Sâm Ngọc Linh có tên khoa học là Panax vietnamensis Ha et Grushv., thuộc chi Nhân sâm Panax L. Đây là loài đặc biệt có giá trị về khoa học và kinh tế, với thành phần saponin, hàm lượng các amino acid, chất khoáng vi lượng trong củ, lá và rễ hơn nhiều loài sâm khác. Ngoài tác dụng dược lý, sâm Ngọc Linh còn giúp chống căng thẳng, trầm cảm, oxy hóa... Do sở hữu 52 hợp chất saponin và mức độ khan hiếm, sâm Ngọc Linh trở thành một trong năm loại sâm quý hiếm nhất thế giới. Hiện thị trường xuất hiện nhiều sâm giả, cơ quan chức năng cũng lúng túng trong phát hiện và xử lý. Từ thực tế đó, PGS Nông Văn Hải, Viện Nghiên cứu hệ gen thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, đã thực hiện đề tài giải mã hệ gen lục lạp của sâm Ngọc Linh, góp phần hỗ trợ nhanh việc nhận dạng loài phục vụ giám sát thương mại. Kết quả nghiên cứu còn giúp các nghiên cứu phát sinh chủng loại, quá trình thích nghi bảo tồn nguồn gen của Việt Nam. Hệ gen lục lạp của sâm Ngọc Linh. Ảnh: VAST. Bằng công nghệ giải trình tự gen thế hệ mới, nhóm nghiên cứu đã giải trình tự, phân tích và chú giải thành công hệ gen lục lạp hoàn chỉnh của sâm Ngọc Linh với kích thước 156.099 bp, bao gồm 124 gen. Trong số này có 87 gen mã hóa protein, 8 gen mã hóa rRNA và 37 gen mã hóa tRNA. Nhóm nghiên cứu tìm kiếm được bốn chỉ thị có tiềm năng làm mã vạch phân tử cho phân loại sâm Ngọc Linh và các loài khác thuộc chi nhân sâm. Đây là cơ sở quan trọng khi phân biệt sâm thật, giả. Sâm Ngọc Linh được bày bán tại phiên chợ sâm Quảng Nam. Ảnh: QN. Liên quan đến việc xác minh sâm Ngọc Linh thật, giả, tháng 8/2017, Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ từng khảo sát tại Đà Nẵng, Quảng Nam và Kon Tum. Tại đây cơ quan chức năng phát hiện có sâm Ngọc Linh giả từ hạt, giống cây, củ, lá và hoa. Các sản phẩm giả sâm Ngọc Linh được cho là có nguồn gốc từ tam thất hoang hoặc tam thất Vũ Diệp chuyển từ phía Bắc vào. Hiện việc xác định, phân biệt sâm Ngọc Linh thật, giả hoàn toàn dựa vào cảm nhận chủ quan, kinh nghiệm thực tiễn của người dân và một số cán bộ, chuyên gia có kinh nghiệm. Việc kiểm định chất lượng đặc biệt khó khăn đối với những vi phạm tinh vi như một củ sâm Ngọc Linh được bán có nhiều phần được gắn vào nhau, trong đó có một phần sâm thật, một phần sâm giả. Hiện giá sâm Ngọc Linh được rao bán rất cao. Tháng 3/2018 một thương lái đã bán củ sâm 1,1 kg với giá 540 triệu đồng. Let's block ads! (Why?)Nguồn VNExpress