Ngày 28/5, giới chức Congo ghi nhận thêm một ca tử vong vì Ebola, nâng số người chết trong đợt bùng phát mới lên 12. Nhân viên y tế chuẩn bị tiêm vắc xin Ebola cho bệnh nhân ở Congo. (Ảnh: AP). Theo TIME, trường hợp tử vong mới nhất do virus Ebola xảy ra tại Iboko, vùng nông thôn phía tây bắc tỉnh Equateur. Như vậy, trong đợt bùng phát tháng 5, số bệnh nhân nhiễm virus tại Congo đã lên tới 35 người. Đây là lần thứ chín Ebola tấn công quốc gia Trung Phi này kể từ năm 1976. Lo lắng virus lây lan, hàng loạt trường học ở Iboko đã tạm đóng cửa. Chia sẻ trên đài phát thanh địa phương, nhiều người dân cho biết không dám ra ngoài tiếp xúc với hàng xóm. Để kiểm soát Ebola, giới chức Congo triển khai chiến dịch tiêm văcxin cho những người có nguy cơ cao nhiễm virus như y bác sĩ và gia đình bệnh nhân. Tính đến ngày 28/5, hơn 360 người đã được tiêm văcxin Ebola. Hiện chưa có phương pháp điều trị Ebola. Virus lây lan từ động vật hoang dã sang người hoặc từ người qua người do tiếp xúc với dịch cơ thể của bệnh nhân (kể cả người đã chết). Triệu chứng nhiễm Ebola bao gồm sốt cao, nôn mửa, tiêu chảy, đau cơ, chảy máu trong và ngoài. Tỷ lệ tử vong có thể lên tới 90% tùy trường hợp. Đại dịch Ebola hoành hành các quốc gia Trung Phi suốt từ tháng 3/2014 đến hết năm 2015. Căn bệnh nhanh chóng bùng phát trở thành nguy hiểm nhất trong lịch sử virus này kể từ lần đầu được tìm ra năm 1976. Sau hơn 20 tháng, Tổ chức Y tế Thế giới ghi nhận 28.637 ca bệnh từ 6 nước là Liberia, Guinea, Sierra Leone, Nigeria, Mỹ và Mali, trong đó 11.315 trường hợp tử vong. Số người chết do đại dịch này cao gấp 5 lần những đợt bùng phát khác cộng lại. Đầu năm 2016, Tổ chức Y tế Thế giới công bố đại dịch Ebola kết thúc. Từ đó đến nay, thỉnh thoảng Ebola vẫn tái xuất hiện những trận dịch nhỏ ở các nước Tây Phi. Các quốc gia phát triển đã bắt tay nghiên cứu sản xuất vắc xin Ebola và đã có thành công bước đầu, tuy nhiên hiện chưa có thuốc điều trị căn bệnh này. Let's block ads! (Why?)Nguồn KhoaHoc.TV