nguội trước khi rưới lên bên ngoài một lớp mật có màu vàng óng, trong suốt và khô bề mặt. Mật được làm từ đường cát nấu với nước sôi theo một tỷ lệ nhất định để mật có độ dẻo, trong và vị ngọt thanh. Bánh cam cắn vào nghe tiếng lớp mật vỡ ra trước như tiếng kẹo gương, vỏ bánh giòn bên ngoài, mềm dẻo bên trong, cộng thêm cái bùi bùi của đậu xanh tạo nên hương vị khó quên.

    Nếu bánh cam xuất thân từ món quà vặt nhà quê thì bánh ít ram xứ Huế tiền thân là món ăn cung đình. Đây là món ăn được kết hợp rất độc đáo giữa cái mềm dẻo của bánh ít và cái giòn rụm của bánh ram đem lại sự lạ miệng rất thú vị. Bột nếp, tôm tươi, thịt ba chỉ... là những nguyên liệu được dùng để chế biến nên món ăn này.

    [​IMG]
    Bánh ít ram là món ăn có nguồn gốc từ xứ Huế. Ảnh: K.H.

    Nếp sau khi xay thành bột, được cho vào một chiếc túi vải và đăng cho hết nước, còn lại phần bột dùng để làm bánh. Bột nếp được pha với một ít muối, nhồi cho thật dẻo, không bị bở. Chia bột thành hai phần bằng nhau để làm bánh ít và bánh ram. Nhân bánh được làm từ tôm, thịt ba chỉ thái thành từng phần nhỏ, ướp gia vị vừa ăn. Phi thơm dầu, cho tôm thịt vào xào nhỏ lửa đến khi thấm gia vị, phần thịt, tôm hơi săn lại thì tắt bếp.

    Để làm bánh ram, chia bột ra thành phần tròn nhỏ, to hơn quả quất (tắc) một tí, nặn dẹp phần bột, cho nhân tôm, thịt vào và vo tròn lại. Sau khi chuẩn bị xong thì đem chiên vàng. Để chiếc bánh ram chín vàng đều và giòn rụm, khi chiên bạn phải chiên ngập bánh trong dầu và phải để lửa lớn. Bánh chiên xong được vớt ra và để ráo dầu.

    [​IMG]
    Bánh ít được hấp chín, thường ăn không với nước chấm hoặc ăn kèm với bánh ram. Ảnh: K.H.

    Làm bánh ít cũng rất đơn giản, cách chế biến hoàn toàn giống banh ram nhưng thay vì chiên vàng thì bánh ít được làm chín bằng cách hấp. Chiếc bánh chín có màu trắng đục, ẩn hiện bên trong là màu đỏ của tôm rất hấp dẫn. Khi ăn, chiếc bánh ít được để lên trên chiếc bánh cam, khẽ ấn nhẹ ngón tay để hai loại bánh dính vào nhau thành từng cặp. Bánh ít ram được ăn kèm với nước mắm ớt vừa có vị chua ngọt lại hơi cay đúng chất Huế. Cái giòn rụm của bánh ram kết hợp với cái mềm dẻo của bánh ít đem đến cho người ăn một món ăn hài hòa, ngon miệng.

    Khánh Hòa

    Nguồn VNExpress
     
  2. Facebook comment - Bánh ít ram, bánh cam Sài Gòn gợi nhớ hương quê

Share This Page