Hết đam mê nghiệp võ Điều không ngờ là thể thao đã góp phần tạo nên bước ngoặt lớn trong cuộc đời Trịnh Công Sơn: Năm 1957 trong chuyến về thăm nhà giữa năm học, một lần nhạc sỹ Trịnh Công Sơn tập thể thao với em trai kế Trịnh Quang Hà. Cậu em tung đòn vai, Trịnh Công Sơn ngã xuống sàn, cùi chỏ Hà vô tình đập vào ngực Sơn làm vỡ mạch máu phổi. Về chuyện này, ông Trịnh Quang Hà kể rằng cả ông và Trịnh Công Sơn lúc trẻ tuổi đều học võ thuật tại Huế, quyết chí trở thành thày võ. Trịnh Công Sơn và em trai Trịnh Mạnh Hà Trịnh Công Sơn khi ấy chẳng quan tâm về âm nhạc: “Anh Sơn đã lớn, 18-19 tuổi rồi mà chỉ thấy anh mê võ. Nhà có một cây đàn guitar gỗ cũ nhưng rất ít khi anh Sơn sờ tới. Anh thường mân mê cặp găng boxer, tập đi bài quyền của phái Vovinam, nghiên cứu và luyện võ theo sách nhu đạo. Anh thường xuyên nói chuyện võ chứ không nghe anh nói chuyện nhạc bao giờ. Cho đến “một buổi sáng mùa hè năm 1957, anh Sơn và tôi tập nhu đạo để chuẩn bị thi lên đai “ma-rông” ở sân nhà trên đường Phan Bội Châu (ngã giữa Huế). Sau một hồi hai anh em tập dượt, quần thảo thì sự cố xảy ra. Khi tôi dùng sức đưa cú đấm “đơ-dem-ê-côn” thì anh Sơn cũng dùng hết sức chặn. Tôi rị lại, té nhào trên mình anh Sơn và không cưỡng nổi quán tính của đường quyền đang chuyển động, cùi chỏ của tôi theo đà ấn xuống, đập một đòn chí mạng vào ngực anh. Anh Sơn thổ huyết lai láng (gần cả thau) và nằm ngục ngay tại chỗ. Sau biến cố này, Trịnh Công Sơn nằm liệt giường suốt hai năm. Trong suốt cả năm đầu ông phải húp cháo lỏng và ăn uống cần người đút. Khi Trịnh Công Sơn gượng dậy được thì thú vui của ông là “cây đàn bỏ quên”. Ông Trịnh Quang Hà cho rằng “miếng đòn định mệnh” đã đưa Trịnh Công Sơn từ giấc mơ võ sư sang đời nhạc sĩ. Sau khi rời giường bệnh, Trịnh Công Sơn đã có một niềm đam mê khác, ông từng thổ lộ với một vài người bạn thân thiết của ông: “Khi rời khỏi giừơng bệnh, trong tôi đã có một một niềm đam mê khác – âm nhạc. Nói như vậy hình như không chính xác, có thể những điều mơ ước, khát khao đó đã ẩn chứa từ trong phần sâu kín của tiềm thức bỗng được đánh thức, trổi dậy”. Thể thao có lẽ không cần phải tiếc khi đã không có một võ sư Trịnh Công Sơn bởi định mệnh từ thể thao đang góp cho âm nhạc nước nhà một báu vật: nhạc sỹ Trịnh Công Sơn Vịn âm thanh đứng dậy Thật ra, rất ít khi Trịnh Công Sơn nhắc đến cú đánh làm thay đổi đời mình (theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng). Đó chỉ là một tai nạn. Những năm từ 1955 cho đến 1960 là một chuỗi ngày u ám của gia đình Trịnh Công Sơn: bố mất, bản thân nằm trên giường bệnh, gia đình phá sản phải chuyển chỗ. Bút tích của Trịnh Công Sơn Họa sỹ Trịnh Cung cho rằng: “Nếu Sơn không bị những sự kiện đó, tôi nghĩ là Sơn sẽ đi học ở Paris và sẽ trở thành một tiến sĩ, một bác sĩ, một kỹ sư … chớ không phải là một nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Tôi cho biến cố đó đã đặt Trịnh Công Sơn vào tình trạng cô đơn, tuyệt vọng. Sơn tập chơi guitare, tự học guitare với một người bạn, rồi sau đó viết ca khúc “Ướt Mi”. Hình như chỉ một lần, Trịnh Công Sơn thổ lộ: “Tôi đến với âm nhạc có lẽ cũng vì tình yêu cuộc sống. Một phần cũng do một khúc quanh nào đó của số phận. Thời trẻ tôi học võ và chơi những môn điền kinh. Sau một cơn bệnh nặng kéo dài hơn hai năm do tập dợt judo với người em trai và bỗng nhiên muốn bày tỏ một điều gì đó với cuộc đời. Tôi vốn thích triết học và vì thế tôi muốn đưa triết học vào những ca khúc của mình. Một thứ triết học nhẹ nhàng mà ai ai cũng có thể hiểu được như ca dao hoặc những lời ru con của mẹ. Triết học Việt Nam có đó nhưng không được hệ thống hóa vì nó bàng bạc trong đời sống nhân gian. Tôi không bao giờ có tham vọng trở thành một người viết ca khúc nổi tiếng nhưng đời đã tặng cho tôi món quà ấy thì tôi không thể không nhận. Và khi đã nhận rồi thì mình phải có trách nhiệm đối với mọi người. Vì thế tôi đã cố gắng làm thế nào để có thể trong những bài hát của mình chuyên chở được một thông điệp của lòng nhân ái đến với mọi người”. Ca từ của Trịnh có mãnh lực diệu kỳ cuốn hút người thưởng ngoạn nghệ thuật Cũng chính từ tai nạn ấy, từ những tháng ngày nằm trên giường bệnh, từ chỗ phải đối mặt với lằn ranh sinh tử sống/chết, Trịnh Công Sơn luôn day dứt về sự ra đi và ở lại của cuộc đời. Ông từng chia sẻ: “Mỗi bài hát của tôi là một lời tỏ tình với cuộc sống, một nhắn nhủ thầm kín về những tuyệt vọng và cũng là nỗi lòng tiếc nuối không nguôi đối với buổi chia lìa cùng mặt đất mà tôi đã một thời gia sẽ những buồn vui với mọi người”. Kiến thức âm nhạc sẵn có Trịnh Công Sơn tìm vào thế giới âm thanh như một lối thoát, một khúc quanh, một ngã rẽ tình cờ của thân phận vô thường. Không chỉ có thế, theo nhận xét của nhiều người “Nhạc của ông đã có đường bay nghệ thuật riêng. Ca từ của Trịnh có mãnh lực diệu kỳ cuốn hút người thưởng ngoạn nghệ thuật…” “Ướt mi” là ca khúc ra mắt công chúng đầu tiên của Trịnh Công Sơn sau khi rời giường bệnh: …Buồn ơi trong đêm thâu, Ôm ấp giùm ta nhé Người em thương mưa ngâu Hay khóc sầu nhân thế Tình ta đêm về, Có ấm từng cơn mơ em chưa… Trong tản văn có tên “Một cõi đi về” đăng trên tạp chí Sóng Nhạc năm 1992, Trịnh Công Sơn viết: “Chết là sự tan biến của thể xác. Nhưng sống không chỉ là sự tồn tại của thân xác. Nhiều người còn sống mà tưởng chừng như đã chết. Nhiều người chết mà vẫn còn sống trong trí nhớ mọi người. … Cái mất không bao giờ mất hẳn Cái còn không hẳn mãi là còn” Nói theo cách của nhà báo thể thao nổi tiếng Chánh Trinh (Lý Quý Chung): “Nếu người em trai của Sơn không tung một cú quật, khiến ngực anh đập mạnh xuống sàn nhà làm vỡ mạch máu phổi phải nằm giường suốt hai năm, thì chắc chắn chúng ta chỉ có một vận động viên Trịnh Công Sơn… (chưa hẳn xuất sắc?) và mất đi một Trịnh Công Sơn – tài năng âm nhạc… (Bài viết có sử dụng tư liệu từ cuốn sách “Trịnh Công Sơn: Tôi là ai, là ai…”, các báo và internet) Theo Mốt & Cuộc sống