Một loài vật trông như sâu, rết đang xâm chiếm các bãi biển. Hãy cẩn thận, đừng chạm vào chúng. Mùa hè là thời điểm ai cũng muốn hướng về đại dương xanh, là chuỗi ngày nghỉ ngơi dưới gốc dừa lả lơi mà chẳng phải lo nghĩ về điều gì. Nhưng biển không phải chỉ toàn cảnh đẹp, mà cũng có những thứ cần phải dè chừng, như dòng chảy xa bờ (rip current), nước xoáy, cát lún... Và trong đó có cả loài vật kỳ lạ này. Tên của nó là sâu biển - hoặc rết biển - một trong những mối họa cần phải dè chừng trên các bãi biển hè này. Rết biển có lưng đen, bụng trắng, phủ đầy gai lông, kèm theo cách di chuyển nửa giống sâu, nửa giống đỉa. Và đừng nghĩ những sợi lông của chúng là để cho vui: chúng có chứa độc, và cơ chế gây độc của chúng giống như loài sâu róm trên cạn vậy. Thành phần độc tố trong sâu biển có tính chất gây dị ứng. Khi chạm phải, chúng sẽ gây mẩn ngứa, sưng tấy kéo dài, cực kỳ khó chịu. Dù chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong vì rết biển, nhưng nếu vô tình chạm phải cả một bầy khi đang bơi thì quả thực là bi kịch. Đáng buồn hơn, bạn sẽ không có cách nào trị lành ngay lập tức khi trúng độc từ sâu biển. Cách duy nhất là rửa thật nhanh bằng nước sạch, đồng thời hạn chế gãi, tránh độc lọt vào sâu hơn. Đây là một loài có hại, không chỉ cho du khách mà còn với ngư dân địa phương. Có thời điểm, lưới kéo lên chứa nhiều sâu đến mức phải bỏ mẻ cá mà bỏ chạy. Hơn nữa, dù thân hình chỉ dài 10 - 15cm, nhưng loài sâu này có miệng rất to, kèm khả năng nuốt thức ăn lớn hơn cả khối lượng cơ thể. Vậy nên, các hộ dân nuôi thủy sản ven bờ cũng không thoát khỏi sự xâm lăng của chúng. Theo giới khoa học ghi nhận, kích thước tối đa của loài vật này có thể lên tới 30cm. Chúng thường sống ở vùng nước sâu, nhưng đôi khi vẫn xâm nhập vào vùng nước ven bờ, gây hại cho con người. Let's block ads! (Why?)Nguồn KhoaHoc.TV