Các sự kiện thể thao quốc tế lớn không chỉ thu hút sự chú ý của đông đảo người hâm mộ mà còn cả những kẻ lừa đảo. Hiệu ứng đám đông, sự phấn khích khiến nhiều người thiếu cảnh giác và dễ bị tấn công bởi những kẻ lừa đảo. World Cup 2018 không phải là ngoại lệ. Theo Enterprise Innovation, càng gần tới thời điểm khai mạc vòng chung kết bóng đá thế giới, số lượng các chiêu trò bán vé qua website, email giả mạo ngày càng nở rộ. Mới đây, các chuyên gia của Kaspersky Lab, công ty sản xuất phần mềm bảo mật nổi tiếng của Nga, đã cảnh báo về email lừa đảo, với các nội dung liên quan đến việc trao cơ hội cho người dùng kiếm được một tấm vé mời đến Nga xem World Cup 2018. Một dạng email giả mạo thông báo trúng vé xem World Cup 2018 tại Nga. Còn theo The Sun, trong vài tháng trở lại đây, hàng trăm trang web với các tên miền liên quan tới World Cup 2018 đã được lập ra để rao bán, chuyển nhượng vé xem các trận đấu. Các trang web đều được thiết kế tinh vi với đầy đủ các thông tin hướng dẫn chi tiết, bên cạnh các tuyên bố vẫn còn đủ vé cho hầu hết mọi trận, mọi khán đài. Chính quyền Nga đã chặn hàng trăm trang web nói trên nhưng vẫn còn hàng chục trang web khác vẫn tồn tại và hoạt động công khai. Nhiều trang web đã rao bán vé với giá lên tới 18.000 USD. Một số trang khác còn bán theo các gói với giá 30.000 USD, cho phép người hâm mộ ngoài việc xem bóng còn có cơ hội gặp gỡ các chính trị gia của Nga, đồng thời tận hưởng dịch vụ chiêu đãi của các "tiếp viên". Hầu hết đều yêu cầu thanh toán trước 100% số tiền. Trên thực tế theo bảng giá của FIFA, giá vé xem các trận đấu tại World Cup 2018 dao động từ 105 USD cho tới 1.100 USD, tùy khán đài và đó là trận đấu vòng bảng hay chung kết. Công dân Nga khi mua sẽ có mức giá vé rẻ hơn nữa. Hôm 12/3 vừa qua, FIFA đã tuyên bố sẽ có hành động pháp lý chống lại Viagogo, một đơn vị bán vé trực tuyến đang rao bán vé xem World Cup. Đại diện tổ chức này cho biết sẽ hủy bỏ bất kỳ vé nào được mua từ Viagogo sau khi nhận được "rất nhiều khiếu nại" từ người tiêu dùng. Một trang web giả mạo bán vé World Cup 2018 vẫn đang hoạt động. Một phần lý do bắt nguồn từ quy trình bán vé phức tạp của ban tổ chức World Cup 2018. Vé chỉ có thể mua được trên trang web chính thức của FIFA với các thủ tục đa lớp và tinh vi, để đảm bảo độ bảo mật. Việc đặt mua một tấm vé cũng đòi hỏi tới ba giai đoạn và chỉ cho phép mỗi người mua một vé. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có trường hợp ngoại lệ, dành cho vé khách mời. Tức là người mua được mua thêm tối đa 3 vé khác, nhưng chúng phải được đăng ký với tên cụ thể và chỉ có thể thay đổi nếu chủ sở hữu uỷ quyền chuyển nhượng vé cho người khác. Quá trình đăng ký dạng vé này cũng rất phức tạp, nhưng điều này không làm khó được những kẻ gian lận. Trong thời điểm mở bán, lượng người truy cập khổng lồ vào trang web của FIFA đã dẫn tới vấn đề kết nối. Những kẻ gian lận đã dùng nhiều biện pháp kỹ thuật để tranh thủ mua nhiều vé nhất có thể, với mục đích bán lại sau này. Với những người thiếu may mắn, việc đi mua lại vé được chuyển nhượng là cơ hội duy nhất để họ có thể vào sân. Nhưng theo các chuyên gia bảo mật, hầu hết vé bán được chào mời trên các website nói trên sẽ không sử dụng được. Một phần do quá trình đăng ký và thủ tục chuyển nhượng nghiêm ngặt của FIFA, một phần do những kẻ lừa đảo chỉ đang cố lấy tiền và thu thập dữ liệu cá nhân của người dùng, bao gồm các thông tin v về tài khoản ngân hàng. "Theo nghiên cứu của chúng tôi, có một rủi ro thực sự là người dùng sẽ phải trả rất nhiều tiền và không nhận được gì. Hơn nữa đây là loại gian lận trên mạng có thể dẫn đến việc bị mất cắp tiền trong tài khoản. Chúng tôi yêu cầu người hâm mộ thể thao thận trọng và tìm hiểu kỹ hơn khi mua vé. Bất kể mức giá hấp dẫn như thế nào, cách duy nhất để đảm bảo bạn không bị lừa là thông qua những người bán được ủy quyền", Andrey Kostin, chuyên gia phân tích nội dung web cao cấp của Kaspersky Lab cảnh báo. Một địa chỉ bán vé World Cup 2018 chính thức tại Moskva, do FIFA ủy quyền. Công ty bảo mật này cũng đưa ra một số bước đơn giản để người hâm mộ bóng đá có thể theo dõi để giữ cho an toàn bản thân và tiền của mình trong thời gian diễn ra World Cup. Đầu tiên là "luôn cảnh giác", chỉ mua vé từ các nguồn chính thức và luôn kiểm tra lại địa chỉ trang web cũng như các liên kết mình muốn theo dõi. Không nhấp vào các liên kết trong email, tin nhắn, văn bản hoặc các bài đăng trên mạng xã hội nếu chúng đến từ những người hoặc tổ chức mà người dùng không biết hoặc có địa chỉ đáng ngờ hoặc bất thường. Có một thẻ ngân hàng riêng và tài khoản với số tiền giới hạn, đặc biệt cho các giao dịch mua hàng trực tuyến. Điều này sẽ giúp tránh các tổn thất tài chính nghiêm trọng nếu thông tin tài khoản này bị đánh cắp. Cuối cùng, luôn cài đặt một giải pháp bảo mật đáng tin cậy với cơ sở dữ liệu được cập nhật đều đặn về các trang web độc hại và lừa đảo. Bảo Nam Mua hàng tại Tin Học Như ÝTheo Trang Công Nghệ