Tại hội thảo “Liên kết các tổ chức trung gian công nghệ và thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu bằng siêu kết nối thông minh - Phương pháp phát triển mới trong Kỷ nguyên số 4.0” ngày 7/6 tại TPHCM, nhiều mô hình về các sàn giao dịch công nghệ, tổ chức trung gian đã được các chuyên gia giới thiệu. Đây cũng là vấn đề suốt 5 năm qua, Bộ Khoa học Công nghệ mong muốn thúc đẩy để hình thành thị trường khoa học công nghệ. Tuy nhiên đến nay, chưa tổ chức trung gian nào đủ mạnh để cung cấp các dịch vụ kết nối trong giao dịch công nghệ, tài sản trí tuệ. Luật Khoa học công nghệ năm 2013 và Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017 được ban hành, tạo hành lang pháp lý cho việc phát triển thị trường công nghệ ở Việt Nam. Tuy nhiên, tư duy theo lối cũ, thông tin không đủ khiến bên cung và cầu không gặp được nhau. Nhiều sàn giao dịch online được hình thành nhưng chỉ đăng danh sách tên doanh nghiệp, trường, nhà khoa học mà không email, điện thoại. Số lượng các nhà khoa học tham gia chỉ chiếm 1-5% cả nước. Theo ông Nguyễn Hữu Thái Hòa - Chủ tịch iBosses Việt Nam, đã đến lúc phải thay đổi cách thức của các tổ chức trung gian thúc đẩy thị trường khoa học và công nghệ. Đây thực chất là "cò" công nghệ, thực hiện vai trò kết nối giữa người có nhu cầu công nghệ và người làm ra công nghệ. Trong thời đại 4.0, tổ chức này phải tận dụng được các hệ thống, phần mềm giúp các giao dịch kết nối càng nhanh càng tốt. Hiệu quả chuyển giao công nghệ phải theo cấp số nhân. Kết nối đang đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy trường khoa học công nghệ ở Việt Nam. (Trong ảnh doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm công nghệ tại triển lãm). Ảnh: Bích Ngọc. Ông Hoà giới thiệu mô hình Plug&Play Center - kết nối tỷ đô của Mỹ và iBosses - kết nối triệu đô của Singapore đang làm rất hiệu quả. Đây là hai sàn giao dịch đang tạo sân chơi và kết nối toàn cầu giữa các chuyên gia công nghệ và doanh nghiệp. Theo đó Plug&Play Center - Trung tâm "cắm vào và chơi", được hình thành bởi một tỉ phú người Iran, đã thu hút hàng nghìn nhà khoa học trong các viện, trường, những người có ý tưởng sáng tạo. Ở phía cầu là hàng nghìn doanh nghiệp tham gia đặt đầu bài. Các cuộc chuyển giao công nghệ sau đó diễn ra liên tục giúp "cò" công nghệ này đạt doanh thu tỷ đô. Mô hình khác nhỏ hơn và gần với Việt Nam là iBosses của Singapore. Mô hình này ra đời được 3 năm bởi giáo sư của một trường đại học. Từ 100.000 USD đến nay vốn của iBosses đã tăng lên 53 triệu USD. iBosses có 23 chi nhánh trên toàn cầu, trong đó Việt Nam có 2 điểm là Hà Nội và TPHCM. iBosses thể hiện vai trò của một tổ chức vườn ươm thúc đẩy những ý tưởng sáng tạo tiềm năng cho đến khi sản phẩm thương mại hóa và có thể giao dịch trên sàn chứng khoán. Theo ông Hòa, mục đích cuối cùng của các "cò" này là phải thúc đẩy ý tưởng sản phẩm công nghệ được xã hội chấp nhận và mua mới là thành công. Khi người làm công nghệ không có kỹ năng thị trường mà chỉ có doanh nghiệp mới 'ngửi' được ở đâu sinh ra tiền, mới cần tới vai trò trung gian, kết nối các bên lại để tiền nhân lên theo cấp số nhân. Cần cuộc liên minh giữa các chuyên gia công nghệ Theo ông Hòa, Việt Nam hiện rất cần cuộc liên minh các chuyên gia làm cách mạng công nghệ. Trong xu thế hiện nay việc liên kết các tổ chức trung gian công nghệ và thương mại hoá sản phẩm là cuộc chơi của dữ liệu lớn và kết nối toàn cầu. Mô hình siêu kết nối thể hiện vai trò của tổ chức trung gian trong chuyển giao công nghệ. Theo Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng, mô hình về tổ chức trung gian trên đang tạo nên những cơ hội để nhà đầu tư tìm kiếm sáng chế, kết quả nghiên cứu có tiềm năng thương mại hóa. Bên cạnh các tổ chức do nhà nước thành lập, sự tham gia của khu vực tư nhân chính là yếu tố góp phần hình thành và phát triển thị trường khoa học và công nghệ ở Việt Nam. Để hình thành được các sàn giao dịch công nghệ đúng vai trò "cò" công nghệ ở Việt Nam, ông Hòa gợi ý nhà nước có thể hỗ trợ ban đầu 10-20 tỷ đồng để làm vốn mồi, hỗ trợ ở giai đoạn ý tưởng giống như Singapore đã làm. "Khi các ý tưởng này đến các bước phê duyệt, triển khai, thương mại hóa và nhân bản, chắc chắn doanh nghiệp sẽ vào cuộc", ông Hòa gợi ý. Ông Hòa cũng cho rằng, khâu nghiên cứu và phát triển của các doanh nghiệp Việt đang rất kém, không có một quy trình chuẩn mực nào để chuyển giao công nghệ. Vì vậy Việt Nam đang là mảnh đất tiềm năng cho việc hình thành các sàn giao dịch công nghệ, ở đó huy động được chuyên gia công nghệ toàn cầu cùng giải bài toán cho doanh nghiệp. Let's block ads! (Why?)Nguồn VNExpress