Chàng kỹ sư khởi nghiệp không cần gọi vốn

Discussion in 'Kỹ năng nghề nghiệp' started by Robot Siêu Nhân, Jun 18, 2018.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 198)

    Năm 2015, Huy và hai người bạn: một Singapore, một Việt Nam cùng sáng lập công ty cung cấp giải pháp tổng hợp hạ tầng dữ liệu và báo cáo cho doanh nghiệp. Với Grab là khách hàng đầu tiên, họ tự tin đi đăng ký giấy tờ ở Singapore và khởi đầu mà không cần nguồn vốn đầu tư nào.

    Ba thành viên mỗi người góp 10.000 USD làm vốn điều lệ nhưng tiết lộ chưa từng dùng đến. Họ xin nghỉ ở công ty đang làm việc và dồn sức cho dự án mới mà đầu ra đã có sẵn. Lương cho nhân sự dù không cao nhưng đắp đổi được bằng lợi nhuận từ khách hàng. Cho tới nay, startup đã phát triển gấp nhiều lần với khách hàng từ gần 20 nước. Công ty có thể vận hành online nên Huy quyết định rời Singapore, ở lại Việt Nam.

    Chỉ cần không chết và tồn tại bền vững

    Khác với nhiều câu chuyện khởi nghiệp thường thấy, khi các nhà sáng lập thường gọi vốn mới dám mở công ty, Huy và cộng sự đi con đường ngược lại. Thời gian làm việc tại Singapore, chàng kỹ sư máy tính nhìn thấy một sản phẩm có thể cung cấp cho thị trường theo mô hình B2B - phục vụ các doanh nghiệp. Anh nhanh chóng tìm được hai cộng sự và thảo luận với khách hàng, tiếp đến là chạy thử sản phẩm rồi ký hợp đồng chính thức. Khi đã chốt được với Grab, họ mới chính thức thành lập công ty, với quan điểm điều quan trọng khi làm startup hay kinh doanh nói chung quan trọng nhất là không chết.

    “Khi không chết mình sẽ có đủ thời gian, năng lượng để làm việc bởi việc gọi vốn không thể giúp bạn đưa ra quyết định dài hạn. Nếu có thể duy trì hoạt động và không chết thì khả năng sống và phát triển rất cao nên chúng tôi đã quyết định không gọi vốn. Tôi và cộng sự luôn nghĩ mình phải xây dựng cái gì đó đúng nhu cầu khách hàng và họ chịu bỏ tiền ra giải quyết nhu cầu đó”, Huy giải thích ly do đi ngược các mô hình thông thường.

    Vì tự xoay xở tài chính qua nguồn thu từ khách hàng, các nhà đồng sáng lập nhận thức được khó khăn trước mắt phải vượt qua vì vẫn đang ở giai đoạn đầu của vòng tuần hoàn doanh nghiệp. Mọi thứ không hoàn toàn màu hồng, lương của đội ngũ sáng lập khoảng 500-600 USD và không đủ sống ở Singapore. Tuy nhiên, kỹ sư 8x nói họ không áp lực trong việc loay hoay tìm mô hình phù hợp như một số dự án khác vì đã có lợi nhuận sau vài tháng thành lập. Đó cũng là điểm cộng của mô hình B2B so với B2C cần phải có nguồn vốn lớn.

    “Đơn giản là có khách hàng trả tiền cho chúng tôi và họ vui vẻ thì mình sẽ nuôi được chừng đó con người trong công ty. Càng nuôi nhiều người thì tốc độ phát triển của sản phẩm và thị trường càng nhanh hơn”.

    Với mô hình cung cấp giải pháp tổng hợp dữ liệu và hệ thống báo cáo cho doanh nghiệp, startup của Huy tập trung vào nhóm khách hàng là công ty công nghệ. Khó khăn thường trực là tìm ra cấu trúc phù hợp từ trên xuống dưới để tiếp thị sản phẩm cho đúng người với đúng mức giá và vấn đề mà họ gặp phải. Vì là thị trường ngách nên việc nhất quán hệ thống cho từng khách hàng, thị trường không hề dễ dàng. “Khó mới làm, còn dễ thì người ta đã làm hết rồi”, anh hóm hỉnh mô tả về dự án.

    [​IMG]

    Nguyễn Văn Quang Huy (trái) cùng các cộng sự tại Holistics là Vincent Woon - CEO và Đinh Khắc Thành - Kỹ sư trưởng. Ảnh: NVCC.

    Đến nay công ty đã có lượng khách hàng trải rộng từ Mỹ, Nga, Nhật, Hàn Quốc, Ấn Độ, châu Âu và tiếp tục phát triển ra các thị trường mới qua việc mở rộng đội ngũ nhân sự. Dù Việt Nam không phải thị trường trọng điểm bởi tính chất sản phẩm tập trung vào các công ty công nghệ, họ vẫn có các khách hàng như The Coffee House, Topica, Edumall, Wefit, Ahamove…

    Chia sẻ ý định tìm nhà đầu tư trong tương lai, Huy đáp “Tại sao không?”. Họ chưa từng có ý định từ chối các nhà đầu tư, chỉ đơn giản thấy nguồn lực đủ để có thể đi một mình trong thời gian đầu. Một lý do khác là việc tìm nhà đầu tư phù hợp và hiểu sứ mệnh của dự án không phải chuyện ngày một ngày hai. Huy và đồng sự hiểu rõ điểm mạnh - yếu của dự án và cần người có thể lấp vào những khoảng trống họ đang thiếu. “Chúng tôi luôn sẵn sàng và thực tế đã nhiều lần nói chuyện cùng các nhà đầu tư nhưng không cảm thấy việc này là gấp gáp. Thực tế là cho đến giờ chúng tôi vẫn chưa gặp được soul mate - người đồng điệu”.

    “Hãy gọi tôi là startup builder”

    Bận rộn trong nhiều vai trò và các buổi tiếp xúc với các nhà đầu tư, Huy vẫn dành thời gian cho một dự án phi lợi nhuận khác là được thành lập từ năm 2014. Từng có thời gian thực tập tại Facebook ở Mỹ và một số công ty ở châu Âu, chàng trai sinh năm 1989 nhận thấy thực trạng về nguồn lực công nghệ thông tin tại quê hương. Các công ty nước ngoài luôn kháo nhau nhân sự ngành này ở Việt Nam rất dồi dào nhưng thực tế việc tuyển dụng người phù hợp lại vô cùng khó khăn.

    Huy và một số người bạn quyết định thành lập Grokking nhằm nâng cao chất lượng kỹ sư thông qua các buổi nói chuyện và khóa đào tạo ngắn. Ở đó, mọi người còn có nhiều hoạt động cùng ngồi lại giải quyết những bài toán khó, phức tạp và chuyên sâu theo nhóm nhỏ được tổ chức một tháng vài lần. “Đôi khi mọi người chỉ so mình với mặt bằng chung ở Việt Nam nên chúng tôi muốn cho các bạn thấy mặt bằng thế giới để có động lực nhiều hơn”, anh chia sẻ.

    Huy tự nhận mình là người thích đi từ con số 0 đến số 6 hơn là từ 6 đến 9, tức xây dựng cái chưa có đến phát triển trên thị trường hơn là làm tiếp những gì đã có lên một mức cao hơn. Với anh, làm startup không phải thể hiện bản thân “ngầu” như nhiều người trẻ khác vẫn tưởng tượng. Huy thích cảm giác giải quyết được vấn đề nào đó. Vì vậy, anh nói mình không hẳn là startup founder - nhà sáng lập mà là startup builder - người xây dựng thì đúng hơn.

    “Tôi là người kỹ sư xây dựng sản phẩm, đem lại tác động cho xã hội”, Huy nói về lý do ngại ngùng trước danh xưng đồng sáng lập như mọi người vẫn thường gọi anh.

    [​IMG]

    Nguyễn Văn Quang Huy nằm trong danh sách 30 Under 30 của Forbes châu Á và Việt Nam. Ảnh: NVCC.

    Tại Diễn đàn dành cho thế hệ trẻ Under 30 Summit của Forbes Việt Nam diễn ra hồi tháng tư, Huy từng có phát biểu nhận rất nhiều đồng thuận. Anh cho rằng trong thế giới hiện nay, việc giỏi một kỹ năng là rất bình thường và nếu có trong tay thật chắc hai kỹ năng, đó sẽ là lợi thế lớn. Chính anh, một người xuất thân trong lĩnh vực công nghệ, cũng không biến mình trở nên bão hòa giữa những làn sóng mới. Huy tự học hỏi và trau dồi nhiều thứ. Tại dự án riêng, anh là Giám đốc Công nghệ nhưng đảm trách vai trò cầu nối giữa các mảng khác nhau như kinh doanh, kỹ thuật, sản phẩm, tiếp thị… Cũng như khi quyết định thực hiện startup cùng hai người bạn, Huy không từ bỏ dự án phi lợi nhuận. Anh tin mình có thể đảm đương tốt hai vị trí, vì tin vào khả năng của mình phù hợp với những gì mà hai phía đang cần.

    Tự Huy xây dựng nên bản ngã cho chính mình trên con đường startup nghe có vẻ trải thảm nhưng không ít chông gai. Không mấy người biết khoảng thời gian đầu gầy dựng công ty cũng là lúc mẹ anh mắc bệnh nặng. Chàng kỹ sư thừa nhận lúc đó chỉ dành 30% tâm sức cho dự án và trân trọng những cộng sự đã cùng anh bước qua giai đoạn khó khăn ấy.

    Với Huy, việc lọt vào danh sách 30 Under 30 của Forbes châu Á và Việt Nam là một sự khích lệ lớn, nhưng điều anh quan tâm hơn là khách hàng và nhân viên của mình có hài lòng hay không. Giá trị lớn nhất của danh hiệu đó là niềm tự hào của gia đình, món quà dành tặng cho người mẹ đã bước qua bên kia thế giới và người bố luôn dõi theo, ủng hộ hành trình của anh suốt mấy năm qua. Ước mơ của chàng trai gốc Sài Gòn là có thể tạo nên công ty công nghệ có quy mô toàn cầu xuất phát từ Đông Nam Á. “Tôi hy vọng ba năm tới công ty sẽ phát triển gấp vài chục lần và tổ chức phi lợi nhuận có thể giúp được nhiều bạn đam mê lập trình hơn. Đôi lúc cứ nghĩ không chết là vui rồi”, anh hóm hỉnh.

    Nhiều tham vọng trong công việc nhưng quỹ thời gian của Huy vẫn dành đủ chỗ cho những hoạt động thể chất và tâm hồn như tập yoga, thiền, đá bóng hay chơi cờ tướng. Huy thích sống ở Việt Nam và cũng thích sống chậm. Thời còn là sinh viên ngành Khoa học máy tính tại Đại học Quốc gia Singapore, anh từng trải nghiệm một năm tại Thụy Điển trong một chương trình thực tập. Chuyến đi đã thay đổi mọi suy nghĩ của Huy. Anh ngắm nhìn đường phố nhiều hơn, suy nghĩ sâu vào bên trong và phát hiện những bí mật của cuộc sống. Tất cả cho Huy niềm tin và sự sâu sắc để tiến những nước cờ bước ngoặt trong cuộc đời mà không chút sợ hãi, cứ thế mà bước đi.

    Trương Sanh

    Mua hàng tại Tin Học Như Ý
    Nguồn: VNExpress
     
  2. Facebook comment - Chàng kỹ sư khởi nghiệp không cần gọi vốn

Share This Page