Hồi ức 45 ngày kinh hoàng chống dịch SARS

Discussion in 'Sống khỏe' started by bboy_nonoyes, Apr 1, 2013.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 466)

    Ở một góc khiêm nhường tại Bệnh viện Việt Pháp có ngôi miếu thờ 6 y bác sĩ đã chết trong cuộc chiến chống dịch SARS. 10 năm trước, bệnh viện này phải cách ly, đóng cửa, các hành lang vắng vẻ chỉ có vải trắng phất phơ.


    Sáng cuối tháng 3, tranh thủ lúc vơi bệnh nhân, bác sĩ Nguyễn Ngọc Thọ lại ra miếu thắp hương. Trong khuôn viên cây cối um tùm, mùi khói nhang quyện với hương hoa tươi nhè nhẹ tỏa, ngôi miếu thờ lặng lẽ yên tĩnh trái ngược với sự ồn ào của khu vực khám chữa bệnh. Trên bia tưởng niệm ghi tên 6 người đã mất trong cuộc chiến chống dịch SARS năm 2003, theo thứ tự thời gian họ ra đi: Y tá Nguyễn Thị Lượng 15/3/2003; bác sĩ Jean - Paul Dirosier 19/3/2003; y tá Phạm Thị Quyên 24/3/2003; bác sĩ Nguyễn Thế Phương 24/3/2003; bác sĩ Nguyễn Hữu Bội 12/4/2003; bác sĩ Jacque 7/2003 (chết sau khi về Pháp).

    6 người này đã cùng với tập thể hơn 50 y bác sĩ Bệnh viện Việt Pháp, chưa kể các nhân viên phục vụ bình thường như bảo vệ, lao công... tham gia chống dịch 10 năm trước. Họ cùng trải qua nỗi kinh hoàng khi toàn bộ bệnh viện đóng cửa cách ly ngay sau khi phát hiện bệnh nhân đầu tiên mắc căn bệnh lạ; khi lần lượt từng đồng nghiệp đếm đến con số 44 người bị lây bệnh, khó thở; trong vòng 10 ngày 4 người ra đi mãi mãi...

    Là một trong 3 bác sĩ điều trị chính cho các bệnh nhân SARS khi đó, bác sĩ Thọ là người trải nghiệm sâu sắc với đại dịch này. Vị bác sĩ trầm ngâm nhớ lại thời kỳ mà ông mô tả là "không bao giờ quên". Khi ấy, Chung Cheng, người HongKong nhập viện Việt Pháp, với các triệu chứng giống cúm nhưng diễn tiến rất lạ, sốt, ho rất nhiều, khó thở. Đây được cho là trường hợp đầu tiên trên thế giới bị SARS.

    Bác sĩ Thọ nhận định, SARS là bệnh dịch thuộc họ cúm, lây lan từ người sang người rất nhanh nhưng mức độ bệnh có vẻ như giảm dần qua mỗi lần lây lan. Không hẳn ai tiếp xúc với người bệnh là sẽ lây nhưng xác suất gây bệnh rất cao, tùy thuộc vào kháng thể của từng người. "Lúc đó ông Chung Cheng ho rất dữ dội. Tôi không có gì bảo vệ, vẫn khám bệnh, hỏi han và động viên ông ấy cỡ 20 phút mà không sao, nhưng vài y tá khác tiếp xúc với ông ấy thì lây bệnh rất nhanh", bác sĩ Thọ hồi tưởng.

    Vài ngày sau, tình trạng bệnh nhân Chung Cheng rất xấu, gia đình thuê chuyên cơ đưa về nước để lại sau lưng Bệnh viện Việt Pháp có hơn 5 y tá sốt với biểu hiện giống Chung Cheng. Lúc đó, bác sĩ Carline (người Pháp công tác tại Việt Pháp) tìm hiểu trên Internet thấy ở phía nam Trung Quốc đang có một bệnh dịch lạ với biểu hiện sốt, ho, liền chột dạ nghĩ tới tình hình của viện. Bác sĩ này lập tức báo cáo lên Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Vài ngày sau, đại diện WHO - bác sĩ Carlo Ubani đã sang Việt Nam trực tiếp nắm bắt tình hình dịch bệnh.

    "Chúng tôi không nhận thêm bệnh nhân ngoài, giải quyết cho người đang điều trị xuất viện sớm hoặc chuyển viện. Tất cả y bác sĩ đều được huy động xuống tầng 2 chăm sóc những người bị dịch. Vào lúc cao điểm, có quá nửa nhân viên bệnh viện đổ bệnh", bác sĩ Thọ cho biết.

    Thời điểm đó dọc đường Phương Mai trước cổng viện vắng tanh. Người qua lại đều vội vã, đi sát lề đường bên kia. Toàn bộ nhân viên không được về nhà để bảo vệ sự an toàn của cộng đồng. Những quán xá khu vực này đều hạn chế mở cửa, không ai bán đồ ăn cho bệnh viện. Lúc đó, lãnh đạo bệnh viện phải liên hệ nhờ những khách sạn lớn viện trợ thức ăn. Vị bác sĩ trầm ngâm: "Họ rất nhiệt tình, cung cấp toàn đồ ăn ngon với một điều kiện không được tiết lộ khách sạn họ viện trợ cho vùng dịch. Thời điểm đó, nói đến Việt Pháp là ai cũng sợ như thảm họa diệt vong ấy".

    Cùng lúc này, ở HongKong, Singapore, Canada đều có người mắc bệnh. Dịch SARS lan ra toàn thế giới. Tất cả đều có mối liên quan trực tiếp, gián tiếp với chuyến bay cuối cùng về nước của bệnh nhân Chung Cheng.

    Cuộc chiến trong tâm bão SARS 10 năm trước

    [​IMG]
    Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân SARS. Ảnh: Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cung cấp.

    Giọng trầm bổng, bác sĩ Thọ cho biết đột ngột rơi vào tình cảnh ấy nên ông cũng mệt mỏi, lo sợ, có phần hoảng loạn. Việt Pháp bị cô lập, nhân lực thiếu, trang thiết bị không đủ cho một tình huống đặc biệt khó khăn mà giới y học chưa hề gặp trước đó, song không nhận được sự hỗ trợ nào. Bác sĩ Thọ đã đến bệnh viện từng làm việc mượn máy thở nhưng bị từ chối, buộc lòng phải sang Bệnh viện Bạch Mai nhờ giáo sư Đạt Anh "mượn trộm" được hai chiếc máy thở. Về sau, Bộ Y tế làm việc với Bạch Mai và chính thống cho Việt Pháp mượn một chiếc máy nữa.

    "5 ngày sau, đoàn cứu trợ của Pháp cử 4 bác sĩ và các kỹ thuật viên cùng 5 chiếc máy thở sang. Chúng tôi cảm giác như người sắp chết đuối vớ được cọc, vừa có người giúp, vừa có thêm trang thiết bị hiện đại. Tôi được gánh bớt việc, được chợp mắt một chút. Những ngày tiếp theo, Bộ Y tế chỉ đạo chuyển bệnh nhân sang Bệnh viện Nhiệt đới, gánh nặng cũng bớt đi", bác sĩ Thọ cho biết thêm.

    "Lúc bệnh nhân được chuyển hết sang Viện Nhiệt đới, nơi này chỉ còn là một màu tang thương. Khắp các hành lang không có một bóng người, vải trắng bay phất phơ. Bệnh nhân cuối cùng ra đi khiến chúng tôi bị sốc nặng. Chúng tôi âm thầm gói ghém anh ấy lại, rải nhiều lớp khử trùng, lặng lẽ mang xuống Văn Điển hỏa táng trong vội vã", bác sĩ Thọ nhớ lại thời điểm khó khăn khi đó.

    Nỗi kinh hoàng rồi cũng đi qua, Bệnh viện Việt Pháp khử trùng, đóng cửa. Toàn bộ nhân viên được nghỉ gần nửa năm trong khi bệnh viện vẫn trả đều đặn một nửa lương. Tháng 11 năm đó, bệnh viện bắt đầu gây dựng lại. "Chúng tôi đi học, dọn dẹp, xây dựng lại bệnh viện từ đống tro tàn", bác sĩ Thọ chia sẻ.

    Với y tá trưởng Bùi Thanh Xuân, dịch SARS là ký ức đáng sợ nhất cuộc đời. "Tôi lờ mờ nhận thấy dịch ngày càng bùng lên nguy hiểm, hôm đó đi chợ mua rất nhiều đồ, dặn chồng nấu nướng và chăm sóc các con. Quả nhiên, tối hôm ấy bệnh viện phát lệnh đóng cửa, toàn bộ nhân viên ở lại viện". Ngày ấy chị không biết rằng sẽ buộc phải xa gia đình đúng một tháng trời và chứng kiến sự ra đi trong đau đớn của nhiều đồng nghiệp.

    Thời gian đầu, y tá Xuân cùng các y bác sĩ khác chăm sóc bệnh nhân. Không ai biết gì về độ nguy hiểm của bệnh, họ không khẩu trang, không đồ bảo hộ và vẫn còn trêu đùa nhau. "Tôi còn nhớ bác sĩ Tấn kiếm đâu được túi gạo nhờ tôi đánh lưng cho anh ấy. Anh Phương nằm giường bên cạnh còn đùa cợt cách làm ấy không hiệu quả, nói là bệnh cúm đâu có đáng sợ như thế. Thế mà chỉ hôm sau anh Phương đã thở máy rồi chết ít ngày sau đó. Y tá Lượng lúc mất mà rút được ống thở còn khó kia mà", nữ y tá nghẹn giọng nhớ lại.

    Sau đó vài ngày, đến lượt chị Xuân lây SARS. Nằm trên giường bệnh, phán đoán tình hình chị mới thấy con vi rút này nguy hiểm đến mức nào. "Tin người chết, người lây bệnh, tin dịch bùng nổ ra toàn cầu khiến người người lo sợ. Cứ cách 2 ngày nhà tôi lại có người đến phun thuốc chống dịch. Chồng tôi được cho nghỉ việc vẫn hưởng lương, các con cháu tôi nghỉ học, em chồng thì khóc lóc đòi chuyển nhà đi lánh nạn", chị Xuân chia sẻ.

    Khi biết đây là bệnh viêm đường hô hấp cấp, mọi người e dè hơn, cũng có người hoảng loạn bỏ trốn. Ngoài người được phân chăm bệnh nhân, nhân viên còn lại ngủ hết dưới kho. Tầng 2 bệnh viện - nơi điều trị cho người bị dịch cách biệt hẳn. Người nhà đến thường nhét đồ tiếp tế vào một sợi dây rồi kéo lên. Lãnh đạo đến thăm chỉ dám đứng bên ngoài barie, người can đảm lắm thì đứng dưới tòa nhà.

    Đến cuối tháng 3, số người mắc bệnh giảm hẳn, không còn trường hợp nào mất hay trở nặng, không khí tang tóc giảm đi phần nào. Ở bệnh viện khi đó thường có cảnh bệnh nhân tập thổi bóng bay, chạy uỳnh ụych buổi sáng. "Đối với những bệnh nhân bị suy hô hấp như chúng tôi thì phải tập thở không ngừng bởi nguy cơ xẹp phổi rất cao. Mỗi ngày thổi vài chục quả bóng cho giãn nang phế quản, ngăn phổi không bị xẹp", y tá Xuân cho biết.

    Dịch SARS khiến khoảng 44 y tá, bác sĩ của Bệnh viện Việt Pháp lây bệnh, 6 người (trong và ngoài nước) đã chết. Ngoài ra, có 2 người liên quan cũng tử vong là bệnh nhân đầu tiên Chung Cheng và bác sĩ đại diện WHO - Carlo Ubani.

    Đánh giá về mất mát này, giáo sư Đào Xuân Tích - khoa Chấn Thương, bệnh viện Việt Pháp nói: "Trong lịch sử, chưa từng có bệnh viện nào phải chịu tổn thất về người và của như chúng tôi trong trận dịch SARS". Việt Pháp quyết định dựng ngôi miếu để tưởng nhớ các đồng nghiệp đã ra đi để cho toàn nhân loại được sống. Ngôi miếu luôn được các nhân viên y bác sĩ bệnh viện chăm sóc hương khói ấm áp.

    Cuộc chiến không còn đơn độc

    Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương là đơn vị thứ hai tham gia cuộc chiến chống SARS, khi ấy là Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới (thuộc Bệnh viện Bạch Mai). Đến bây giờ bác sĩ phó giám đốc bệnh viện Nguyễn Hồng Hà không khỏi xúc động khi nhớ lại quãng thời gian chống dịch. Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới vào cuộc ở giai đoạn dồn dập nhất của dịch SARS, nhiều ca tử vong. 10 bệnh nhân cuối cùng của Bệnh viện Việt Pháp chuyển sang viện y học. Bác sĩ Hà lúc ấy là trưởng phòng cấp cứu, đơn vị trực tiếp điều trị bệnh nhân SARS.

    "Chiến trường" của bệnh viện là toàn bộ tầng 2, 3 của tòa nhà 6 tầng. Nhân viên y tế, kể cả người làm trong lĩnh vực truyền nhiễm như bác sĩ Hà lúc ấy cũng không hề biết đến khẩu trang N95 (loại khẩu trang đặc chủng cho nhân viên y tế, sau được dùng chủ yếu cho đợt dịch này). Khẩu trang chủ yếu là loại phẫu thuật dùng bằng giấy, vải, không thể che chắn được virus và các phân tử nhỏ. Nhân viên y tế cũng chưa có áo giấy dùng một lần hay dung dịch sát khuẩn tay nhanh.


    [​IMG]

    Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: N.P.

    “Đối mặt với dịch, các bạn đồng nghiệp ở Bệnh viện Việt Pháp còn được trang bị tương đối tốt. Chúng tôi tập trung tất cả cũng chỉ được vài trăm cái khẩu trang bằng giấy, phải xin các hãng thuốc hỗ trợ. Quần áo phòng hộ không có, đành lấy áo của bệnh nhân khoác ngoài áo blouse, ra khỏi khu vực buồng bệnh thì cởi ra. Tất cả chỉ có thế, hầu như không có các phương tiện phòng hộ nào khác”, bác sĩ Hà kể lại.

    Khi một số chuyên gia từ Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương xuống lấy mẫu bệnh phẩm mặc đầy đủ đồ bảo hộ như phi công, khẩu trang tương đối tốt, găng tay, nhiều y tá ở Viện y học phải rớt nước mắt. "Người ta chỉ vào một tý rồi ra mà được trang bị đến như vậy, trong khi mình làm ở đây hàng tuần, trực tiếp tiếp xúc với người bệnh thì không được phòng hộ gì". Khoảng 15 ngày sau, nhân viên của viện đã được trang bị đầy đủ phương tiện nhờ những chuyến hàng viện trợ của các tổ chức quốc tế.

    Ngày 13/3, bệnh viện tiếp nhận ca SARS đầu tiên, sau đó liên tục có bệnh nhân mới chuyển đến. “Hội chứng này lần đầu xuất hiện, chưa có tiền lệ, cái gì mới cũng khó, chẩn đoán như thế nào, đường lây như thế nào… Không biết dựa vào đâu nên chúng tôi cứ vừa làm vừa mò cách chống dịch”, bác sĩ Hà nói.

    Theo bác sĩ Hà, khi đó quyết định mở cửa thông thoáng buồng bệnh là một yếu tố quan trọng giúp giảm dịch. Ngày 7/3, ông được mời sang Bệnh viện Việt Pháp hội chẩn. Cảm quan đầu tiên là thấy bệnh viện này đóng kín toàn bộ các cửa, một số chỗ dùng điều hòa. Bác sĩ Hà nói: "Lúc đấy tôi nghĩ 'mình mà làm thế này thì gay lắm, bức bách, khó chịu, bí, thiếu sự lưu thông khí'. Vì thế, khi tiếp nhận ca bệnh đầu tiên, chúng tôi đã bàn bạc thống nhất với nhau không có điều kiện thì thôi cứ mở thông thoáng buồng bệnh. Người nào chăm sóc bệnh nhân thì có găng tay, khẩu trang, có gì mặc đấy, ra khỏi khu vực thì bỏ áo ngoài, rửa tay, thay khẩu trang, biện pháp chỉ có thế”.

    Một vài chuyên gia WHO lúc đó cũng khuyên nên đóng hết các cửa phòng bệnh, ai phục vụ bệnh nhân thì vào, xong lại ra nhưng bác sĩ Hà thấy không ổn. Bệnh nhân bị bỏ mặc nằm trong khu vực riêng biệt thì họ càng hoảng loạn. Nhân viên y tế ai cũng sợ, không dám ra vào, thực hiện công việc qua quýt, không theo dõi thì không thể đánh giá được tình trạng bệnh.

    "Chúng tôi nhận định bất kỳ bệnh truyền nhiễm nào cũng có một ngưỡng nồng độ mầm bệnh xâm nhập vào cơ thể thì mới nhiễm. Người bị nhiễm phải hít đủ nồng độ virus vào cơ thể. Khi mở cửa thông thoáng, nồng độ virus được phân tán ra không trung, gió thổi bay, bị loãng đi. Mỗi nhân viên y tế đều hít virus vào nhưng ở dưới ngưỡng nên không phát bệnh. Dù virus bay ra ngoài môi trường nhưng người hít vào cũng không sao vì nồng độ virus thấp, không đủ gây bệnh", bác sĩ Hà cho biết.

    Theo dõi suốt 2 tuần, cứ hàng ngày thấy không nhân viên nào bị sốt, nhiễm trùng hô hấp là mừng, các bác sĩ thở phào nhẹ nhõm vì hóa ra cách mở cửa thoáng là đúng. Nhân viên bệnh viện vẫn hằng ngày đi làm, về nhà bình thường, không bị cách ly. Y bác sĩ được chia làm 3 kíp trực, mỗi kíp gồm 2 bác sĩ, 5 điều dưỡng, một hộ lý và một số người hỗ trợ thêm, làm cả ngày đêm, ăn ngủ ở đấy, làm xong bàn giao công việc cho kíp thứ hai. Sau đó cả kíp được nghỉ 2 ngày, thời gian tiếp xúc chỉ có một ngày.

    Chống dịch SARS ở thời kỳ ngành y Việt Nam còn nhiều thiếu thốn nên gặp rất nhiều khó khăn. Với bệnh này, vấn đề mấu chốt là hỗ trợ hô hấp tốt nhất. Điều này khó khăn vô cùng, một phần không có máy, đến khi có lại không phải máy chuyên dụng để thở không xâm nhập nên phải sáng tạo khi sử dụng. Quan trọng tìm được mặt nạ mask để trùm vào mặt khi bệnh nhân thở, sao cho không bị hở chút nào.

    “Chúng tôi phải sang kho vật tư bệnh viện tìm dụng cụ về chế tạo thành mặt nạ, cắt dây cao su săm xe đạp, đục lỗ, móc rồi chụp vào. Mask không có thì lấy khẩu trang N95”, bác sĩ Hà nói. “Ngày ấy nhân viên ai cũng lo lắng, nhất là khi có liên tiếp các đồng nghiệp tử vong, nhưng thật sự không khí làm việc cũng như người chiến sĩ đi ra ngoài mặt trận, mọi người đều rất hăng hái”.

    Chị Phạm Thị Ngọc Dung, hiện là y tá trưởng Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, có những kỷ niệm khó quên về ngày chống dịch SARS. Chị vẫn nhớ như in cảm giác “bàng hoàng, hoang mang, sợ” khi ấy. Hoang mang vì một dịch bệnh mới lạ, bàng hoàng khi nghe tin có bạn đồng nghiệp tử vong, sợ vì không biết mình có bị lây nhiễm. Tất cả đều sợ, không chỉ người ngoài mà ngay cả nhân viên y tế của Bệnh viện Bạch Mai khi đó cứ nhìn thấy các chị cũng xua như xua tà, nhưng không có ai xin nghỉ, kể cả những người có con nhỏ, có bầu.

    Trong ký ức y tá Dung, bệnh nhân SARS thật thương. Họ hầu như không nằm bởi không thở được, chỉ ngồi gục bên đống chăn gối cố mà thở. Đa phần đều rất lo lắng, có người thậm chí yêu cầu nhân viên y tế đứng bên cạnh, cứ ra khỏi buồng là hốt hoảng. Cứ bỏ mask thở ôxy ra là bệnh nhân tím tái, ăn cũng khó, vì thế mỗi lần cho ăn phải rất kỳ công, có khi đứng hàng tiếng, mở mask ra bón một miếng xong lại úp vào. Mọi việc chăm sóc cho bệnh nhân đều do nhân viên thực hiện, từ việc tắm rửa, gội đầu, đánh răng, thay quần áo... Gia đình bệnh nhân cũng sợ không đến, ở ngoài khu vực căng dây cách ly theo dõi.

    [​IMG]
    Chị Phạm Thị Ngọc Dung, y tá trưởng Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương còn lưu giữ những bức ảnh ghi lại gần 2 tháng chống dịch SARS. Ảnh: N.P.

    “Sau một quãng thời gian không có ca mới, đùng một cái lại xuất hiện dịch ở Ninh Bình. Lúc bệnh nhân nhập viện thì chúng tôi đã quá mệt, thầm nghĩ ‘giờ mà bệnh lan xuống Ninh Bình thì đến bao giờ mới trở lại cuộc sống bình thường’”, chị Dung tâm sự. Rất may là dịch được khống chế.

    Theo Giáo sư Hoàng Thủy Long, nguyên giám đốc Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương, khi ấy là Phó ban phòng chống dịch bệnh hô hấp, bệnh SARS đã hoành hành ở Việt Nam trong 45 ngày, gây nhiễm 65 người, làm 5 người tử vong. Việt Nam là một trong 25 nước hứng chịu dịch bệnh này. Bộ Y tế đã báo động dịch bệnh khẩn cấp.

    Hơn một tháng sau, thế giới mới xác định được chủng virus cấp tính corona gây bệnh SARS. Từ đó, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương kết hợp với Viện Y học nhiệt đới cùng chống dịch, điều trị tích cực cho các bệnh nhân lây nhiễm. Việc phòng chống cũng diễn ra quyết liệt ở các biên giới, sân bay... Chính phủ đầu tư hàng trăm tỷ mua thêm trang thiết bị, lắp đặt máy thở tại bệnh viện, máy đo nhiệt độ tại sân bay, tập huấn cho tất cả các tỉnh, cử người đi học thêm để chẩn đoán, điều trị bệnh...

    Sau hơn 40 ngày thì dịch bệnh đã khống chế và Việt Nam trở thành nước đầu tiên trên thế giới khống chế được đại dịch này.

    Điểm lại thành công, giáo sư Long cho rằng Việt Nam khống chế tốt dịch một phần nhờ có mạng lưới y tế dự phòng tốt, cộng với điều trị tích cực hiệu quả, nhưng cũng không thể không tính tới yếu tố may mắn. Cái may thứ nhất là bệnh nhân đầu tiên vào viện Việt Pháp. Đây là bệnh viện nhỏ, nằm riêng biệt nên dễ dàng bao vây, vì thế không mang nguồn bệnh lây ra ngoài. "Cái sợ lớn nhất của tôi khi ấy là SARS ra cộng đồng, sẽ lây truyền nhanh lắm", ông nói. Cái may mắn thứ hai là dịch ập đến khi Việt Nam đã bước sang thời kỳ đổi mới, có sự giao lưu quốc tế, nhờ đó có sự trao đổi thông tin, sự hỗ trợ của quốc tế.


    - Ngày 23/2: Bệnh nhân Chung Cheng từ HongKong nhập cảnh Việt Nam, mang theo các triệu chứng bệnh cúm lạ.

    - Ngày 26/2: Bệnh nhân Chung Cheng nhập viện Việt Pháp, là người đầu tiên tại Việt Nam được xác định mắc bệnh SARS.

    - Ngày 5/3: Bệnh viện Việt Pháp được cách ly.

    - Ngày 13/3: Viện Y học lâm sàng tiếp nhận bệnh nhân SARS đầu tiên.

    - Ngày 15/3: Người Việt Nam đầu tiên chết vì SARS, là y tá Bệnh viện Việt Pháp. Sau đó là 4 y bác sĩ khác của bệnh viện này lần lượt tử vong.

    - Từ ngày 8/4 trở đi: Việt Nam không ghi nhận thêm ca mắc mới nào.

    - Ngày 28/4: Việt Nam được WHO công nhận là quốc gia đầu tiên trên thế giới khống chế thành công dịch SARS.

    - Từ tháng 11/2002, SARS bùng phát ở HongKong, sau đó lây lan nhanh chóng ra 37 quốc gia trên thế giới. Tới tháng 7/2003 đã có 8.422 trường hợp mắc và 916 trường hợp tử vong do bệnh này. SARS không được tuyên bố đã được loại trừ vì nó vẫn có thể có mặt ở đâu đó và có khả năng trở lại trong tương lai.


    Nhóm phóng viên

    Nguồn VNExpress
     
  2. Facebook comment - Hồi ức 45 ngày kinh hoàng chống dịch SARS

Share This Page