Tối 11/5 bé đang ngủ thì bật dậy do tai bên phải đau dữ dội, cảm giác có vật thể lạ di chuyển bên trong kèm nhức đầu và chảy máu lỗ tai. Vào bệnh viện gần nhà rửa nước muối mà không hết đau, bé được đưa đến Bệnh viện Quốc tế City ngay trong đêm. Bác sĩ Lê Quốc Tú đã nội soi tai của bé và gắp ra một con bọ cánh cứng kích thước 5x8 mm. Con côn trùng đã chui vào tai bé và nằm sát màng nhĩ. Da ống tai của bé bị rách, có phù nề do bị chân con bọ bấu vào, may mắn màng nhĩ vẫn còn nguyên. Sau khi gắp bọ ra ngoài, bé nhanh chóng giảm đau tai, giảm nhức đầu. Bọ cánh cứng được lấy ra khỏi tai bé trai. Ảnh bệnh viện cung cấp. Theo bác sĩ Tú, đây là một ca tương đối khó vì côn trùng có kích thước khá lớn, chân sắc nhọn bấu vào da ống tai khá chặt. Do đó bơm rửa nước muối vào tai hầu như không hiệu quả, phải sử dụng dụng cụ đặc biệt để gắp con bọ ra. "Côn trùng có thể gây tổn thương da ống tai, thủng màng nhĩ, tổn thương những cấu trúc giải phẫu bên trong tai giữa nên cần điều trị kịp thời, không nên trì hoãn", bác sĩ Tú nói. Trường hợp này nhờ gia đình đưa đến viện kịp thời nên vùng tai của bé không phải chịu những tổn thương nặng nề. Khí hậu nắng nóng kèm những cơn mưa to bất chợt là điều kiện để các loại côn trùng xâm nhập vào môi trường sống. Bác sĩ khuyến cáo phụ huynh nên cho bé ngủ mùng kể cả ban ngày để tránh côn trùng. Kiểm tra chăn, gối, nệm trước khi ngủ. Khi trẻ bị côn trùng xâm nhập vào vùng tai mũi họng, cần đưa đến bác sĩ hoặc các cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Lê Phương Let's block ads! (Why?) Nguồn: VNExpress