Uống nhiều mới hại sức khỏe Nhiều người thường nghĩ chỉ uống nhiều rượu bia mới gây hại, uống ít không sao. Tuy nhiên như thế nào được gọi là uống nhiều, uống ít rất khó để đong đếm cụ thể. Trên thực tế, không có một tiêu chuẩn cho mức độ tiêu thụ cồn bao nhiêu là có hại. Nguy cơ và hậu quả do sử dụng rượu bia khác nhau; phụ thuộc vào tuổi, giới tính và các đặc tính sinh học khác của từng người, hoàn cảnh và cách thức uống rượu bia. Vì thế, không có mức độ uống rượu bia nào là an toàn. Nguy cơ sẽ tăng lên tương ứng với lượng cồn tiêu thụ. Các bằng chứng khoa học cho thấy uống một lượng nhỏ bia rượu cũng làm tăng nguy cơ một số bệnh ung thư so với không uống. Sử dụng rượu bia dù ít (12,5 g cồn nguyên chất mỗi ngày tương đương gần một lon bia 330 ml) vẫn có mối quan hệ nhân quả với 7 loại ung thư (vú, vòm họng, tế bào vảy thực quản, gan, dạ dày, đại tràng, trực tràng...) và có mối liên hệ với khoảng 30 loại ung thư khác (tụy, máu, tế bào bạch hầu...). Đồng thời nó cũng làm chậm khả năng xử lý khi điều khiển các phương tiện tham gia giao thông, vận hành máy móc. Uống rượu bia tốt cho bệnh tim mạch Nghiên cứu trên thế giới chỉ ra rằng lợi ích của rượu bia đối với sức khỏe tim mạch chỉ phù hợp cho phụ nữ ở độ tuổi từ 55 trở lên. Lợi ích lớn nhất có thể mang lại khi những phụ nữ này hạn chế ở mức độ uống 5 đơn vị mỗi tuần (khoảng 4 đơn vị cồn – một đơn vị cồn tương đương với 10 g cồn nguyên chất). Các chuyên gia đã đi đến kết luận rằng không có một lý do nào biện minh cho việc uống vì sức khỏe. Uống bia không hại như uống rượu Hiện nay cũng có một số ý kiến cho rằng nếu uống bia thì ít gây hại cho sức khỏe hơn so với uống rượu. Theo bà Trần Thị Trang, Vụ phó Pháp chế (Bộ Y tế), đây là quan niệm không đúng bởi tác hại chủ yếu là do chất cồn (ethanol) trong đồ uống gây ra. Vì vậy, tác hại do rượu bia không phụ thuộc vào loại đồ uống (là bia hay rượu) mà phụ thuộc vào lượng uống (tiêu thụ bao nhiêu gam cồn) và cách thức uống (tần suất sử dụng). Bên cạnh đó, rượu bia gây lệ thuộc làm cho người uống không tự kiểm soát được hành vi của bản thân. Chất cồn là một chất hướng thần gây nghiện nếu uống thường xuyên sẽ làm cho người uống phải gia tăng liều dùng và tái sử dụng. Bộ Y tế khuyến cáo, người dân không nên thử uống rượu, bởi thử sẽ quen dần, rất khó bỏ. Nếu uống thì không nên lạm dụng. Để giảm thấp nhất nguy cơ với sức khỏe, mỗi ngày nam giới không nên uống quá hai đơn vị cồn, nữ không nên quá một đơn vị và không uống quá năm ngày trong một tuần. Một đơn vị cồn theo cách tính của Tổ chức Y tế Thế giới tương đương với 3/4 chai bia 330 ml (5%), một ly rượu vang 100 ml (13,5%), một cốc bia hơi 330 ml, hoặc một chén rượu mạnh 30 ml (40%). Phương Trang Let's block ads! (Why?) Nguồn: VNExpress