Lực hấp dẫn của sao Mộc và sao Kim có thể tác động đến quỹ đạo Trái Đất bay quanh Mặt Trời theo chu kỳ hàng trăm nghìn năm. Các nhà khoa học vừa xác nhận một giả thuyết đã tồn tại từ lâu, đó là quỹ đạo của Trái Đất bị biến dạng bởi lực hấp dẫn của sao Mộc và sao Kim theo chu kỳ 405.000 năm, qua đó ảnh hưởng đến khí hậu và các dạng sự sống trên Trái Đất. Kết quả nghiên cứu được công bố trên Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ (PNAS) hôm 7/5. Trên thực tế, chu kỳ này đã diễn ra được ít nhất 215 triệu năm. (Ảnh: Irishnews). Trên thực tế, chu kỳ này đã diễn ra được ít nhất 215 triệu năm. Nó xảy ra từ trước thời kỳ khủng long phát triển và vẫn còn hoạt động đến ngày nay. Dựa vào chu kỳ, chúng ta có thể xác định chính xác hơn niên đại của các sự kiện địa chất. "Các nhà khoa học hiện nay có thể liên kết những thay đổi trong khí hậu, môi trường, khủng long, động vật có vú và các hóa thạch trên khắp thế giới với chu kỳ 405.000 năm một cách rõ ràng", Dennis Kent, tác giả chính của nghiên cứu tại Đại học Rutgers (Mỹ), cho biết. Theo Kent, các chu kỳ khí hậu liên quan trực tiếp đến cách Trái Đất quay quanh Mặt Trời. Những thay đổi nhỏ trong lượng ánh sáng Mặt Trời chiếu xuống Trái Đất dẫn đến những thay đổi khí hậu và hệ sinh thái. Sao Mộc và sao Kim có thể gây ra những tác động mãnh mẽ như trên là do kích thước và khoảng cách gần gũi của chúng. Sao Kim là hành tinh ở gần nhất so với Trái Đất và có khối lượng gần bằng hành tinh của chúng ta. Thời điểm sao Kim cách xa Trái Đất nhất chỉ khoảng 260 triệu km. Sao Mộc nằm cách xa Trái Đất hơn rất nhiều nhưng lại là hành tinh lớn nhất trong hệ Mặt Trời. Theo nhóm nghiên cứu, cứ sau 405.000 năm, sự rung lắc quỹ đạo của Trái Đất gây ra bởi lực hấp dẫn của hai hành tinh khiến trạng thái các mùa trên Trái Đất thay đổi. Mùa hè nóng hơn và mùa đông lạnh hơn, thời kỳ khô hạn ít mưa hơn và thời kỳ ẩm ướt nhiều mưa lên. Hiện nay chúng ta đang ở giữa chu kỳ, vì đỉnh chu kỳ gần đây nhất cách đây khoảng 200.000 năm, Kent nhận định. Tuy nhiên, tác động đến khí hậu từ các hành tinh là quá nhỏ so với cách mà con người gây ảnh hưởng đến Trái Đất thông qua việc đốt nhiên liệu hóa thạch. "Tất cả lượng khí CO2 mà con người thải vào khí quyển hiện nay đã gây ra những tác động lớn rõ ràng đến sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu. Đó là một hiệu ứng mà chúng ta có thể đo lường ngay bây giờ. Chu kỳ hành tinh là một thứ gì đó tinh tế và khó phát hiện hơn", Kent nói. Let's block ads! (Why?)Nguồn KhoaHoc.TV