Các căn bệnh do virus gây ra chỉ có thể bị làm chậm và kìm hãm, chứ chưa bao giờ chữa khỏi hoàn toàn được. Bằng trí thông minh, loài người đã chinh phục được cả hành tinh, phá vỡ nhiều quy tắc cố hữu của tự nhiên và làm được những điều không tưởng. Nhưng ngay khi chúng ta tự hào nhất, tạo hóa lại cho chúng ta thấy điều ngược lại. Con người có thể đã đủ giỏi để vượt qua mọi sinh vật khác lớn hơn ta, nhưng vẫn phải bó tay trước 1 loài nhỏ bé hơn rất nhiều lần. Đó là virus. Thực vậy! Từ các virus nguy hiểm như HIV, Ebola, SARS, viêm não Nhật Bản... đến các chứng bệnh cảm cúm thông thường, tất cả đều không có thuốc điều trị. Với vi khuẩn, chúng ta có thể giết chúng bằng kháng sinh, nhưng không thể làm điều tương tự với virus. Hiện nay, cách duy nhất để đối phó với chúng mà không gây hại cho tế bào là dựa vào hệ miễn dịch - và phương pháp này không phải lúc nào cũng hiệu quả. Nói cách khác, quá trình chữa bệnh diễn ra khá thụ động bởi chúng ta chẳng có loại thuốc nào tận diệt được virus cả. Nhưng tại sao vậy nhỉ? Trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học đã đưa ra một vài nguyên nhân chính lí giải sự "cứng đầu" của virus. Một là chúng có cấu trúc đơn giản mà tinh vi đến không ngờ. Mọi virus đều cấu thành từ 2 phần cơ bản: vật chất di truyền (ADN hoặc ARN) và vỏ. Điều này khác so với vi khuẩn gồm vật chất di truyền (ADN, plasmid), màng và ribosome. Màng tế bào vi khuẩn rất khác so với màng tế bào của động vật, nên chúng dễ dàng bị tấn công độc lập nhờ vào kháng sinh. Một số loại virus. (Ảnh: Bill Cypher). Virus thì không như vậy. Lớp vỏ của chúng là những protein sai lệch cấu trúc xoắn, và không bị phá hủy theo cách thông thường. Thêm vào đó, cấu trúc đơn sơ của virus dù khiến chúng không thể tự nhân lên, nhưng lại giúp chúng có khả năng "lẩn trốn" một cách thiện nghệ. Virus khi tiếp cận tế bào sẽ bơm ADN/ARN của mình lẫn vào bộ gene, khiến các gene này bị lỗi. Hậu quả là chính tế bào sẽ dùng dinh dưỡng và enzyme của mình tổng hợp thêm các bộ phận mới cho virus. Và virus nhân lên như vậy đó. Virus nhân lên bằng cách kí sinh trong tế bào. (Ảnh: Bill Cypher). Sau khi xây dựng được cả một đội quân hùng hậu, virus sẽ ồ ạt phá vỡ tế bào vật chủ thoát ra ngoài. Kế hoạch này quá hoàn hảo, vì virus nằm trong tế bào, thực hiện mọi hoạt động trong tế bào nên hệ miễn dịch rất khó phát hiện. Các loại thuốc cũng chẳng thể tấn công virus mà không gây hại cho vật chủ. Chưa hết, chúng rất khó đối phó do có khả năng tự biến đổi gene cực nhanh. Vật chất di truyền của virus ngắn, lại thường ở dạng đơn và không có các cơ chế kiểm soát đột biến. Một số virus còn có thể tự tăng kích thước bộ gene lên từ 7% – 10%, với những phần mới mã hóa các chất chống lại sự tấn công từ hệ miễn dịch. Thực tế thì con người đang phải chịu lép vế trước virus. Rất không may cho chúng ta, những đặc điểm trên lại ban tặng cho virus thêm một biệt tài khác: ứng biến trước các tác nhân tấn công nó. Chỉ sau một thời gian ngắn, loại thuốc mà chúng ta cầm trên tay sẽ trở nên vô dụng, và phải nghiên cứu lại từ đầu. Cuộc chiến giữa virus và người sẽ còn diễn ra đến khi nào – không ai có thể biết trước. Chúng ta mới biết đến và hướng tầm ngắm vào virus chưa lâu nên hiểu biết về chúng còn khá ít. Thực tế thì con người đang phải chịu lép vế. Ai sẽ thắng, chỉ có thời gian chứng minh được. Mua hàng tại Tin Học Như ÝNguồn KhoaHoc.TV