Trợ lý trọng tài qua video - công nghệ hỗ trợ trọng tài tại World Cup 2018

Discussion in 'Tin tức - Đồ chơi số' started by bboy_nonoyes, Jun 6, 2018.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 144)

    FIFA đã quyết định áp dụng công nghệ VAR tại giải bóng đá vô địch thế giới World Cup 2018 sẽ diễn ra tại Nga từ tháng 6 này. VAR là viết tắt của cụm từ Video Assistant Referees, có nghĩa là "Trợ lý trọng tài qua video", với vai trò chính là hỗ trợ việc ra quyết định của các trọng tài chính trên sân cỏ thông qua quá trình phân tích trực tiếp video hình ảnh của các tình huống va chạm, sút phạt, ghi bàn... trên sân. Công nghệ này đã được áp dụng tại một số giải đấu ở các quốc gia, nhưng là lần đầu tiên được đưa vào sự kiện lớn như World Cup.

    Cách thức hoạt động của VAR

    [​IMG]

    Các nhân viên hỗ trợ trọng tài của VRA.

    "Bộ não" của hệ thống VAR là một phòng vận hành video tập trung (VOR) được đặt tại Trung tâm truyền thông quốc tế IBC ở thủ đô Moskva (Nga). Đây sẽ là nơi thu nhận thông tin truyền về bằng cáp quang từ 12 sân vận động nơi diễn ra các trận đấu trong khuôn khổ World Cup 2018. Các thông tin dạng video này được truyền về từ 33 camera khác nhau, trong đó có 8 camera quay chậm và 6 camera quay siêu chậm tại mỗi sân vận động. Ngoài ra, hệ thống cũng truy xuất thông tin từ 2 camera chuyên để bắt việt vị, được bố trí để hỗ trợ riêng cho đội ngũ trợ lý trọng tài này.

    Khi có tình huống bị bỏ sót hoặc diễn ra với tốc độ nhanh mà mắt thường khó có thể phán đoán chính xác, có thể gây tranh cãi trên sân, các trợ lý trọng tài sẽ ngay lập tức theo dõi các hình ảnh quay chậm để đưa ra lời tư vấn tới trọng tài chính, giúp đưa ra các quyết định chính xác nhất.

    Nhóm trợ lý cũng có quyền truy cập vào tất cả nguồn cấp dữ liệu máy chủ lưu trữ của FIFA, ngoại trừ một vài camera không hỗ trợ cho trận đấu, ví dụ camera từ trực thăng.

    Đội ngũ trọng tài hỗ trợ VAR

    Tại World Cup 2018, toàn bộ 64 trận đấu sẽ được hỗ trợ bởi nhóm bao gồm một trợ lý chính (VAR) cùng ba trợ lý phụ (VARR1, VARR2 và VARR3). Mỗi người phụ trách các nhiệm vụ khác nhau, dựa trên các camera được giao kiểm soát. Tất cả thành viên trong nhóm này đều là các quan chức hàng đầu của FIFA, là chuyên gia trong việc đánh giá các trận bóng. Số lượng các trợ lý ảo được FIFA chọn ra cho sự kiện năm nay là 13 người.

    Có bốn tình huống để nhóm trợ lý video hỗ trợ trọng tài chính là bàn thắng và các lỗi (nếu có) khi một bàn thắng được ghi, tình huống phạt penalty, tình huống rút thẻ đỏ và tình huống nhận dạng sai cầu thủ.

    Tuy nhiên, nguyên tắc chung được áp dụng tại đây là các trợ lý sẽ chỉ đưa ra ý kiến đóng góp, còn quyết định chính và cuối cùng hoàn toàn phụ thuộc vào vị trọng tài đang đứng trên sân cỏ.

    Tương tác của trọng tài với VAR


    [​IMG]


    Tình huống trọng tài xem lại video hỗ trợ từ VRA (nguồn Uslsoccer)


    Thứ nhất, trên sân có một khu vực riêng gọi là RRA (Referee Review Area). Đây là nơi có các màn hình hiển thị đặt cố định, giúp xem xét lại các tình huống đã diễn ra dưới góc nhìn camera. Trọng tài có thể di chuyển tới khu vực này để xem trực tiếp video được gửi từ VAR để ra quyết định.

    Thứ hai, trọng tài có thể trì hoãn bất cứ thời điểm nào của trận đấu để trao đổi với VAR thông qua hệ thống liên lạc. Lúc này, trọng tài sẽ ra dấu hiệu bằng cách đưa tay lên ngang tai. Đây không được coi là tình huống đánh giá chính thức từ VAR.

    Cuối cùng là trường hợp trận đấu đã được dừng lại để tiến hành xem xét tình huống. Trọng tài kết hợp với đánh giá từ hiện trường và nhận xét của VAR để đưa ra quyết định cuối cùng. Đây được coi là tình huống đánh giá chính thức từ VAR, khi trọng tài chính ra dấu bằng cách dùng hai tay vẽ một màn hình trong không khí. Kết quả cuối cùng có thể trái ngược với quyết định vừa ra trước đó của trọng tài.

    Sự minh bạch của công nghệ VAR

    [​IMG]

    Trọng tài đang xem video quay lại tình huống ngay trên sân. Ảnh AFP

    Để đảm bảo tất cả người hâm mộ cả trong sân và đang xem trên TV đều được thông báo đầy đủ về quá trình đánh giá của VAR, FIFA đã phát triển một hệ thống thông tin cho các đài truyền hình, bình luận viên và các nguồn tin giải trí. Theo đó, với mỗi trận đấu, các đơn vị này sẽ nhận được thông báo về các bước khác nhau của quá trình đánh giá, bao gồm thông tin về lý do và kết quả, qua hệ thống máy tính bảng kết nối riêng.

    Người phụ trách nội dung gửi tới các thiết bị này luôn ở trong VOR, có quyền truy cập vào hệ thống âm thanh và hình ảnh của camera, với góc nhìn tương tự như của nhân viên hỗ trợ trọng tài. Trong khi đó, các mẫu đồ họa cụ thể cho TV và màn hình trên sân vận động cũng có bộ phận riêng phụ trách.

    Để đảm bảo cho toàn bộ quá trình này thông suốt, FIFA đã chọn các nhà cung cấp là những đơn vị công nghệ hàng đầu như nhà cung cấp thiết bị nghe nhìn Crescent Comms phụ trách âm thanh, công ty cung cấp hệ thống quan sát Hawk-Eye Innovations chuyên dụng trong môn cricket và quần vợt để phụ trách hình ảnh, bên cạnh các công nghệ như Goal-Line để xác định bóng đã qua vạch vôi...

    Hiện VAR đã nhận được nhiều ý kiến đánh giá tích cực từ các chuyên gia bóng đá. "Công nghệ mang lại sự minh bạch và chất lượng", danh thủ bóng đá Diego Maradona nhận xét.

    "Tôi ủng hộ việc sử dụng VAR. Tôi tin rằng đó là một yếu tố tạo nên sự công bằng cho cuộc chơi và cả các đội bóng", cựu cầu thủ Inter Milan Javier Zanetti nói.

    Tuy nhiên, một số ý kiến trái chiều cũng cho rằng việc áp dụng công nghệ này có thể khiến cho trận đấu bị gián đoạn, cảm xúc bị "bóp méo" và làm mờ nhạt đi vai trò của trọng tài.

    Mai Anh


    Mua hàng tại Tin Học Như Ý
    Theo Trang Công Nghệ
     
  2. Facebook comment - Trợ lý trọng tài qua video - công nghệ hỗ trợ trọng tài tại World Cup 2018

Share This Page