Facebook - mỏ vàng của những trò lừa câu Like

Discussion in 'Tin tức - Đồ chơi số' started by bboy_nonoyes, Apr 1, 2013.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 454)

    Có những thông tin sai sự thật và xuất hiện cách đây cả chục năm bỗng dưng được "đào mộ" và chỉnh sửa lại cho hợp thời rồi đăng lên Facebook để lôi kéo những người cả tin vào bấm Like (thích) và Share (chia sẻ).


    Nhân ngày Cá tháng Tư, bài viết bàn về hiện tượng nhiều trang mạng xã hội đã dựng lên những sự kiện không có thật để thu hút sự chú ý của người đọc. Đó là những câu chuyện cảm động, đáng sợ hoặc giật gân, chứa đựng nhiều chi tiết vô lý nhưng nhiều người lại không hề nhận ra và hồn nhiên tiếp tay lan truyền. Trong khi đó, chỉ cần tra cứu trên Google là họ đã phần nào kiểm chứng được tính xác thực vì đa số đều là trò đùa cũ được làm mới lại.

    [​IMG]
    Bức ảnh về vợ chồng Obama lan truyền trên mạng.

    Gần đây nhất là câu chuyện đầy ấn tượng về cuộc đối thoại của vợ chồng Obama tại một nhà hàng. Tổng thống Mỹ và vợ đi ăn tối và vô tình, ông chủ nhà hàng chính là người từng yêu Michelle say đắm hồi còn trẻ. Tổng thống đùa: "Nếu em kết hôn với ông ấy, giờ em đã là bà chủ nhà hàng tuyệt vời này.". Bà Michelle trả lời: "Không, nếu em kết hôn với ông ấy, ông ấy giờ có thể là Tổng thống".

    Mẩu đối thoại đó thu hút hàng nghìn lượt người bấm Like cùng những lời ngợi ca sự thông minh và sắc sảo của bà Michelle. Thế nhưng, sự thật là câu chuyện này đã được xào đi xào lại qua các đời phu nhân tổng thống như Nancy Reagan, Laura Bush, Hillary Clinton... Điểm khác biệt là nhân vật "ông chủ nhà hàng" ở đây được đổi thành một nhân viên trạm xăng mà vợ chồng Reagan, Bush, Clinton... gặp khi đổ xăng trong một chuyến đi chơi.

    [​IMG]
    Câu chuyện vợ chồng Clinton và "nhân viên trạm xăng" xuất hiện năm 1993, được đưa lên mạng năm 2002 và đây là một trong những dị bản năm 2008.

    Không phải bài học nhân văn như tình huống trên nhưng tin máy ATM có khả năng chống cướp cũng là một trong những thông điệp được chia sẻ rầm rộ trên Internet từ năm 2011 và đến nay vẫn xuất hiện rải rác: "Nếu gặp một tên cướp ép bạn vào máy ATM bắt rút tiền, bạn không nên phản kháng vì bạn không biết được hắn có thể làm gì với bạn. Hãy nhập mã số PIN của bạn theo chiều ngược lại. Ví dụ: nếu mã số của bạn là 1234 thì bạn hãy ấn 4321. Khi bạn ấn ngược mã số, số tiền trên vẫn sẽ chạy ra, nhưng khi ra được một nửa thì sẽ dừng lại, đồng thời sẽ gửi thông báo đến cho công an. Mỗi máy ATM đều có chương trình này, nó được tạo ra nhằm ngăn chặn nguy hiểm cho bạn và giúp bạn thông báo cho công an".

    Trò lừa Reverse PIN Scam này đã bị phát tán ở Mỹ từ năm 2006 và các ngân hàng nước này đã phải ra khuyến cáo rằng "mã PIN ngược" chưa bao giờ được áp dụng. Tuy nhiên, tin đồn này vẫn nhanh chóng lan sang Ấn Độ và nhiều nước khác trước khi "cập bến" Việt Nam, giúp những kẻ "câu Like" bội thu. Trao đổi với VnExpress từ đầu tháng 3/2013, bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó chủ tịch Hiệp hội Thẻ Việt Nam cho hay: "Tôi đã kiểm tra tất cả ATM của các ngân hàng trên toàn hệ thống và thông tin này hoàn toàn không chính xác. Nếu tin, khách hàng sẽ bị lừa mất mã PIN và rất nguy hiểm".

    [​IMG]
    Lời dụ bấm ngược mã PIN khi gặp cướp.

    Giữa năm 2012, không ít ông bố bà mẹ trẻ hoang mang khi đọc được một lời nhắn trên Facebook rằng: "Ngày 3/6 mình đưa con gái đi tiêm phòng ở 70 Nguyễn Chí Thanh thấy hiện tượng y tá tiêm mũi 5 trong 1 chọc kim tiêm vào em bé nhưng không bơm thuốc mà rút ra ngay, sau đó cất lại thuốc đó vào một cái hộp để trên bàn chứ không vứt xuống chỗ đựng ống kim tiêm đã dùng rồi. Nếu bố mẹ cứ lo dỗ con khỏi khóc thì không thể phát hiện ra được...".

    Ngay sau đó, Trung tâm y tế dự phòng và Sở Y tế Hà Nội đã tiến hành kiểm tra, rà soát hoạt động tại điểm tiêm chủng 70 Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội) và cho biết tin đồn trên không đúng. "Văcxin không thể tiêm cho một cháu rồi rút ra tiêm cho cháu khác vì văcxin đa số là liều đơn, mỗi trẻ dùng một kim tiêm riêng, có để lại cũng không tiêm được cho trẻ khác. Hơn nữa, khi tiêm xong, tất cả vỏ được cho vào hộp an toàn và thiêu hủy, không thể lấy ra được", ông Nguyễn Nhật Cảm, Phó giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội, giải thích.

    Vụ việc đã được làm sáng tỏ khá lâu nhưng khi mở ngẫu nhiên một trong rất nhiều status được đăng từ năm ngoái này, Số Hóa vẫn thấy rất nhiều người tiếp tục vào bình luận bày tỏ bức xúc.

    [​IMG]
    Tin đồn đăng từ 10/6/2012 nhưng vẫn thu hút những comment xuất hiện "hôm qua", "cách đây 3 tiếng", "cách đây 1 tiếng"...

    Đầu năm 2013, cộng đồng mạng lại "sởn gai ốc" trước hoàn cảnh thương tâm của cô sinh viên Đại học Tứ Xuyên (Trung Quốc). Chuyện kể rằng cô quen một người đàn ông trong một bữa tiệc, uống rượu say và theo người này vào nhà nghỉ. Khi thức dậy, cô thấy mình nằm trong bồn tắm chứa nhiều đá, bên cạnh là chiếc điện thoại và lời nhắn: "Gọi 120 hoặc cô sẽ chết". Khi gọi, vị bác sĩ bảo cô kiểm tra lưng và thấy vết rạch 20 cm. Cô đã bị cắt 2 quả thận và sau đó tử vong. Thông điệp khuyến cáo giá mỗi quả thận là 300.000 USD nên đang xuất hiện một loại hình tội phạm mới nhắm vào sinh viên và khách du lịch.

    Câu chuyện này thực chất đã ra đời từ năm 1997 và liên tục được "chế biến" lại rồi lan truyền quá nhanh khiến Quỹ hiến thận quốc gia Mỹ từng thông báo: "Tin đồn dai dẳng suốt hơn 10 năm qua vừa được tái sinh trên Internet. Việc cấy ghép thận đòi hỏi tiến hành rất nhiều xét nghiệm phức tạp trước khi cắt thận. Vì thế, rất khó xảy ra khả năng đường dây trộm thận có thể hoạt động trong bí mật mà có thể bảo đảm thận đáp ứng đủ tiêu chuẩn để cấy ghép", Fred Herbert, Chủ tịch Quỹ hiến thận, cho hay.

    [​IMG]
    Trò lừa về số phận bi thảm của cô sinh viên bị cắt 2 quả thận.

    Đây chỉ là 4 trong số rất nhiều những câu chuyện được sáng tác để đánh lừa người dùng Facebook thời gian qua. Bên cạnh đó còn rất nhiều mánh khóe câu Like khác đã liên tục bị chỉ trích nhưng không vì thế mà lắng xuống như "ấn Like để nhận áo phông Facebook miễn phí", "Like để nhận iPhone 5 miễn phí" và mới nhất là "Like để nhận Galaxy S4"... Hay một số trang lại cố tình chia sẻ những hình ảnh thương tâm về nạn đói nghèo ở châu Phi, về các em bé bị ung thư với thông điệp "mỗi lần Like, tổ chức abc... sẽ tặng 500 đồng để cứu em bé".

    Mỗi trang Facebook có những mục đích và chiêu trò khác nhau để lôi kéo thành viên, nhưng trước khi phê phán nạn câu Like, bản thân người đọc nên tỉnh táo và kiểm tra kỹ các thông tin rồi mới quyết định có tiếp tục chia sẻ để tránh rơi vào bẫy.

    Châu An

    Nguồn: VNExpress
     
  2. Facebook comment - Facebook - mỏ vàng của những trò lừa câu Like

Share This Page