San Francisco vốn là trung tâm văn hóa và tài chính hàng đầu của bang California. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, thành phố tạo ra được rất nhiều công ty khởi nghiệp giá trị, startup "kỳ lân" (công ty có giá trị từ một tỷ USD trở lên). Đây cũng là địa điểm được những nhà sáng lập của Uber, Airbnb, Lyft, Dropbox lựa chọn đặt văn phòng. Khoảng 30 startup tỷ đô trong thành phố đến từ đa dạng lĩnh vực từ ứng dụng gọi xe cho đến nền tảng cho vay tài chính trực tuyến. Con đường thành công từ những startup kỳ lân nói trên khác nhau và phong phú, nhưng đều dựa trên một số quy tắc nhất định. Đó là sự công khai, minh bạch tài chính từ các khoản đầu tư lớn cho đến những con số thua lỗ khủng; duy trì mối quan hệ với các nhà đầu tư quyền lực cũng như tận dụng được ưu thế từ một mô hình kinh doanh đơn giản. Chỉ trong một vài km vuông tại một con phố ở San Francisco, những startup tên tuổi, giá trị nhất thế giới tranh nhau đặt văn phòng. Giới chuyên gia đã đúc rút ra một số công thức thành công của các startup tỷ đô dưới đây nhằm giúp công ty khởi nghiệp khác học hỏi. Chinh phục thị trường trước, tìm kiếm lợi nhuận sau Giới chuyên gia nhận định, trong văn hóa và tư duy khởi nghiệp ở Mỹ, mất tiền không phải là một lỗi lầm. Đây là một chiến lược kinh doanh. Các doanh nghiệp cần phải vung tiền để giành thị phần và khách hàng, cạnh tranh với đối thủ của mình trước khi nghĩ đến việc tìm kiếm lợi nhuận. Trên thực tế, phần lớn những công ty Internet và công nghệ giá trị nhất tại San Francisco thường xuyên trong tình cảnh thua lỗ hoặc nếu có kiếm ra tiền thì cũng chẳng đáng là bao so với định giá công ty. Tiêu biểu là Uber, một trong những startup giá trị nhất hành tinh với trị giá 48 tỷ USD theo nghiên cứu mới nhất từ Forbes vừa công bố lỗ hơn 4,5 tỷ USD năm 2017. Vung tiền để chiếm thị trường, giành khách hàng là chiến lược kinh doanh để thành công trong khởi nghiệp tại San Francisco. Dropbox cũng mới mất hơn 100 triệu USD sau vụ lỗ 200 triệu USD cùng kỳ năm ngoái và con số này năm trước đó nữa là 300 triệu USD. Ngay kể cả với Airbnb, mô hình kinh doanh chia sẻ phòng ở lớn nhất cũng mất đến 9 năm để có khoản lợi nhuận đầu tiên. Có chuyên gia còn đùa rằng trong tư duy khởi nghiệp, làm kinh doanh ở Mỹ thì "không làm ra tiền cũng là một lợi thế cạnh tranh, đặc biệt nếu bạn có thể chịu được tình trạng lỗ triền miên". Hiện tượng rất nhiều công ty khởi nghiệp hiện nay chưa tạo ra được lợi nhuận hay doanh thu bắt đầu được coi là bình thường. Tuy vậy, các startup này có thể đe dọa đến cả những ngành công nghiệp truyền thống như cách Uber và những ứng dụng gọi xe tương tự "càn quét" thị trường taxi. Khi các đối thủ phải lần lượt rời khỏi cuộc chơi vì không chạy đua nổi trong "cuộc chiến kim tiền", các mô hình kinh doanh kiểu mới sẽ bắt đầu tăng giá và vận hành. Kêu gọi vốn từ những nhà đầu tư uy tín Để thành công như một startup kỳ lân ở San Francisco, các nhà sáng lập startup cần học cách tiêu tiền của người khác. "Người khác" ở đây là một danh sách công khai những quỹ đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần và các cá nhân có kinh nghiệm đầu tư vào khởi nghiệp trong nhiều năm. Được lựa chọn bởi các nhà đầu tư uy tín là một bảo chứng cho thành công của công ty khởi nghiệp. Nếu nhận được vốn rót từ một tên tuổi lớn, các startup sẽ gia tăng cơ hội nhận được vốn từ các nhà đầu tư khác trong những lần gọi vốn sau. Đơn giản hóa mô hình kinh doanh Các startup nên chọn một mô hình kinh doanh đơn giản, dễ giải thích và tóm lược chỉ trong vòng một câu như "Đây là ứng dụng chia sẻ chuyến đi với người khác" hoặc "Chúng tôi cung cấp giải pháp giúp bạn cho người lạ thuê nhà mình"... Trong danh sách 32 công ty khởi nghiệp trị giá hơn một tỷ USD đặt trụ sở tại San Francisco, tất cả đều có nhận diện thương hiệu trên toàn cầu cùng những mô tả đơn giản như Pinterest, Instacart, Slack, Uber,... Tùng Hạ(theo Techcrunch) Mua hàng tại Tin Học Như ÝNguồn: VNExpress