Theo Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm có khoảng một triệu người chết do tự tử. Đặc biệt, hành vi này rất phổ biến trong giới ngôi sao nghệ sĩ tài năng, giàu có và sở hữu cuộc sống trong mơ. Ví dụ gần đây nhất là đầu bếp, cây bút về ẩm thực nổi tiếng Anthony Bourdain và nhà thiết kế Kate Spade. Trao đổi với CNN, bác sĩ tâm thần Charles Raison tại Los Angeles (Mỹ) cho rằng tự tử là "một lời kêu cứu", "một cách trừng phạt những người gây đau khổ" và "phương thức kiểm soát tình hình". Theo ông, con người chủ yếu tự tử bởi ba lý do chính: Tuyệt vọng về tương lai phía trước (hay thấy ở bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối); bệnh tâm thần đưa đến suy nghĩ phải chết (như tâm thần phần liệt) và đặc biệt là trầm cảm. Được coi như nỗi đau khủng khiếp nhất nhân loại phải chịu đựng, trầm cảm đi kèm cảm giác bất lực tin rằng bản thân không thể thoát ra khỏi nỗi đau khổ vô tận. Bị giày vò bởi suy nghĩ "thế giới sẽ tốt hơn nếu không có tôi", cuộc sống của bệnh nhân trầm cảm trở nên không thể chịu đựng nổi. Họ tìm đến cái chết để tự giải phóng và âm thầm lên kế hoạch mà không để ai hay biết. Đầu bếp Anthony Bourdain từng đến Việt Nam thưởng thức bún chả cùng cựu Tổng thống Mỹ Obama. Ông tự tử ngày 8/6. Ảnh: TIME. Nhà tâm lý học Hwang Sang-min tại Đại học Yonsei (Hàn Quốc) nhận định những cá nhân thành công có nguy cơ cao bị trầm cảm hoặc các vấn đề tâm thần. Họ thường đeo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo, không ngừng cố gắng đạt đến những tiêu chuẩn mới nên tự đặt áp lực. Bên cạnh đó, giới ngôi sao nghệ sĩ khát khao tình yêu từ cộng đồng và sống phụ thuộc vào danh tiếng. Bởi vậy, nếu xảy ra sự việc nào đó gây ác cảm, họ sẽ lập tức đánh mất bộ mặt tốt đẹp rồi suy sụp bởi những lời lẽ cay nghiệt. Nguy hiểm hơn, người nổi tiếng hiếm khi nhận được sự trợ giúp cần thiết. "Một bộ phận bác sĩ không chịu chăm sóc tận tình các bệnh nhân ăn mặc đẹp và có vẻ nhiều tiền", ông Powell giải thích. Ngoài ra, đối với một số khu vực như châu Á, tìm gặp chuyên gia tư vấn vẫn bị xem như điều cấm kỵ nên các ngôi sao phải tự chống chọi với vấn đề của mình. Bắt chước cũng dẫn đến nhiều ca tự tử trong giới nghệ sĩ. Tờ Chosun chỉ ra tỷ lệ người thuộc showbiz Hàn Quốc tự kết thúc cuộc đời gia tăng rõ rệt sau cái chết của nữ diễn viên Lee Eun-ju năm 2005. Vài lý do phổ biến khác là phụ thuộc chất kích thích, bị lạm dụng, trải qua sự kiện gây sốc. Dù sao đi nữa, cái chết do tự vẫn của các ngôi sao chứng minh tiền bạc và danh vọng chưa chắc đảm bảo cho cuộc sống hạnh phúc. Đó là hậu quả đến từ sự cô đơn tột cùng mà tài năng thường đi cùng cô độc. Đôi khi, lựa chọn chấm dứt cuộc đời không phải vì buông thả, thiếu trách nhiệm, hèn nhát mà là hành động tuyệt vọng của một nhân cách hiểu rõ mình chẳng thể giành chiến thắng. Minh Nguyên Mua hàng tại Tin Học Như Ý Nguồn: VNExpress