Thiết bị này là một cảm biến cực kỳ mạnh mẽ, sử dụng các tần số radio để phát hiện chuyển động và phân biệt giữa người và vật thể. Mọi người đều sửng sốt khi được nghe Raviv Melamed kể về sản phẩm anh đang phát triển. "Họ nghĩ đó là chuyện khoa học viễn tưởng" - Melamed nói. Công ty có trụ sở tại Israel của Melamed - Vayyar - đang phát triển một thiết bị mà anh miêu tả là có "thị giác của Siêu nhân": khả năng "nhìn" xuyên qua cơ thể con người, tường gạch, cửa, và nhiều vật thể đặc khác. Vayyar đã tạo được một con chip nhỏ, tích hợp cảm biến, với 72 đơn vị truyền phát và 72 đơn vị tiếp nhận, có thể xuyên thủng tường gạch, thực hiện các thuật toán hình ảnh phức tạp, và phân biệt giữa người với các vật thể đặc. Sản phẩm của Vayyar mới đầu có thể trong khá kỳ ảo, nhưng nó lại có nhiều ứng dụng thực tiễn trên các lĩnh vực ảnh hoá ung thư vú, chăm sóc người lớn tuổi, robot học, bán lẻ và hơn thế nữa. Cảm biến mới nhất của công ty được tối ưu hoá để giám sát nhà ở. Thiết bị mà theo Melamed là có thể phân biệt giữa một người đang đi, ngồi hay nằm này sẽ được sử dụng trong lĩnh vực chăm sóc người lớn tuổi. Con chip với 72 đơn vị truyền phát và 72 đơn vị tiếp nhận của Vayyar. "Người lớn tuổi thường không muốn đeo trên người bất kỳ thiết bị nào, bởi họ không muốn bị hình tượng hoá" - Melamed nói, ám chỉ đến các thiết bị đeo hiện đang được bán trên thị trường thiết bị báo động y khoa. Công nghệ của Vayyar giám sát con người bằng cách sử dụng các tần số radio, bởi Melamed cho rằng nó ít xâm phạm riêng tư hơn các hệ thống giám sát video. "Mọi người muốn được tự do ngay bên trong căn nhà của mình" - Melamed nói - "Người ta không muốn cảm thấy bị theo dõi". Tuy hình ảnh mà công nghệ của Vayyar thu được chỉ là một sự ước chừng mờ ảo của một người hay một vật thể, nhưng theo Melamed thì đó lại là một tính năng quan trọng thu hút người tiêu dùng đối với các thiết bị giám sát nhà ở. "Hình ảnh thu được không có độ phân giải cao. Ví dụ, tôi có thể thấy tay và đầu bạn, nhưng tôi sẽ không thể nhận diện được khuôn mặt bạn" - Melamed nói. Melamed bắt đầu Vayyar từ 7 năm trước tại căn nhà của anh ở Tel Aviv sau khi rời vị trí phát triển radar cho Bộ Quốc phòng Israel. "Khi tôi quyết định bước chân vào thế giới startup, tôi muốn biết liệu mình có thể sử dụng kỹ năng làm việc với các cảm biến của mình để ứng dụng lên cơ thể người hay không" - anh nói. Một ví dụ về hình ảnh mà cảm biến của Vayyar thu được. Dù cảm biến của Vayyar ban đầu được thiết kế như một thiết bị thu ảnh nhằm phát hiện sự sinh trưởng của các tế bào ung thư, hiện nay công nghệ này đã và đang được ứng dụng trên rất nhiều lĩnh vực khác nhau. Các nhà đầu tư cũng bắt đầu chú ý đến Vayyar. Từ khi được sáng lập, công ty đã thu hút được đến 79 triệu USD vốn đầu tư từ các nhà đầu tư lớn như Bessemer Venture Partners, Battery Ventures, và Amiti Ventures. Melamed cho biết kế hoạch tiếp theo của Vayyar là tấn công vào ngành công nghiệp tự động hoá. "Quy mô ứng dụng của thiết bị này là rất lớn. Các radar cực kỳ tinh vi có thể giải quyết nhiều vấn đề trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau" - Melamed kết luận. Mua hàng tại Tin Học Như ÝNguồn KhoaHoc.TV