Những chuyện kỳ bí về "hang nuốt người" ở Lào Cai

Discussion in 'Khám phá - Phát minh' started by bboy_nonoyes, May 31, 2018.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 170)

    Điều khiến người dân bản địa kinh sợ là không chỉ người mà cả trâu bò khi bị “hút” vào hang thì đều mất xác một cách bí ẩn.

    Vài năm một lần, hang nước đang trong vắt bỗng đục ngầu khoảng 3 ngày rồi lại trong trở lại. Điều khiến người dân bản địa kinh sợ là không chỉ người mà cả trâu bò khi bị “hút” vào hang thì đều mất xác một cách bí ẩn.

    Bí ẩn về chiếc hang chưa bao giờ cạn


    Con đường từ Quốc lộ 70 về thôn A Nối đầy những đá là đá. Những dốc cao dựng đứng đến lưng chừng trời. Trời về chiều, những ánh nắng yếu ớt dần khuất sau những rặng núi cao, bỗng chốc tối sầm chỉ trong chốc lát.

    Chính vì thế, chỉ với 8 cây số nhưng chúng tôi cũng vất vả hơn 1 giờ đồng hồ mới vào đến được đầu thôn. Hỏi anh Mà A Mìn, người thanh niên ở đầu thôn về cái hang “hút người”, A Mìn bảo “Giờ tối rồi, muốn đến cái hang “hút người” thì phải đi vào ban ngày, tối đi vào đó nguy hiểm lắm, không cẩn thận lại bị nó hút mất xác”(?).

    Thôn A Nối về đêm đìu hiu và vắng vẻ. Lác đác từ những nếp nhà của dăm ba hộ đồng bào dân tộc Nùng là những ánh điện hiu hắt xuyên qua mái nhà lợp bằng lá cọ. Mìn bảo: “Thấy cái khó khăn của dân bản mình chưa. Không như ở dưới xuôi đâu”. Nói rồi Mìn rót cốc nước nóng mời những vị khách từ nơi xa đến. Khi những tiếng chim rừng đã im bặt, chúng tôi chìm vào giấc ngủ say cùng với điều ước trời sáng nhanh để còn “mục sở thị” cái hang “hút người” mà đồng bào ở đây kinh sợ.

    [​IMG]
    Hang nước mang nhiều câu chuyện kỳ lạ và huyền bí.

    Sáng sớm, khi ánh mặt trời vừa ló ra khỏi những dãy núi cao chót vót thì A Mìn đánh thức chúng tôi dậy. Vừa đi, A Mìn vừa kể vanh vách những lời đồn thổi xung quanh cái hang nước này. “Ngày xưa dân làng hay gọi là hang thuồng luồng sau nhiều người chết quá thì gọi là hốc “hút người”, hang “hút người” hay hang “ăn thịt người”. Tiếng của những người dân tộc bản địa nơi đây gọi là “Bổ boỏng chang”. Cái hang nước này có nguồn nước tự nhiên và cũng không ai biết nó xuất hiện từ khi nào”, A Mìn bắt đầu câu chuyện.

    Theo lời kể của người xưa, trước đây từ hang nước này có những cột nước phun lên cao độ chừng 4 – 5m. Nước từ hốc đá ấy trong vắt như mắt mèo. Nước chảy quanh năm không khi nào cạn. Hang nước không lớn nhưng đây là nơi cung cấp nước sinh hoạt và nước tưới tiêu cho bà con mấy thôn xung quanh khu vực này. Hang nước sâu đến nỗi không có một ai lặn đến được đáy, phải nối tận mấy cây vầu mới tới đáy hang.

    “Theo nhiều người già trong làng kể lại, hang nước bí hiểm và hung dữ lắm, có nhiều ngóc ngách, ngầm đá sâu, nhiều mạch nước ngầm chảy đi khắp nơi nhưng chẳng ai có thể biết được. Nước ở hang này rất lạ. Mùa đông thì ấm, mùa hè nước rất mát. Trong hang nước này ngày xưa có rất nhiều cá, những con cá lạ to bằng cả bắp chân người lớn nhưng dân làng nơi đây cũng không ai đánh bắt được chúng vì loài cá này rất khôn, thường ẩn nấp sâu vào trong các ngầm đá”, A Mìn cho biết.

    Câu chuyện… “thuồng luồng rửa hang” 5 năm 1 lần


    Theo quan sát của chúng tôi, xung quanh cái hang nước là những tảng đá lớn, trong khu vực hang nước có nổi lên 3 tảng đá dài trông hình dạng rất giống con thuồng luồng. Xung quanh cây cỏ phủ dày, dòng nước chảy ra từ hang trong vắt. Đây chính là nguồn nước phục vụ sinh hoạt cho người dân thôn A Nối.

    Đem thắc mắc tìm hiểu về gốc tích của hang nước, cụ Lù Bà Tỷ năm nay đã gần 90 tuổi bảo rằng, cũng không biết nó có từ đời nào. Chỉ biết hang nước ngày trước rộng bằng một ngôi nhà 3 gian. Nhưng không hiểu lý do vì sao mà hang nước ngày càng bé dần dù không có sự tác động của con người.

    Theo người dân, cứ 5 năm một lần, nước trong hang đá lại thay đổi. Nước đang trong vắt bỗng dưng đục ngầu như nước sông, nước đục đúng 3 ngày 3 đêm rồi trở lại trạng thái bình thường. Một hiện tượng lạ nữa mà đến nay người dân nơi đây cũng chưa thể lý giải được là khi người ta thấy nước trong hang đá đục ngầu 3 ngày 3 đêm thì đó là sự báo hiệu cho những đợt mưa lớn kéo dài cho những ngày kế cận.

    Họ cho rằng, đó là do “thuồng luồng rửa hang”, chúng vùng vẫy mạnh nên nước trong hang đá bị đục ngầu. Những lúc như vậy, người dân lại tránh xa, không dám lại gần hang nước.

    [​IMG]
    Người dân lấy nước sinh hoạt chảy ra từ hang thuồng luồng ở gần đó.

    Giải mã sự thật hang “ăn thịt người”


    Xung quanh cái hang nước này có nhiều điều lạ kỳ mà đến nay người dân nơi đây không thể lí giải nổi. Họ kể lại rằng, hang nước này thiêng và dữ lắm. Cụ Lù Thị Von, năm nay xấp xỉ 90 tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn kể rằng, khi cụ còn bé đã nghe chuyện hang nước. Những chú chó của dân bản được xích bằng những sợi dây rất to và chắc chắn, thế nhưng khi dắt chó đi qua đây, về nhà người ta chỉ cầm lại được mỗi sợi dây mà không hề hay biết chó bị mất từ khi nào. Theo cụ Von, từ khi dân bản đến đây sinh sống, đã có không biết bao nhiêu người và bao nhiêu trâu bò, lợn gà bị cái hang này “hút” mất (?).

    Câu chuyện mà người dân hay kể là ngày trước, phía bên kia dãy núi của thôn A Nối có rất đông người dân tộc Dao sinh sống. Trong một lần có hai cha con lên đồi làm rẫy. Trời nắng như đổ lửa, vì hết nước uống nên người cha đã sai con trai đi tìm nguồn nước để mang về. Đứa bé đi đến hang nước này nhưng không bao giờ trở lại nữa.

    Thấy con đi lấy nước lâu không về, người cha đi tìm và phát hiện dụng cụ đựng nước bên hang đá chứ không thấy con. Biết con mình đã bị hang nước “hút” mất nên người cha vô cùng tức giận. Để tìm được xác của con bị mắc kẹt dưới ngầm đá sâu hoắm, người cha đã phải về bản nhờ một người thầy cúng rất giỏi đến để yểm bùa và cúng bái. Ông thầy cúng nọ đã sử dụng lễ cúng là một con lợn, một con gà và hai chiếc chậu bằng đồng, những chiếc chổi rơm lấy từ những nương lúa nếp mới cắt. Sau khi bị “yểm bùa” thì từ trong hang nước không còn phun mạnh như trước nữa.

    Chúng tôi tìm đến cụ Lù Thị Lành. Cụ Lành là người được chứng kiến tận mắt nghi thức cúng bái hang cách đây đã mấy chục năm. Cụ Lành kể rằng, từ khi ông thầy cúng người Dao yểm long mạch gì đó thì hang nước chảy ra rất ít. Sợ không có nước để dùng nên người dân truyền tai nhau là không lấy chậu bằng đồng để hứng nước vì như lời thầy cúng dặn là nước sẽ chảy ít đi khi sử dụng những vật dụng bằng đồng.

    Cụ Lành khẳng định: “Mặc dù bị yểm bùa nhưng những lần sau đó hang nước vẫn “hút” đi nhiều con trâu mộng của dân bản. Nói về chuyện trâu chết đuối chắc chẳng ai có thể tin nổi bởi trâu không những biết bơi mà bơi rất giỏi. Ấy thế mà những con trâu đến chỗ hang nước tắm và đằm mình ở đó bỗng dưng lại bị mất tích một cách đầy bí ẩn, xác trâu không nổi lên mà chìm hẳn. Những lần như vậy, dân làng nơi đây lại phải đi tìm những thầy cúng dân tộc Dao gần đó về làm lễ cúng bái để xác trâu nổi lên”.

    Gần đây nhất, vào năm 2007, ở thôn A Nối xảy ra sự việc hết sức đau lòng. Trong một lần đến bên hang nước để câu cá, em Vàng Văn Ngân bị chết đuối. Sự việc trên một lần nữa khiến cả thôn A Nối sống trong sợ hãi và lo lắng. Nhiều người già trong thôn sợ đã đụng chạm đến thần linh khiến cho họ nổi giận, về bắt người, trâu bò để “phạt” dân làng (?). Chính vì thế mà một thời gian dài, hang nước không có người qua lại, thậm chí không ai dám bén mảng tới đó.

    Đem những chuyện này đến gặp Trưởng thôn A Nối, ông Nông Văn Lài thì ông phủ nhận hoàn toàn. Ông Lài cũng có được nghe về chuyện cái hang nước nhưng ông không tin đó là sự thật.

    “Hang nước cung cấp nước sạch cho bà con dân bản. Những trường hợp mà dân làng cho là bị hang nước “hút” người là do nạn nhân không biết bơi. Còn trâu, bò bị chết là do hang nước sâu, thành đá sắc lẹm và dựng đứng nên khi rơi xuống đó không có khả năng lên được. Còn khi nước đục là do nước đầu nguồn mưa lũ tràn về thôi. Những chuyện này tôi đều phải đi tuyên truyền cho mọi người hiểu, tránh chuyện mê tín, dị đoan”, ông Lài cho biết.

    Mua hàng tại Tin Học Như Ý
    Nguồn KhoaHoc.TV
     
  2. Facebook comment - Những chuyện kỳ bí về "hang nuốt người" ở Lào Cai

Share This Page